Ảnh minh họa |
Để ý khu vực xung quanh quán nước mía
Nhiều người vứt xác mía ngay dưới chân máy hoặc khu vực cận đó khiến cho ruồi muỗi kéo đến nhiều. Xác mía dù được ép sạch thì vẫn còn một hàm lượng đường nhất định nên rất dễ sinh ra vi khuẩn độc hại.
Bởi thế nếu khu vực gần quán nước mía mà không sạch thì nguy cơ cốc nước mía của bạn nhiễm khuẩn khá cao. Chớ nên vào những quán nước mía mất vệ sinh như vậy, nhất là khi vào hè, bệnh đường ruột đang rất dễ xảy ra.
Nhìn những trái quất cho vào nước mía
Để cho ra một cốc nước mía ngọt thanh, man mát thì không thể thiếu những trái quất. Nhưng trên thực tế đã có nhiều người phản ánh rằng một số quán hàng dùng quất cảnh. Thông thường người làm vườn sẽ phải tỉa bớt cảnh quất cảnh. Những trái quất này bán ra ngoài với giả rẻ hơn nhiều lần quất thường. Nhưng điều đáng lo ngại là, những cây quất cảnh thường được phun các loại thuốc bảo vệ thực vật với tần suất rất cao.
Ths. Đinh Đức Hiền, Phòng Trung tâm Vi sinh vật Công nghiệp, thuộc Viện Công nghiệp Thực phẩm, Hà Nội cho biết: Mỗi loại hoá chất độc hại khác nhau lên con người, nói chung sau khi phun để thời gian dài thì nó cũng đã phai và tiêu bớt, ảnh hưởng lớn nhất là lúc phun thu hoạch. Thường là các thuốc bỏa vệ thực vật sẽ chứa một số kim loại nặng như chì, asen làm tổn thương đến tế bào gan, gây rối loạn hệ tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm. Một cốc mía, với 1-2 trái quất có thể không làm bạn ngộ độc ngay nhưng các chất độc trên có thể tích tụ trong cơ thể.
Để phân biệt quất cảnh với quất ăn thông thường, bạn chỉ cần quan sát: quất cảnh thường có vỏ dày, nhiều cùi, trái to còn quất để ăn thì vỏ mỏng, trái nhỏ hơn.
Cẩn thận mía dóc sẵn
Nhiều quán nước mía hay dóc sẵn mía để đó cho đỡ mất thời gian. Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của nước mía. Anh Hiền nhấn mạnh: Bất kể là thực phẩm nào ở nhiệt độ nào đều có khả năng bị nhiễm vi khuẩn. Kể cả tủ lạnh cũng vẫn nhiễm vi khuẩn nhưừng do ở nhiệt độ thấp nên kìm hãm sự phát triển của nó.
Còn đối với mía có thể bị nhiễm khuẩn bởi các loại vi sinh vật gây chua, chúng sử dụng đường và sinh ra các axit hoặc rượu. Những ngày càng nắng nóng, thì mía đã dóc sẵn càng dễ lên men và nhiễm vi sinh vật. Nhiều người vì bán ở vỉa hè, tiết kiệm chỗ nên còn để cả cây mía dóc rồi (nhưng chưa ép) vào những xô chậu có bã mía đã ép ở dưới. Cách làm này càng khiến cho nước mía mất vệ sinh hơn.
Bởi thế, nếu quan sát thấy những cây mía đã dóc sẵn quá nhiều, thấy khăn phủ mía có nhiều ruồi, bạn nên tránh ra hoặc mạnh dạn đề nghị chủ quán dóc mía mới. Nếu thấy cây mía đã dóc mà có màu thâm đen thì tuyệt đối tránh. Bạn cũng nên quan sát cả chiếc dao dóc mía và cách họ dóc mía. Nếu những con dao đen thui và bị ruồi bâu thì chúng đã bị gỉ sét. Người dóc mía với đôi tay không sạch và còn chống cả đầu mía xuống đất thì bạn có quyền phản hồi.
Cẩn thận nước mía pha
Nếu bạn không để ý thì người bán hàng có thể pha vào nước mía một chút nước đường để cho giảm giá thành, cho nước mía thêm ngọt. Cách làm này vừa nhanh, vừa bớt chi phí. Nhưng việc pha đường vào sẽ khiến bạn tăng nguy cơ béo phì và tính giải khát của nước mía giảm đi nhiều. Nếu uống thấy nước mía có độ ngọt gắt thì có thể chúng đã bị pha.
Hãy để ý đến máy ép mía
Có cửa hàng dùng máy ép mía rất cũ kỹ, nhìn nhếch nhác, có cửa hàng dùng máy mới tinh, tiên tiến. Có người vừa dùng máy quay tay, có người dùng máy điện. Nhưng dù máy gì thì việc tháo lắp vệ sinh cần phải làm thường xuyên. Xong việc tháo lắp vệ sinh máy ép không hề đơn giản. Mía chứa rất nhiều đường nên nếu người bán không vệ sinh máy cẩn thận thì rất dễ gây nhiễm vi khuẩn độc hại như E.coli…
Với những máy đời cũ thì có thể thôi nhiễm kim loại nặng sang nước mía gây ngộ độc, tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư. Bởi vậy hãy quan sát chiếc máy của chủ quán, xem chúng có nhiều ruồi bâu không, độ sáng bóng của kim loại trong máy như thế nào. Nếu một quán hàng dùng máy quá cũ, quá đen thì bạn nên thận trọng. Khi nhìn cốc nước mía thấy màu đục đục thì nên tránh.
Đừng tin vào những biển “nước mía siêu sạch”. Cụm từ này ý chỉ là quán họ dùng một loại máy đời mới và được cho là làm nước mía sạch hơn máy đời cũ. Những chiếc máy này được thiết kế đẹp, gọn, che chắn phần đựng nước, phần chứa mía thô chứ không để người dùng nhìn thấy như các máy đời cũ. Người dùng nhìn vào có cảm giác thấy nó sạch hơn. Nhưng sạch thật hay không thì chỉ người làm mới biết. Vì thế dù thế nào, bạn vẫn phải quan sát và nên uống ở những nơi đã quen biết.
Thông thường cây mía chủ yếu là đường, còn lại là các chất béo, đạm và bột. Như vậy, mía cung cấp cho cơ thể năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, thạc sỹ Đinh Đức Hiền cũng đồng ý rằng, nếu dùng quá nhiều nước mía sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng vì trừ đường chức năng ra thì tất cả các lạo đường đều có thể gây béo. Đừng ham uống nhiều nước mía mà béo
Hà Vân
Chủ đề liên quan: