Kinh tế xã hội hôm nay

Để đồng tiền chính sách đi thẳng đến tay dân

Người thực hiện chính sách rất cần cái gọi là tinh thần “trao cho nhau những tấm chân tình” để từ đó công tâm, nhiệt tình trong triển khai chính sách.
Doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về thuế trong bối cảnh Covid-19.

“Chống dịch trường kỳ, lâu dài”, như thế việc hỗ trợ tài chính, lương thực, thực phẩm và cả nhân lực cho các khu vực bị cách ly, cho các tỉnh thành phải giãn cách theo Chỉ thị 16 sẽ còn tiếp tục. Theo đó, quá trình hiện thực hóa các chính sách, gói hỗ trợ càng cần phải minh bạch, trách nhiệm.

Kể từ khi giặc dịch “xâm lược” Việt Nam, chủ trương nhất quán của Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau. Để việc giải ngân hiệu quả phải rõ ràng về tiêu chí, minh bạch trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, người thực hiện chính sách rất cần cái gọi là tinh thần “trao cho nhau những tấm chân tình” để từ đó công tâm, nhiệt tình trong triển khai chính sách.

Nếu còn những thủ tục rườm rà, “hành là chính” ở cấp địa phương thì những nỗ lực của Chính phủ để ban hành gói an sinh lên tới 26.000 tỉ đồng sẽ không hiệu quả, thậm chí nhiều người bỏ cuộc vì “một tiền gà ba tiền thóc”!

Nói như vậy bởi, Nghị quyết về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng được đánh giá là cụ thể hơn, đặc biệt là tiếp tục nhắc đến những đối tượng lao động tự do. Đây là đối tượng khó xây dựng tiêu chí nhất, làm thủ tục khó nhất và thường “bỏ cuộc”.

Chúng ta đã có bài học lớn khi gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng được triển khai thì có những câu chuyện mang tính “điển hình”. Đó là để nhận được hỗ trợ 1 triệu đồng đã có người phải chạy về quê cách hàng trăm cây số để xin một giấy xác nhận. Số tiền để làm thủ tục còn cao hơn số tiền hỗ trợ.

Đối với doanh nghiệp cũng là một “rừng thủ tục” khiến họ bất lực. Nói như chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam: “Rất nhiều điều khoản và điều kiện khá vô lý”.

Sự “vô lý” ấy đã tạo ra một sự vô lý khác. Đó là tính đến tháng 6/2021, gói hỗ trợ 62.000 tỉ mới thực hiện được 0,19% hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1% còn hỗ trợ cho người lao động theo hợp đồng phải chấm dứt hợp đồng… cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22-0,49%…

Thực tế, dịch Covid-19 phức tạp, TP HCM và một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Để hiện thực hóa chính sách, lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở phải tiến hành lập danh sách lao động tự do được hưởng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp danh sách lập khi lên hội đồng xét duyệt thì thấy chưa đúng đối tượng lao động tự do thuộc các ngành nghề, lĩnh vực.

Trong quý 2 năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Chính Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thanh tra cũng đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót của các địa phương. Tại một số đơn vị, có tình trạng cán bộ không vô tư, khách quan khi đánh giá, thẩm định hộ nghèo và cận nghèo trong khi thực hiện hỗ trợ gói 62 nghìn tỉ đồng, dẫn đến thất thoát ngân sách.

Phải nói rằng, từ những gói hỗ trợ của Chính phủ, một lần nữa chứng minh rằng, Việt Nam chống dịch không chỉ bằng những chỉ thị, khẩu hiệu, hành động kỷ luật nghiêm như thiết quân lệnh, khoanh vùng dịch, cấm biên, rà soát, xét nghiệm, chữa trị… mà còn chống dịch bằng hỗ trợ vật chất đến tận từng người dân.

Rõ ràng, cơm áo gạo tiền cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu của những “nhà yêu nước, lo cho dân” suốt ngày kêu gào, la lối trên mạng.

Dù rằng, số tiền hỗ trợ có thể không lớn bằng các cường quốc trên thế giới, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc này đối với nhiều gia đình là vô cùng quý giá và cần thiết. Đây thực sự là “phao cứu sinh”, giải pháp trực tiếp cho người nghèo, người yếu thế, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Cán bộ cấp cơ sở là “trùm cuối”, tức là người quyết định ai được nhận, ai không. Vì thế, khi triển khai các gói hỗ trợ cần phải nhiệt tình, công tâm để triển khai gói hỗ trợ nhanh chóng, không để người dân nào gặp khó khăn.

Guồng máy ở trên đã vận hành hết công suất để đưa ra nghị quyết an sinh cho người dân vượt qua đại dịch thì các địa phương, cơ quan chức năng cũng cần chung tay để đồng tiền chính sách “đi thẳng” đến tay các đối tượng được thụ hưởng một cách nhanh nhất.

Để dân không tiếp cận được khoản tiền hỗ trợ vì vướng thủ tục phải là lỗi của những người đứng đầu các Bộ, ngành và cán bộ cấp cơ sở địa phương phải gánh trách nhiệm trực tiếp.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/de-dong-tien-chinh-sach-di-thang-den-tay-dan-620960.html)

Chủ đề liên quan:

đồng tiền chính sách

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY