Như đã đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra kế hoạch mở lại đường bay nội địa từ ngày 10/10 đến 20/10. Trước đó, khi lấy ý kiến các tỉnh có sân bay, cảng hàng không về việc mở lại đường bay, nhiều tỉnh đã không đồng ý vì lo lây nhiễm dịch Covid-19.
Vậy nguy cơ lây nhiễm chéo trên máy bay ở mức độ nào? Ở nước ta đã ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm do đi cùng chuyến bay?
Trả lời tại tọa đàm trực tuyến về "điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn", ông võ huy cường - phó cục trưởng cục hàng không việt nam cho biết, việc có ca mắc covid-19 trên chuyến bay đã từng xảy ra.
Ông Võ Huy Cường Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (ảnh báo Giao thông). |
Cụ thể là trường hợp bệnh nhân số 17 đi từ Anh về Hà Nội. Tuy nhiên, trên chuyến bay đó cũng có một số bệnh nhân khác, nên chưa có cơ sở đánh giá đó là lây nhiễm chéo cộng đồng.
"Theo dõi báo cáo hàng ngày của ngành hàng không mà chúng tôi chủ trì, cho đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được báo cáo có một vụ việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly của Vietnam Airlines của tiếp viên hàng không và đã xử lý hình sự. Về một số trường hợp liên quan đến tiếp viên hàng không Việt Nam trên những chuyến bay từ châu Âu, Rumani, Nga về, chúng tôi cho rằng không có cơ sở khẳng định có lây nhiễm của tiếp viên hàng không trên chuyến bay. Vì các tiếp viên còn có các hoạt động khác ở bên ngoài sau khi thực hiện chuyến bay đến các địa phương..." - ông Cường thông tin.
Hành khách đi máy bay mùa dịch (ảnh minh họa). |
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng dẫn chứng về số liệu của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) cho biết, đến thời điểm cuối tháng 8/2020 có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, nhưng chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo.
"Đó là minh chứng cho thấy an toàn trong đi lại bằng đường hàng không khi chúng ta đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Một điều nữa, khi có sự cố xảy ra về lây nhiễm khi di chuyển bằng hàng không, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách là ai, đi chuyến bay nào, ngồi ghế nào, địa chỉ, nơi đến ra sao…" - ông Cường nêu quan điểm.
Đánh giá dưới góc độ y tế, pgs.ts trần đắc phu - cố vấn cao cấp trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng, vấn đề đặt ra là cần chú trọng khai báo y tế, nếu phát hiện ca nhiễm thì truy vết, xét nghiệm.
PGS.TS Trần Đắc Phu (ảnh báo Giao thông). |
"Tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận kiểm soát, nếu có lây trên máy bay, chúng ta có hàng rào kiểm soát được để những người đi trên chuyến bay an toàn. Kể cả nhiễm Covid-19, những người tiêm vắc xin rồi cũng không nặng, không sợ" - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhấn mạnh.