1. Bệnh đa xơ cứng là gì?
Bệnh xơ cứng rải rác là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống làm suy giảm chức năng thần kinh. |
Bệnh đa xơ cứng (MS), còn có tên gọi khác là xơ cứng rải rác là một bệnh có khả năng gây tàn phế cho não và tủy sống (hệ thần kinh trung ương).
Khi mắc đa xơ cứng, hệ thống miễn dịch tấn công lớp vỏ bảo vệ (myelin) bao phủ các sợi thần kinh và để lại nhiều vùng mô sẹo dọc theo lớp phủ ngoài các tế bào thần kinh, gây hậu quả làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh. Cuối cùng, bệnh có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn hoặc suy thoái các dây thần kinh.
Các dấu hiệu và triệu chứng của đa xơ cứng rất khác nhau và phụ thuộc vào số lượng dây thần kinh bị tổn thương và dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Một số người bị đa xơ cứng nặng có thể mất khả năng đi lại độc lập hoặc hoàn toàn, trong khi những người khác có thể thuyên giảm trong thời gian dài mà không có bất kỳ triệu chứng mới nào.
KHÔNg có cách chữa khỏi bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp tăng tốc độ phục hồi sau các cuộc tấn công, điều chỉnh tiến trình của bệnh và quản lý các triệu chứng.
2. Triệu chứng của đa xơ cứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể rất khác nhau ở mỗi người và trong quá trình của bệnh tùy thuộc vào vị trí của các sợi thần kinh bị ảnh hưởng. Đây là sáu triệu chứng phổ biến nhất cần chú ý:
Vấn đề về thị lực
Các vấn đề về thị lực là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của đa xơ cứng. Gây ra bởi chứng viêm ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, dây thần kinh kết nối não và mắt có thể khiến mắt của người bệnh bị mờ hoặc mất thị lực. Người bệnh cũng có thể thấy bị đau khi nhìn lên trên. Trong nhiều trường hợp, vấn đề thị lực là triệu chứng đầu tiên của bệnh đa xơ cứng.
Ngứa ran và tê
Vì đa xơ cứng ảnh hưởng đến tủy sống và hệ thống thần kinh trung ương, người bệnh có thể nhận thấy thiếu cảm giác khi chạm vào mọi thứ hoặc cảm giác ngứa ran hoặc có cảm giác nóng bỏng do tổn thương dây thần kinh. Điều này thường được nhận thấy đầu tiên ở chân, tay, ngón tay và mặt.
Co thắt cơ bắp
Hiện tượng co thắt không kiểm soát được ở các nhóm cơ hoặc cứng cơ rất phổ biến ở những người mắc đa xơ cứng. Đối với những người có các triệu chứng đa xơ cứng nghiêm trọng, một số cơ có thể trở nên cứng đến mức không thể uốn cong được nữa.
Mệt mỏi mãn tính
Mệt mỏi là dấu hiệu phổ biến của bệnh đa xơ cứng. |
Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của những người bị MS, và làm ảnh hưởng đến khoảng 80% bệnh nhân. Những người bị đa xơ cứng có thể phát triển mệt mỏi mãn tính do tổn thương dây thần kinh trong tủy sống, ảnh hưởng đến chân lúc đầu. Mệt mỏi do đa xơ cứng thường tồi tệ hơn vào cuối ngày. Không chỉ đơn giản là mệt mỏi như các căn bệnh khác, mệt mỏi do đa xơ cứng rất nghiêm trọng, ngay cả khi bạn ngủ một đêm thật ngon giấc. Rất khó để giải thích hiện tượng này cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình hiểu, và sự mệt mỏi này làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động ở tất cả mọi thời điểm.
Các vấn đề về thăng bằng hoặc chóng mặt
Những người bị đa xơ cứng có thể có nhiều nguy cơ phát triển các tình trạng như chóng mặt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến thăng bằng, đặc biệt là khi người bệnh đứng lên sau khi ngồi.
Vấn đề về bàng quang
Đa xơ cứng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhịn tiểu, người bệnh có thể đi tiểu thường xuyên hơn, ít thường xuyên hơn hoặc khó có thể nhịn được.
Các triệu chứng ít phổ biến hơn của đa xơ cứng
Đa xơ cứng khác nhau đối với mỗi người và ngay cả những triệu chứng phổ biến nhất cũng không phổ biến ở một số người. Các triệu chứng ít phổ biến hơn của đa xơ cứng bao gồm:
- Mất thính lực
- Co giật
- Rung không kiểm soát được
- Khó thở
- Mất vị giác.
3. Diễn biến bệnh
Đặc trưng của bệnh đa xơ cứng là các thiếu sót thần kinh trung ương tăng giảm từng đợt khác nhau. Trung bình cứ 2 năm lại xuất hiện 1 đợt bệnh nặng, tần suất thay đổi rất nhiều.
Tiên lượng của MS về tiến triển và hồi phục khó đoán trước, nhưng bệnh thường tiến triển như sau:
- Diễn biến tái phát - hồi phục: Các đợt bệnh nặng xen kẽ với các đợt thuyên giảm, khi đó các triệu chứng ổn định, bệnh hồi phục một phần hay toàn bộ. Các đợt thuyên giảm có thể kéo dài vài tháng hoặc nhiều năm. Khởi phát của các đợt bệnh tiến triển nặng có thể tự phát hoặc gây ra bởi bệnh nhiễm trùng như cúm.
- Diễn biến tăng dần nguyên phát: Bệnh tiến triển tăng dần và không có các đợt thuyên giảm, mặc dù bệnh có thể có các giai đoạn bình nguyên tạm thời và trong thời gian đó bệnh không tiến triển. Không có sự tiến triển bệnh nặng rõ ràng giống như diễn biến tái phát-hồi phục.
- Diễn biến tăng dần thứ phát: diễn biến này bắt đầu bằng bệnh tiến triển nặng xen kẽ với thuyên giảm (mô hình tái phát-thuyên giảm), sau đó bệnh tiến triển tăng dần liên tục.
Diễn biến tái diễn và tăng dần: Bệnh tiến triển tăng dần, nhưng sự tiến triển bị gián đoạn bởi các đợt bệnh tái phát một cách đột ngột, rõ ràng. Diễn biến này rất hiếm.
4. Nguyên nhân gây ra bệnh đa xơ cứng?
Nguyên nhân của bệnh đa xơ cứng vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Đây được coi là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô của chính nó. Trong trường hợp đa xơ cứng, sự cố hệ thống miễn dịch này phá hủy lớp bao quanh và bảo vệ các dây thần kinh được gọi là vỏ myelin.
Myelin có thể được so sánh với lớp phủ cách điện trên dây dẫn điện. Khi myelin bảo vệ bị hư hỏng và sợi thần kinh bị lộ ra ngoài, các thông điệp truyền đi dọc theo sợi thần kinh đó có thể bị chậm lại hoặc bị chặn.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tin rằng sự kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây ra đa xơ cứng.
5. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đa xơ cứng
Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng:
- Tuổi tác: Đa xơ cứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng khởi phát thường xảy ra vào khoảng 20 và 40 tuổi. Tuy nhiên, những người trẻ hơn và lớn tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc đa xơ cứng tái phát cao hơn nam giới gấp 2-3 lần.
- Lịch sử gia đình: Nếu một trong số các thành viên trong gia đinh đã bị đa xơ cứng, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Một số bệnh nhiễm trùng.:Nhiều loại vi-rút có liên quan đến MS, bao gồm cả Epstein-Barr, vi-rút gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
- Chủng tộc: Người da trắng, đặc biệt là những người gốc Bắc Âu, có nguy cơ mắc MS cao nhất. Những người gốc Á, Phi hoặc người Mỹ có nguy cơ mắc bệnh thấp nhất.
- Khí hậu: Xơ cứng rải rác MS phổ biến hơn nhiều ở các nước có khí hậu ôn đới.
- Vitamin D: Có lượng vitamin D thấp và ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có liên quan đến nguy cơ mắc MS.
- Một số bệnh tự miễn dịch: Bạn có nguy cơ phát triển đa xơ cứng cao hơn một chút nếu bạn mắc các rối loạn tự miễn dịch khác như bệnh tuyến giáp, thiếu máu ác tính, bệnh vẩy nến, bệnh tiểu đường loại 1 hoặc bệnh viêm ruột.
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc có nhiều nguy cơ mắc đa xơ cứng hơn.
6. Các biến chứng của đa xơ cứng
Những người bị bệnh đa xơ cứng cũng có thể phát triển:
- Cứng hoặc co thắt cơ
- Tê liệt, thường ở chân
- Các vấn đề với bàng quang, ruột hoặc chức năng tình dục
- Những thay đổi về tinh thần, chẳng hạn như hay quên hoặc thay đổi tâm trạng
- Phiền muộn
- Động kinh.
7. Sống chung an toàn với đa xơ cứng
Không có cách điều trị triệt để đa xơ cứng nên hầu hết người bệnh chỉ có thể tìm cách kiểm soát các triệu chứng.
Điều trị bằng thuốc
Mặc dù không có cách chữa trị, nhưng có thuốc giúp điều chỉnh làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cuộc đa xơ cứng. Điều trị bằng thuốc có thể dẫn đến ít tổn thương não và tủy sống theo thời gian, làm chậm quá trình khuyết tật. Khi cuộc tấn công xảy ra, corticosteroid liều cao có thể giúp cắt ngắn nó. Ngoài ra, có một số loại thuốc khác có thể kiểm soát triệu chứng của đa xơ cứng như co thắt cơ, không tự chủ và đau.
Điều trị giảm đau
Khoảng một nửa số người bị đa xơ cứng có triệu chứng đau là do hậu quả của co mạch trong hệ thống thần kinh hoặc do co thắt cơ bắp. Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm và chống co giật để giảm đau thần kinh. Ngoài ra, đau cơ thường đáp ứng tốt với xoa bóp và vật lý trị liệu.
Điều trị vật lý trị liệu
Nếu đa xơ cứng ảnh hưởng đến sự cân bằng, hoặc sức mạnh cơ bắp, thì vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường cơ bắp, chống cứng cơ và đi lại dễ dàng hơn.
Ăn kiêng và tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, ngay cả khi bạn bị đa xơ cứng. Nếu vận động cơ thể khó khăn, bơi lội hoặc tập thể dục dưới nước có thể giúp ích.
Chế độ ăn uống cân bằng, nhiều chất dinh dưỡng tốt cho người bệnh. |
Một chế độ ăn uống cân bằng, ít calo rỗng và nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ, sẽ giúp bạn kiểm soát sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Chế độ ăn uống chủ yếu nên bao gồm:
- Nhiều loại trái cây và rau quả
- Nguồn protein nạc, chẳng hạn như cá và thịt gia cầm bỏ da
- Ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn chất xơ khác
- Quả hạch
- Cây họ đậu
- Các sản phẩm từ sữa ít béo
- Đủ lượng nước và các chất lỏng khác
Chế độ ăn uống càng lành mạnh, sức khỏe tổng thể của người bệnh càng tốt. Người bệnh sẽ không chỉ cảm thấy tốt hơn trong thời gian ngắn mà còn đặt nền móng cho một tương lai khỏe mạnh hơn.
Ngoài ra, người bệnh nên cố gắng hạn chế hoặc tránh chất béo bão hòa, chất béo chuyển hoá, thịt đỏ, thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, thực phẩm giàu natri, thực phẩm chế biến cao
Các liệu pháp bổ sung khác
Các nghiên cứu về hiệu quả của các liệu pháp bổ sung rất khan hiếm, nhưng điều đó không có nghĩa là những phương pháp này không thể giúp ích theo một cách nào đó.
Các liệu pháp sau đây có thể giúp bạn bớt căng thẳng và thư thái hơn như thiền, massage, châm cứu, liệu pháp thôi miên.
Đa xơ cứng là một tình trạng mãn tính, người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng kéo dài suốt đời. Vì vậy, thay vì tiêu cực, hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể về đa xơ cứng và khám phá điều gì khiến mình cảm thấy tốt nhất. Có như vậy, cuộc sống của người bệnh sẽ dễ dàng hơn.
Phong Vũ
bệnh về não, bệnh cơ xương khớp, bệnh tâm lý,
Chủ đề liên quan: