Dinh dưỡng hôm nay

Dầu mè - Hơn cả dinh dưỡng

(SKGĐ) Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, hỗ trợ chữa bệnh, tăng sức đề kháng, làm đẹp… là những tính năng đã được chứng minh ở dầu mè.

Thêm một chút dầu mè khi chế biến không chỉ giúp bạn tăng hương vị cho món ăn thêm hấp dẫn, mà còn làm tăng giá trị dinh dưỡng khi nạp vào cơ thể. Đó là nhờ hàng loạt các dưỡng chất chứa trong nó như: calo, chất béo no không bão hòa, axit béo omega-3 và omega-6, canxi, vitamin E, B...

Dầu mè không chỉ ngon mà còn… quá nhiều công dụng

Dưới đây là một số công dụng của dầu mè:

Bảo vệ cơ thể: Dầu mè rất giàu các chất chống ôxy hóa, khiến các gốc tự do tích tụ trong cơ thể trở thành vô hại, không gây tổn thương đến các tế bào, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa và sự tấn công của các virus, vi khuẩn...

Giảm cholesterol: Chất béo no không bão hòa (polyunsaturated) được tìm thấy trong dầu mè giúp đảm bảo các quá trình sinh hoá được diễn ra một cách bình thường, giúp cung cấp năng lượng và dinh dưỡng chất béo đầy đủ. Đồng thời, nó còn có vai trò giảm lượng cholesterol xấu trong máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ về các bệnh tim mạch, huyết áp…

Theo Đông y, có thể ép dầu mè ra làm tá dược với một số thuốc khác bôi ngoài chữa các bệnh lở loét thuộc về nhiệt chứng hoặc uống để chữa đại tràng (táo bón) giúp nhuận tràng tốt.

Giảm lượng đường huyết: Trong chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường, các bác sĩ thường khuyên cần hạn chế sử dụng mỡ động vật mà nên dùng các loại dầu thực vật để thay thế như: dầu mè, dầu nành... vì có chứa các axit béo không no cần thiết cho cơ thể.

Điều chỉnh huyết áp: Ăn dầu mè không chỉ giảm được huyết áp mà còn hạn chế được lượng muối natri đưa vào cơ thể. Muối natri nhiều sẽ làm tăng việc giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất thẩm thấu trong máu, tăng khối lượng tuần hoàn đồng thời làm co cơ trơn thành mạch, dẫn đến tăng huyết áp.

Chữa cảm lạnh: Theo một số nghiên cứu, dùng một chút hương dầu mè sẽ rất hiệu quả trong điều trị bệnh xoang và cảm lạnh. Kinh nghiệm dân gian cũng chỉ ra: khi bị cảm lạnh, lấy dầu mè xoa lên ngực để giảm lạnh ngực và rửa sạch dầu sau khoảng nửa giờ.

Làm đẹp: Nếu da bạn bị khô hay có vài nếp nhăn, hãy thử thoa một ít dầu mè. Vitamin E và vitamin B có trong dầu mè không chỉ giúp làm giảm những tổn hại cho da, mà còn mang đến một sức sống mới cho làn da. Dầu mè còn được sử dụng trong ngành mỹ phẩm, có mặt trong các sản phẩm như xà phòng, dầu gội đầu, sữa tắm… với tác dụng dưỡng da, dưỡng tóc.

Lưu ý: Dầu mè thường chứa hàm lượng calo và chất béo cao, không nên dùng thường xuyên vì có thể làm bạn tăng cân.

Dùng dầu mè hợp lý cho trẻ

Đối với trẻ, dầu ăn rất quan trọng. Trẻ cần các loại dầu có giá trị dinh dưỡng cao như dầu mè, dầu đậu phộng, đậu nành để phát triển trí óc. Đối với người già các loại dầu thực vật trên có thể giúp chống chứng nghẽn mạch.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, các loại dầu có tỉ lệ acid béo nhiều như trên rất thích hợp khi xào hoặc trộn vào các món ăn sống cho trẻ. Hơn nữa, chúng còn thích hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ.

Các mẹ nên lưu ý: Cung cấp dầu ăn không đủ trong thức ăn của trẻ sẽ làm trẻ bị sụt cân, suy dinh dưỡng, mất canxi, răng không khỏe, dễ còi xương. Nên cho dầu vào canh, bột cháo cho trẻ trước lúc bắc ra.

Hồng Nhung

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/dau-me--hon-ca-dinh-duong-18617/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY