Nhà thơ bùi kim anh in tập thơ đầu tiên cách đây 27 năm, lúc đó bà cũng đã 47 tuổi. nói như vậy để thấy thơ đến với bà không phải vì sự mơ mộng của tuổi trẻ, là thứ ngôn ngữ trang sức để người khác phải chú ý. cho đến nay sự bền bỉ với thơ của bà đã lần lượt gọi tên 12 tập thơ, mà mỗi tập thơ khá dày dặn, ngót nghét 150 bài.
Cầm trên tay tập thơ mới nhất của nhà thơ bùi kim anh "thức bước thời gian" có cảm giác thấy vừa quen vừa lạ tựa như thể ta gặp lại một cái gì vừa đi vắng, vừa ẩn lấp ở đâu đó bỗng lại xuất hiện song hành với cảm xúc. vẫn là một tập thơ khổ giấy vuông, màu bìa gần gũi, gợi đến cái gì chầm chậm, mênh mang vô định. có lẽ nó giống như một bữa ăn tinh thần, chỉ cần nhìn vào bìa sách là chạm được vào cảm xúc, là chuẩn bị sẵn một cảm thức và cứ cái mạch ấy để lật giở từng trang.
Vẫn là những dòng chữ trên trang giấy trắng, không minh họa mà người đọc cứ bị cuốn vào. những câu thơ của nhà thơ bùi kim anh được kết dính bằng tứ, bằng mạch, bằng nhịp điệu và câu nọ cứ kéo câu kia. bà không viết hoa ở mỗi dòng, mỗi khổ, không sử dụng vần và không cả sử dụng những dấu câu. còn nhớ cách đây mấy chục năm có cuộc tranh cãi về thơ không vần và thơ có vần để rồi sau đó là sự thừa nhận về thơ không vần.
Nhà thơ Bùi Kim Anh
Tuy nhiên, nhà thơ bùi kim anh có lẽ cũng từ khá lâu rồi không chỉ thơ không vần mà còn "tước bỏ" rất nhiều thứ ở thơ. có ai đó nói rằng hình như nhà thơ dùng sai ngữ pháp hoặc vì không thể làm thơ có vần nên mới có kiểu viết như vậy. nên nhớ rằng, trước khi đến với thơ, bà còn là một cô giáo dạy văn. mà một cô giáo văn thì không thể có chuyện sai ngữ pháp. và cũng phải nói thêm rằng nhà thơ bùi kim anh từng có rất nhiều câu thơ lục bát – thơ có vần nổi tiếng, đến độ không ít người cho rằng hình như đó là… ca dao!. và ngay cả trong tập thơ "thức bước thời gian" độc giả vẫn thấy có những bài thơ lục bát như: "dạo phố đồng tiên cỏn con", "đã quen mất nết đi rồi", "chi bằng ta gọi mình hay"… nói như thế để chứng minh không phải vì người cầm bút không làm được thể thơ này thì sẽ sang thể thơ khác, mà có lẽ đó là sự tự nhiên của cảm xúc và cả ý thức về sự làm mới ngôn từ của chính bản thân nhà thơ
Làm thơ như Bùi Kim Anh liệu có khó không? Nếu để hay, nếu để được thừa nhận là thơ, là rất khó. Vì dù sao thơ có vần, sự nương nhờ o ép của ngôn ngữ có thể đánh lừa thứ na ná thơ là thơ. Sự nương nhờ của những dấu câu với ngắt nghỉ dài ngắn có thể tạo ra một nhịp điệu ngôn ngữ để được một số người dễ tính "xếp hàng" vào thơ.
Nhà thơ bùi kim anh đã mang đến cho người đọc thêm một cách cảm, cách thưởng thức về thơ sau những lối mòn quen thuộc một cách tự nhiên, mộc mạc. có lẽ thơ đã ngấm vào bà trong tất cả vui buồn thường nhật của cuộc sống hàng ngày nên chỉ cần cầm bút, viết ra là thành thơ mà không cần gồng mình, không cần phụ thuộc vào những quy tắc nào. "những câu thơ chỉ biết thực lòng/ bó hồng thơm biết tự ngát hương" như chính lời "tự thú" của ngòi bút bùi kim anh.
Mà đúng là đọc thơ và thấy tất cả cuộc sống được hiện hữu, từ khoảnh khắc giao mùa, từ Hà Nội những ngày giãn cách với phiếu đi chợ chẵn lẻ, đến sự lo lắng của dịch bệnh. Ta thấy ở đó những tâm sự rất nhỏ bé mà cũng rất đỗi đàn bà. Để từ cái nhỏ bé, vụn vặt thường ngày ấy là sự trăn trở, lo toan một nỗi niềm cao hơn, xa hơn của nhân tình thế thái. Có thể dễ dàng bắt gặp những câu thơ thế này như: "ta ngồi với bình thản trong căn nhà đóng cửa/ lo lắng nào đang ngoài kia" hay "ngày đọc báo mới nhiều lần hơn/ ngày ghi lại nhiều hơn cảm xúc/ ngày nhớ nhiều hơn những gì cần nhớ" và "Hà Nội thức sau một đêm/ tinh mơ nháo chợ nháo siêu thị/ chẳng cần thịt sạch rau sạch/ chẳng hỏi của ta ở đâu/ nhanh tay/ nhanh tay… tà áo dài tháng Ba bay trên trang facebook/những người đàn bà lo chợ ngày dịch bệnh không quên làm đẹp /tháng Ba vẫn còn đó sắc xuân".
Ở "thức bước thời gian", đúng như tên tập thơ, ý niệm về thời gian cứ trở đi trở lại trong thơ Bùi Kim Anh. Thời gian của nhà thơ khá đa da dạng, không chỉ bằng những buổi chợ đông đúc thường ngày đến buổi chợ giãn cách vắng vẻ, bằng buổi sáng, bằng ngày cũ, ngày bé và bằng cả bốn mùa của năm. "Bài ca ánh mặt trời mang bốn mùa đi xa/ ta còn mơ mộng mãi/ những lời viển vông… những câu chuyện theo con nước dòng sông/ cứ quẩn vào rong rêu củi rác/ ta mặc lòng mà miên man thời gian".
Thời gian trong thơ bùi kim anh khiến ta thấy nuối tiếc và tự đặt ra những nghi vấn để so sánh trong tương quan hiện tại và quá khứ, cũ và mới, được và mất… "ngày rất cũ/ ngày rất bé/ ký ức đã già mờ trong dòng nhớ/ cửa hàng lụa nào hàng trống rẽ hàng gai" hay những thảng thốt "thời gian đặt ở đâu/ trong gió và trong nước/ trong lời kinh nguyện cầu/ lẳng lặng trôi đi/ trong câu hỏi bâng quơ sáng nay… vẹn nguyên không gian trời đất/ vẹn nguyên vòng quay thời gian/ lòng người liệu có vẹn nguyên/giật mình ngoái lại".
"Thức bước thời gian" phải chăng là sự thao thức, trằn trọc với những bộn bề đời sống trong dòng chảy thời gian? Hay là thời gian là thứ luôn chuyển động, luôn thức để lặng lẽ bước đi và mỗi bước đi ấy mang theo biết bao đổi thay, cảm xúc của con người và cuộc sống ở mọi nơi, mọi lúc? "Thời gian đóng dấu màu chì lên thơ ta/ đêm thành phố chỉ có tiếng gió/làm sao nghe được rễ cây lách trong khe cỏ/ sáng mai gạch lát vỉa hè nhô cao". Và dù là cách cảm thế nào ta cũng nhận ra nỗi suy tư của người cầm bút gửi gắm ở đó, ở giây phút đó, ở tích tắc đó "khi cái nhìn sáng nay không vẹn nguyên/người ta bảo có mưa/ giọt mưa sao nhẹ vậy… khi những chiếc lá cuối năm quăn nếp nhăn rơi trên lối phố/ bạn sẽ hiểu tuổi già".
Thơ của Bùi Kim Anh phần lớn là nỗi buồn. Ở tập thơ "thức bước thời gian" ta vẫn gặp lại phần nào cung bậc nỗi buồn ấy. Nhưng nỗi buồn ở "thức bước thời gian" làm ta nhẹ lòng hơn. Khi con người đi qua mọi giông bão, chiến thắng mọi biến cố của cuộc đời rồi thì cái để ta bận lòng hơn không phải là nỗi đau đớn cá nhân mà là vết sẹo được lành lại theo thời gian, là những gì để lại mỗi ngày từ chính thời khắc đã, đang và sẽ trôi đi từng phút, từng giây của cuộc đời này.
Vào lúc 14h ngày 22/4, tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ ra mắt tập thơ mới nhất - tập thơ thứ 12 "Thức bước thời gian" của nhà thơ Bùi Kim Anh. Tại đây nhiều nhà thơ và độc giả sẽ chia sẻ những cảm nhận về tập thơ.
Hiền Nguyễn