“Dự án cải tạo ven biển Sầm Sơn là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, và tập đoàn FLC chỉ là một nhà thầu triển khai dự án. Hoàn toàn không có chuyện tỉnh “giao đất” toàn quyền cho FLC như cách hiểu của một số người”. ông Lê Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND Sầm Sơn nói về dự án cải tạo, nâng cấp bãi biển tại địa phương này.
Thị xã Sầm Sơn đã và đang triển khai cải tạo, nâng cấp bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương theo chủ trương xây dựng bờ kè và quy hoạch đồng bộ, chỉnh trang bãi biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa.
Dự án mang lại nhiều lợi ích lớn cho địa phương. Theo đó, toàn bộ bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương sẽ được cải tạo theo hướng hiện đại, thân thiện và hấp dẫn. Các ki-ốt kinh doanh tự phát trước đây sẽ được thay thế bằng hệ thống cửa hàng hiện đại và quy củ, khu vực bến đậu của ngư dân sẽ được dịch chuyển sang vị trí khác.
Tập đoàn FLC là đơn vị đã được tỉnh lựa chọn làm nhà thầu thi công dự án này theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) sau khi đã cân nhắc phương án sử dụng ngân sách, cũng như sau khi mời gọi các nhà thầu khác nhưng họ từ chối.
Trong quá trình triển khai dự án, một bộ phận người dân chưa hiểu hết về bản chất của dự án cũng như những lợi ích chung to lớn mà dự án mang lại nên đã có ý kiến phản đối việc tỉnh “giao đất” cho FLC.
Nhưng trên thực tế, đây là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, và tập đoàn FLC chỉ là một nhà thầu triển khai dự án. Hoàn toàn không có chuyện tỉnh “giao đất” toàn quyền cho FLC như cách hiểu của một số người.
FLC chỉ được giao là nhà thầu BOT xây dựng, khai thác chuyển giao các hạng mục theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt như các ki-ốt, các điểm tắm tráng, chỉnh trang cảnh quan đô thị cho toàn bộ tuyến đường dài 3,5 km.
Mọi hạng mục khác ngoài những hạng mục này vẫn thuộc về sự quản lý của tỉnh và thị xã, như mặt biển, bãi cát...
Dự án cải tạo, nâng cấp bãi biển Sầm Sơn là chủ trương đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa, nhằm thay đổi bộ mặt Sầm Sơn, cải tạo và thay đổi cách làm du lịch của địa phương.
Tỉnh đã muốn làm từ nhiều năm trước, nhưng nguồn vốn ngân sách không đủ để thực hiện.Vì vậy sau khi cân nhắc quyết định, tỉnh đã quyết định lựa chọn hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cho dự án này.
Trong đó, không chỉ bao gồm việc cải tạo, nâng cấp bờ biển hiện nay, mà còn bao gồm cả việc mở rộng khu du lịch biển này về phía cuối đường Hồ Xuân Hương, kéo dài đến giáp bờ Sông Mã, thuộc địa bàn xã Quảng Cư, nơi đã thay đổi thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng lớn như hiện nay.
Chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn đã thực hiện các bước tổ chức đấu thầu, xét thầu và lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật.
Kết quả đã chọn được FLC là đơn vị trúng thầu BOT, đây là đơn vị có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực chuyên môn đã được chứng minh qua nhiều dự án, mà nổi bật là FLC Sầm Sơn. Quá trình lập quy hoạch và mời thầu dự án hoàn toàn tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành.
Bởi dự án cải tạo bờ biển Sầm Sơn đòi hỏi một số tiền đầu tư không nhỏ, ước khoảng 250 tỷ đồng, trong khi các quyền khai thác kinh doanh của nhà đầu tư để thu hồi vốn lại sẽ bị hạn chế, nhằm đảm bảo đây vẫn là một bãi biển công, chia sẻ lợi ích cho mọi người, đặc biệt là người dân thị xã Sầm Sơn.
Và cho dù FLC được giao đầu tư xây dựng và sau đó là phải chịu trách nhiệm về cảnh quan, môi trường toàn bộ khu vực dự án, nhưng họ cũng chỉ được khai thác kinh doanh tại các cửa hàng tiện ích và khu tắm tráng. Việc thu hồi vốn đầu tư thậm chí dự kiến phải kéo dài đến gần 30 năm.
Tuy nhiên, FLC là nhà đầu tư lớn tại Thanh Hóa, trong đó có quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, nên việc cải tạo các khu vực hạ tầng du lịch khác tại tỉnh, đặc biệt là Sầm Sơn cũng sẽ gián tiếp mang lại lợi ích cho tập đoàn này.
Đây là một đề án riêng biệt của tỉnh, nằm trong mục tiêu quy hoạch chuyển đổi nghề cho bà con, quy hoạch lại các khu bến thuyền để phục vụ khách du lịch.
Việc di chuyển bến thuyền tỉnh đã muốn làm từ rất lâu. Bởi như chúng ta cũng thấy, hầu hết bãi biển du lịch từ Nam ra Bắc hiện nay không còn tình trạng bến thuyền nào nằm chung với bãi tắm biển. Vì đặc thù của bến thuyền ngư dân là thường không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều rác bẩn và có mùi tanh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân tắm biển và khách du lịch.
Phía tỉnh đã có một đề án riêng về di chuyển bến thuyền này, kết hợp với quy hoạch khu bến thuyền mới và các chế độ chuyển đổi nghề hỗ trợ. Tuy nhiên, do tiến độ gấp của dự án để phục vụ mở cửa biển hè năm 2016 mà nhà thầu buộc phải thi công trước các hạng mục ki-ốt.
Chính quyền địa phương cũng đang đợi thống nhất lần cuối về đề án di dời bến thuyền nên chưa kịp phổ biến cho bà con ngư dân, gây ra sự hiểu lầm mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc FLC bị cho là “lấy đất”.
Tôi xin khẳng định lại lần nữa, đây là dự án của tỉnh, chủ trương của tỉnh, và đây là một chủ trương đứng đắn, thực hiện theo nghị quyết của đại hội Đảng bộ tỉnh khoá 12, lấy du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế.
Trước khi FLC đầu tư xây dựng quần thể FLC Sầm Sơn, khu vực có dự án chỉ là một vùng đầm lầy đất trũng, hầu như không mang lại lợi ích gì, thậm chí còn có nhiều tệ nạn xã hội.
FLC đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào xây dựng hạ tầng, khu nghỉ dưỡng..., cũng như tham gia cải tạo bộ mặt du lịch Sầm Sơn, góp phần nâng cấp toàn bộ hạ tầng, thu hút khách du lịch, đặc biệt là tạo thêm hàng ngàn công ăn việc làm cho lao động địa phương, đồng thời nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Một lợi ích quan trọng khác là góp phần thay đổi tính chất du lịch của Sầm Sơn từ theo mùa thành quanh năm, đồng thời kích thích các doanh nghiệp khác đầu tư vào Thanh Hóa./.
Chủ đề liên quan:
chủ tịch Chủ tịch thị xã Sầm Sơn nói gì Dân đòi tỉnh trả lại đất giao cho FLC sầm sơn thị xã thị xã sầm sơn