Như Thanh Niên đã đưa tin, anh Hà Vĩ Lâm (30 tuổi, chồng chị Phụng) bay từ Macao qua Malaysia để về Việt Nam chăm sóc vợ vừa sinh non và con đang nhập viện nhưng đã bị kẹt ở sân bay từ 18.3 đến nay.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng đã cố gắng hết sức để trợ giúp công dân, liên lạc với anh để hỗ trợ, nhưng do tình hình các chuyến bay bị cắt hết nên anh vẫn chưa biết khi nào mới có thể về Việt Nam. Tất cả những gì anh có thể làm lúc này là… chờ đợi và hy vọng. Những ngày "sống tạm" vật vờ ở khu sân bay được anh kể lại với PV Thanh Niên như những dòng nhật ký.
Đang mang thai con thứ hai ở tuần thứ 33, chị Phụng phải nhập viện sinh con vì vỡ ối. Nghe tin, chồng chị là anh Hà Vĩ Lâm (công nhân ở Macao) liền đặt vé bay về nước. Trước khi bay về, anh đọc được một số thông tin có thể cấm đường bay vì dịch bệnh Covid-19 nên đã gọi lại đại lý đặt vé để hỏi cho chắc, đại lý khẳng định bay được.
Hộ chiếu của anh Hà Vĩ LâmẢnh: NVCC |
Tới sân bay, anh tiếp tục hỏi nhân viên của hãng xem bay về tới Malaysia rồi có về Việt Nam được không, hãng một lần nữa nói được nên anh yên tâm lên máy bay vào ngày 18.3. Theo lịch trình, tới sân bay Malaysia, anh phải đợi 14 tiếng rồi bay tiếp về Việt Nam. Nhưng mọi chuyện lại không như mong đợi…
Chị Phụng kể, lúc đó là nửa đêm 18, rạng sáng 19.3, thấy chồng vẫn online, chị nhắn tin hỏi chồng sao không chợp mắt một chút để 8 giờ sáng bay. Chồng chị liền gọi lại nói, lúc 1 giờ sáng, hãng bay báo hủy tất cả các chuyến, không bay về được.
“Nhìn mặt anh lúc đó rất lo sợ, giọng anh hốt hoảng. Tôi thì không giữ được bình tĩnh nên sợ hãi hơn anh. Tôi bắt đầu tìm trên web tất cả những chuyến bay, những thông tin về dịch để xem anh có thể về nước bằng cách nào. Tôi đã tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để xin trợ giúp”, chị Phụng nhớ lại.
Có khoảng 10 người đang kẹt ở khu vực transit tại sân bay này cùng với anh LâmẢnh: NVCC |
Sau 3 ngày ngủ vật vờ ở hàng ghế và từng góc trên sàn nhà, tới khi Đại sứ quán liên hệ, chồng chị được sắp xếp vào ngủ tại khách sạn trong sân bay. Lúc ấy, anh mới có thể tắm rửa và ngủ một giấc tới 8 giờ sáng.
Theo lời chị Phụng, ngay hôm sau, sân bay đóng cửa toàn bộ dịch vụ và cả khách sạn, nên chồng chị lại phải nằm vạ vật ở sân bay, không tắm rửa, giặt giũ trong nhiều ngày liên tục.
“Hãng gửi vé máy bay cho chồng tôi ghi là ngày 1.4 bay, nhưng chắc gì ngày đó chồng tôi về được, chỉ có một mình anh mà dễ gì hãng cho bay. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp, không biết tới đó còn thay đổi như thế nào nữa. Tôi rất sợ và lo vì nhiều đêm liền anh không dám ngủ, phập phồng chờ đợi từng chút một…”, chị Phụng tâm sự.
Vợ chồng anh chị chưa có nhà riêng, chị Phụng đang ở tại nhà mẹ ruột ở Q.11, TP.HCM. Khi chưa có bầu, chị Phụng cùng chồng làm việc tại Macao, cả hai quyết tâm dành dụm để sau này có thể mua được một căn nhà xây dựng tổ ấm. Khi mang thai bé thứ hai, chị về Việt Nam để vừa chăm con lớn, vừa tiện cho kỳ sinh nở tới.
Những đồ ăn anh Lâm được Đại sứ quán hỗ trợẢnh: NVCC |
Nhưng vừa ở tuần thứ 33, chị đã phải nhập viện để sinh. Bé sinh non được gửi nuôi ở bệnh viện Đại học Y dược, sau đó được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị. Những ngày đầu, chị vẫn tự vào thăm con, nhưng rồi xảy ra chuyện của chồng, chị suy nghĩ nhiều, đêm nào cũng không thể chợp mắt nên nhờ mẹ của mình vào thăm bé. Đêm đến, có anh trai chồng vào ngủ trực ở viện để chờ bác sĩ gọi tên khi có việc cần.
Đỉnh điểm nỗi sợ hãi của chị là khi trong đoàn khoảng 10 người kẹt ở khu vực transit giống chồng chị, có một người xỉu trong rõ lý do, chồng chị lại hết khẩu trang, không có áo ấm mặc.
Vì quá lo cho chồng, chị thường chủ động liên lạc với Đại sứ quán để xin trợ giúp. Đại sứ quán khuyên chị nên bình tĩnh vì họ cũng đang làm mọi cách có thể. Người của Đại sứ quán cũng mang thêm khẩu trang, mì gói và áo cũ của một ai đó liên hệ nhờ gửi đến anh vào sân bay.
Chị Phụng đang rất lo lắng không biết khi nào chồng chị mới được về nướcẢnh: NVCC |
Chị nói mà như mếu: “Cả 10 ngày kẹt ở sân bay, chỉ có duy nhất một đêm anh ngủ ngon, được tắm rửa là đêm ở trong khách sạn được Đại sứ quán sắp xếp, tôi cũng vậy. Còn lại là vợ chồng đều thấp thỏm, nhưng anh luôn động viên tôi, nói với tôi có lo quá cũng không giải quyết được gì”.
Dù anh khuyên chị là vậy, nhưng đêm đêm mỗi lần vắt sữa để trữ lại cho con, chị đều thấy nick Facebook của chồng vẫn sáng đèn. Chị biết chồng chị giống chị, vẫn hy vọng, vẫn chờ đợi, vẫn sợ hãi trong những ngày còn kẹt ở sân bay của Malaysia, không biết đến khi nào anh mới có thể trở về chăm sóc vợ, gặp mặt con.
Chủ đề liên quan:
10 ngày công nhân cầu cứu hủy chuyến bay kẹt ở sân bay Malaysia không thể về nước malaysia người vợ sinh non quá cảnh sân bay