Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Con gái dậy thì, ngực phát triển nhưng chờ mãi không thấy chu kỳ

Nhiều phụ huynh khi con tới tuổi dậy thì đi hết từ lo lắng này tới băn khoăn khác, như sao con đã phát triển ngực nhưng vẫn chưa thấy kinh nguyệt, hoặc con có kinh nguyệt rồi nhưng ngực vẫn không phát triển

Chị Lê Thị Thu P. (Hà Đông, Hà Nội) cho con đến bệnh viện khám tâm lý vì bé học lớp 6 nhưng có nhiều thay đổi tính nết. Trước đây con rất năng động nhưng khoảng 1 năm nay với những thay đổi của cơ thể như tăng cân, ngực phát triển… con bắt đầu trầm tính, tự ti về bản thân mình. Con rất hay dỗi và không còn thể hiện quan điểm của mình như trước.

Có lúc con còn hỏi chị Phương tại sao ở lớp có bạn “ngực lép” có bạn lại ngực to. Trước những câu hỏi của con, chị Phương cũng không biết trả lời như thế nào.

Trong giai đoạn con dậy thì, hai vợ chồng chị Phương lúc nào cũng căng thẳng theo con, theo những thay đổi nhanh chóng, thất thường về tính nết của con.

Chị Nguyễn Thị H. có con gái sinh năm 2010. So với các bạn, con phát triển chậm hơn. Cô bé có ngực phát triển nhưng rất lâu lại không thấy có kinh nguyệt.

Chị H, nghe đồng nghiệp, bạn bè kể về việc con dậy thì, cha mẹ cũng “toát mồ hôi” nên chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như mua sách về đọc.

Đọc càng nhiều chị càng lo hơn. Sự lo lắng của mẹ cũng khiến cô con gái lo theo. Thi thoảng con lại hỏi mẹ bao giờ con có kinh nguyệt hay tại sao ngực của con nhỏ/lớn hơn các bạn.

Ảnh minh họa. 

Theo TS BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Trưởng Khoa Thận-Nội tiết, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, dấu hiệu dậy thì của bé gái rõ rệt hơn trẻ nam. Trẻ gái dậy thì tính từ lúc trẻ có ngực phát triển. Từ lúc ngực phát triển đến khi có kinh nguyệt khoảng 2 năm. Tuy nhiên, BS Quỳnh cho biết thời gian này phụ thuộc vào từng trẻ. Có trường hợp kinh nguyệt đến sớm, có trẻ muộn hơn hai năm mới có.

Ngoài dấu hiệu ngực phát triển thì giai đoạn này trẻ cao lớn nhanh và trẻ bắt đầu có lông mu, lông nách, nổi mụn, có huyết trắng cuối cùng là có kinh nguyệt. 

ThS. Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 cho biết khi bước vào giai đoạn dậy thì ngoài thay đổi về hình thể cơ thể trẻ cũng bước vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh của các hormone sinh dục, sự phân biệt giới tính bắt đầu hình thành khiến các trạng thái cảm xúc nhạy cảm xuất hiện.

Nếu những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô không hiểu rõ những cảm xúc của trẻ mà còn tác động mạnh vào các vấn đề đó sẽ dễ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, dễ nảy sinh xung đột, dẫn đến các rối loạn cảm xúc. Đặc biệt, nhiều trẻ tới khám tại bệnh viện trong tâm trạng lo lắng. Trẻ sợ sự thay đổi trên chính cơ thể mình.

Thạc sĩ Nguyệt cho biết đôi khi dậy thì ở trẻ cũng khiến cha mẹ lo lắng thái quá khiến trẻ sợ hãi. 

Đối với bạn bè cùng trang lứa, em nào có những biểu hiện dậy thì trước sẽ dễ bị bạn bè  trêu chọc và bị phân biệt đối xử. nhưng có những trẻ dậy thì muộn cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, cha mẹ nên nên trang bị cho các con kỹ năng để con không còn bỡ ngỡ với những thay đổi trên cơ thể các con. Cha mẹ không nên quá căng thẳng, nếu cha mẹ căng thẳng cũng khiến trẻ sợ hãi, lo lắng.

Nhiều trẻ thường băn khoăn hỏi mẹ “mẹ ơi con lại thế này, thế kia”. Trẻ lo lắng về chính bản thân mình và có những rối loạn hành vi.

Khi trẻ dậy thì không có hành vi gì khác lạ thì không cần khám tâm lý. với những trẻ có tâm lý bất ổn, luôn lo lắng thái quá, sợ hãi, thay đổi tính nết thì cha mẹ có thể cho con đi khám tâm lý để nếu cần có thể can thiệp, hỗ trợ con kịp thời. 

Khánh Chi 

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/con-ga-i-day-thi-ngu-c-phat-trien-nguc-nhu-nguo-i-lo-n-nhung-cho-mai-khong-tha-y-chu-ky-kinh-nguye-t-419490.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY