Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Dân số cơ học tăng nhanh, áp lực chỗ học cho học sinh lớp 1

Sáng 24.8, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện UBND, phòng GD-ĐT của 24 quận huyện và các sở ngành liên quan về tình hình tuyển sinh lớp 1 năm học 2020-2021.

Tại buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết các quận huyện đang có 2 nhiệm vụ là phổ cập giáo dục tiểu học, đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đến lớp, và duy trì tỷ lệ học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm nay, mới chỉ khối lớp 1 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong khi đó các năm học kế tiếp sẽ vừa có học sinh mới vào lớp 1, vừa dạy học cuốn chiếu đối với học sinh lớp 1 năm nay (lên các lớp 2, 3, 4, 5). Vì vậy, áp lực về chỗ học những năm sau sẽ vô cùng lớn.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định TP phải đảm bảo cho tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Để giải quyết bài toán đó, một số địa phương phải chấp nhận sĩ số học sinh/lớp khá cao. Đơn cử như hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) tổng dân số hơn 250.000 người, có 7 trường tiểu học nhưng vẫn rất khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về chỗ học. Tốc độ xây dựng trường dù được đẩy mạnh nhưng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Ông Dương Anh Đức đề nghị các quận huyện tiếp tục rà soát lại những dự án đầu tư công xây dựng trường tiểu học và THCS, dự án nào kế hoạch hoàn thành trong năm nay thì đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Về lâu dài, các sở ngành phải phối hợp để có kế hoạch đầu tư dài hạn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT chủ trì, tham mưu UBND TP.HCM phương án, kế hoạch hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học khối ngoài công lập, căn cứ theo Luật Giáo dục và dựa trên nguồn lực thực tế của TP, xem xét cụ thể đối tượng, hình thức và định mức hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình phụ huynh có điều kiện, địa phương cần vận động, khuyến khích cho con học ở các trường tư thục.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay toàn TP có 18/24 quận huyện đảm bảo được cùng lúc 2 nhiệm vụ nói trên, tuy nhiên còn 6 quận, huyện gặp khó khăn gồm quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Giải pháp trước mắt đối với những địa phương này là giảm số lớp học 2 buổi/ngày đối với các khối 2, 3, 4, 5; song về lâu dài các quận huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây trường, đảm bảo tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân.

Ngoài ra, hiện nay Sở GD-ĐT TP.HCM đang nghiên cứu, tham mưu UBND TP đề án hỗ trợ học phí cho đối tượng học sinh tiểu học ngoài công lập để trình HĐND TP xem xét.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho tất cả khối lớp ở cấp tiểu học chứ không riêng gì lớp 1. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn triển khai chương trình phổ thông mới đối với những nơi triển khai được dạy học 2 buổi/ngày. Trước mắt, các địa phương triển khai theo tinh thần dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, tức học sinh học 6 buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy sẽ đảm bảo yêu cầu tối thiểu của chương trình.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trong điều kiện không duy trì được 2 buổi/ngày. Cụ thể, mỗi buổi học sẽ gồm 5 tiết, tối thiểu 6 buổi/tuần, nơi nào đủ điều kiện sẽ triển khai dạy học 7 buổi hoặc 8 buổi/tuần; chủ yếu cho các hoạt động trải nghiệm, tăng cường thể chất…

Khó khăn cho học sinh đầu cấp

Tại buổi họp, các đại biểu cùng tìm những giải pháp gỡ khó cho một số quận huyện trên địa bàn còn gặp khó khăn trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó 2 mục tiêu cơ bản là 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày và sĩ số 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, với tình hình gia tăng dân số cơ học quá lớn, các quận huyện đã phải tăng cường đáp ứng chỗ học cho học sinh.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học sắp tới, thành phố dự kiến tăng hơn 54.600 học sinh các cấp, nhiều nhất vẫn là bậc trung học cơ sở với gần 28.000 học sinh, tập trung ở các quận huyện Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, 9 và 12.

Đặc biệt là quận 12, mỗi năm quận này tăng thêm khoảng 22.000 dân, nên vấn đề tuyển sinh đầu cấp gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay qua rà soát thống kê, quận 12 có khoảng 10.100 em chuẩn bị vào lớp 1 trong khi chỉ có 22 trường tiểu học công lập, không có thêm trường, hay phòng học mới nào được đưa vào sử dụng. Trong kế hoạch ban đầu, quận đưa ra mức nhận 45 học sinh/lớp, nhưng trước tình hình khó khăn vì số học sinh quá đông, hiện quận đã tăng lên 50 em/lớp để giải quyết nhu cầu nhưng vẫn không đủ.

Toàn quận hiện còn hơn 1.700 trẻ diện tạm trú không đủ điều kiện tuyển sinh. Mới đây, UBND quận 12 đã chỉ đạo các trường tiểu học đồng loạt tăng sĩ số lên 50 học sinh/lớp, ưu tiên bố trí chỗ học cho học sinh tạm trú gần mốc thời gian 31.7.2019, con gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, trẻ mồ côi hoặc những trường hợp đã có anh chị học tiểu học trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Đức – Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết dân số của quận tăng kéo theo học sinh gia tăng năm nay quận lại không có trường tiểu học mới nào.

Kết thúc buổi làm việc, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM kết luận: Bắt buộc sắp xếp chỗ học cho tất cả học sinh đủ độ tuổi đến trường, tạo điều kiện nhận hết học sinh, không kể điều kiện tạm trú. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP cũng khuyến khích phụ huynh có điều kiện cho con theo học các trường tư thục, lưu ý người nhập cư thành phố cân nhắc kỹ về nơi cư trú, nơi làm việc, nơi học cho con cái.

Ông Dương Anh Đức cũng đề nghị Sở GD-ĐT rà soát lại hệ thống trường lớp, ưu tiên các dự án đầu tư công để xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, làm tốt công tác dự báo…

Tú Viên

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/giao-duc-c-210/dan-so-co-hoc-tang-nhanh-ap-luc-cho-hoc-cho-hoc-sinh-lop-1-142983.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY