Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Để thuốc ngủ không là đại họa

(SKGĐ) Thuốc ngủ thường tồn tại trong cơ thể lâu hơn nhiều so với thời gian gây ngủ, vì chúng được chuyển hóa ở gan và được bài tiết qua thận. Nếu chức năng gan, thận của bạn bị suy yếu thì việc dùng thuốc ngủ sẽ là đại họa.

Giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi năng lượng đã tiêu hao khi thức. Thời lượng trung bình của giấc ngủ là 8 tiếng nhưng không nhất thiết phải luôn luôn như vậy. Dấu hiệu cho biết bạn đã ngủ đủ là cảm giác sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức giấc vào ban ngày còn không.

Giấc ngủ gồm nhiều chu kỳ (mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút). Mỗi chu kỳ gồm nhiều giai đoạn:

- Bắt đầu ngủ

- Ngủ sâu

- Ngủ thật sâu

- Ngủ nghịch thường (paradoxic sleep)

Rối loạn giấc ngủ có nhiều loại như: mất ngủ, ngủ nhiều, hay gặp ác mộng, miên hành, nói mớ, nghiến răng, hoảng sợ khi ngủ… Riêng mất ngủ là rối loạn thường gặp nhất. Ở Mỹ, có đến khoảng 70 triệu người Mỹ bị mất ngủ kinh niên.

Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra:

- Có thể do ngoại cảnh như: tiếng ồn, lạ nhà, sự phiền muộn, chất kích thích (trà, cà phê, rượu), thuốc (chống trầm cảm, kích thích hệ thần kinh trung ương, glucocorticoid…), sai lầm trong ăn uống (no quá, đói quá).

- Có thể do bệnh tiềm ẩn như: trào ngược dạ dày- thực quản, trầm cảm, bệnh hô hấp (hen suyễn, nghẹt mũi…), xương khớp (viêm xương khớp), tim mạch (suy tim), nội tiết (đái tháo đường, cường giáp)…

- Mất ngủ cũng có thể liên quan đến một số rối loạn giấc ngủ khác như: ngừng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên khi ngủ…

Với người bị chứng mất ngủ, thuốc ngủ có khả năng thúc đẩy giai đoạn đi vào giấc ngủ chỉ trong vòng 5-20 phút. Thuốc ngủ còn giúp cắt giảm số thời gian bạn bị thức tỉnh trong đêm và làm tăng tổng số thời gian ngủ sâu.

Ngoài ra, nếu cần hồi phục sau những sang chấn tinh thần nặng nề như cái chết của người thân, một bước ngoặt lớn của cuộc đời hoặc sự khởi đầu căng thẳng của công việc mới..., thuốc ngủ có thể thích hợpvới bạn trong một thời gian ngắn để giúp bạn vượt qua những stress và tránh các hậu quả về mặt tâm lý sau một đêm dài không ngủ được.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc chỉ dựa vào những viên thuốc ngủ sẽ khiến bạn ngày càng ngủ ít đi và nổi thất vọng về giấc ngủ không ưng ý ngày càng tăng thêm. Một giấc ngủ sâu và cảm giác thức dậy trong sảng khoái sẽ dần trở thành quá mức xa xỉ với bạn.

Nếu chỉ một, hai đêm mất ngủ, uống thuốc ngủ có thể là giải pháp tạm thời tương đối tốt. Nhưng muốn điều chỉnh các rối loạn của giấc ngủ hoặc muốn chữa trị mất ngủ bằng thuốc ngủ thì hoàn toàn không phải là phương pháp thích hợp.

Bởi vì, uống thuốc ngủ lại là hình thức đối kháng lại giấc ngủ sâu, êm đềm và thư thái; trong khi có nhiều hình thức khác mang lại cho con người ta giấc ngủ ngon lành, no nê thì những viên thuốc ngủ chỉ để lại hậu quả làm cho người ta mất đi sức thức tỉnh về đêm khi con người không thể ngủ được.

Dùng thuốc ngủ - con dao hai lưỡi

Nhưng trên thực tế, việc lạm dụng thuốc ngủ là có thật và khá phổ biến. Rất nhiều người cứ bị mất ngủ là tự ý mua ngay thuốc ngủ về dùng. Với tình trạng buôn bán thuốc khá tự do như ở Việt Nam hiện nay thì việc mua thuốc ngủ chẳng có gì là khó khăn.

Đó là chưa kể đến những trường hợp người kỹ tính hơn về sức khỏe sẽ đi khám bác sỹ để chữa mất ngủ đều được kê toa thuốc ngủ. Nhiều thầy thuốc kê đơn thuốc ngủ giống như kiểu phản xạ tự động đầu tiên khi nghe bệnh nhân than phiền về rối loạn giấc ngủ hoặc để đề phòng trước chứng mất ngủ có thể xảy ra.

Một thống kê gần đây cho thấy, khoảng 50% bác sỹ ở tất cả các bệnh viện kê đơn có thuốc ngủ là do thói quen hơn là do nhu cầu của bệnh lý và khoảng 20% số bệnh nhân đó sau này sẽ trở nên phụ thuộc vào thuốc ngủ. Hơn nữa, khoảng 50% số bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ để điều trị chứng mất ngủ đã xuất hiện những rối loạn tồi tệ hơn trước khi dùng thuốc.

Những lưu ý cần thiết khi dùng thuốc ngủ

Nếu bạn thấy uống thuốc ngủ vẫn còn hữu ích trong một số tình huống thì xin hãy tham khảo các gợi ý sau:

- Đừng bao giờ tự dùng thuốc ngủ hoặc dùng lại đơn thuốc ngủ mà không thông qua bác sĩ. Nên hỏi bác sĩ đã nắm được đặc điểm sinh lý của bạn, tiền sử bệnh lý và mối liên quan của thuốc đối với bạn. Như vậy khi dùng thuốc mà xảy ra tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ), sự lệ thuộc vào thuốc hoặc các khó khăn khác, bạn đã có người để giúp giải quyết những vấn đề này.

- Nếu bác sĩ kê đơn thuốc ngủ cho bạn dường như theo thói quen, bạn có thể tự lựa chọn nhiều phương pháp khác.

- Đọc nhiều hơn, học nhiều hơn về tính chất dược lý của các loại thuốc ngủ qua sách vở, dược điển. Tránh dùng thuốc ngủ trước khi lái xe (ô tô, xe máy) một đoạn đường dài và trước khi có hoạt động căng thẳng. Các chất hóa học vẫn còn ở trong cơ thể bạn đến tận hôm sau và còn gây buồn ngủ.

- Không bao giờ kết hợp thuốc ngủ với rượu và với bất kỳ loại thuốc nào khác có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương.

- Với người cao tuổi, liều thuốc ngủ chỉ bằng một nửa so với thanh niên.

- Đùng bao giờ cho trẻ dùng bất kỳ một loại thuốc ngủ nào.

- Không nên dùng thuốc cùng lúc với người bạn đời để lỡ có điều gì xảy ra thì còn một người tỉnh táo đương đầu với những bất trắc xảy ra trong đêm.

Trước khi tính chuyện dùng thuốc, có thể thực hiện các “Biện pháp không dùng thuốc” giúp ngủ tốt như sau:

- Nên ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định.

- Hạn chế việc ngủ trưa (nếu cần, ngủ thật ít hoặc chỉ nằm chứ không ngủ khi khó ngủ vào ban đêm).

- Chuẩn bị giường ngủ thích hợp (thoáng, tối, yên tĩnh). Cần xem giường ngủ là nơi chỉ để ngủ.

- Tránh uống cà phê, trà đậm vào tối trước khi ngủ.

- Tránh đi ngủ với bụng no quá hoặc đói quá.

- Thường xuyên tập thể dục (không nên tập ít nhất 4 giờ trước khi ngủ).

- Luyện tập phương pháp thư giãn, chống stress (yoya, thở dưỡng sinh, thiền định).

Khiết Nhi

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/de-thuoc-ngu-khong-la-dai-hoa-16689/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY