Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đi bộ đúng mới có tác dụng

Thử kiểm tra xem bạn đã đi bộ đúng chuẩn chưa

Đi bộ = phòng bách bệnh

Bởi tính đơn giản, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, đi bộ là một trong những môn thể dục phổ biến, được ưa chuộng từ thành thị đến nông thôn. Vào sáng sớm hay chiều muộn, nếu có thời gian dạo một vòng quanh bờ hồ, công viên hay vườn hoa, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra từng đoàn người với đủ lứa tuổi cùng nhau đi bộ. Không chỉ có chị em mới chuộng hình thức thể dục này mà rất nhiều nam giới cũng lựa chọn đi bộ để nâng cao sức khỏe thể chất.

Là người thường xuyên đi bộ, anh Nguyễn Văn Thắng (Đống Đa, Hà Nội) tươi cười: “Tôi ngồi văn phòng nhiều, lưng, vai, cổ thường xuyên đau mỏi, thuốc men đủ kiểu mà cũng chỉ đỡ phần nào. Nghe lời khuyên của bà xã, hàng ngày tôi dậy sớm đi bộ thì thấy cơ thể khỏe khoắn hơn nhiều, cảm giác đau nhức cũng bớt dần. Đi nhiều cũng thành quen, hôm nào không vận động thì hôm đó thấy người uể oải, các khớp rệu rạo. Thế nên, ngay cả khi trời mưa, tôi cũng đi bộ, tất nhiên, khi đó chỉ đi loanh quanh trong nhà”.

Các nghiên cứu khoa học khẳng định rằng, dù là hình thức vận động nhẹ nhàng, song đi bộ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: tăng mật độ xương, chống loãng xương,kích thích tiết chất chống lão hóa khớp; kích thích tiêu hóa; tăng tuần hoàn máu; tăng cường sức đề kháng; giảm nguy cơ mắc các bệnh, huyết áp cao, nhồi máu cơ tim ...

Theo ước tính, trung bình, khi đi bộ khoảng 1,6km, cơ thể sẽ đốt cháy 100 calo. Ở những người luyện tập vừa phải nhưng đều đặn hàng ngày, nguy cơ bệnh tim mạch có thể giảm đến 50%, nguy cơ bệnh tiểu đường giảm 42% so với những người không vận động. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định: những lợi ích này chỉ có được khi chúng ta thực hiện đi bộ đúng cách.

Bí kíp nhỏ, hiệu quả lớn

Theo anh Nguyễn Thành Thắng, một huấn luyện viên đi bộ: Đi bộ chắc chắn là để luyện nhịp tim, luyện sức bền, luyện sự phản xạ, dẻo dai, nên trước khi bắt đầu, bạn cần khởi động để vực dậy toàn hệ thống, đặc biệt là hệ thống thần kinh, hệ thống xương cơ. Sau khi cơ thể nóng lên, chúng ta mới bắt đầu thực hiện bài tập. Lúc luyện tập, cần lưu ý phải thả lỏng vai để các khớp không bị cong. Cánh tay vung thoải mái ra cả trước và sau. Khi đi, bước chân vừa phải, không quá ngắn và cũng không quá dài, gót chân nên tiếp đất trước để sức nặng cơ thể trượt dần từ gót đến bàn chân.

Trong đi bộ, việc phối hợp nhịp thở với bước chân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo cách thông thường nhất, bạn nên chọn nhịp thở 1:2, nghĩa là 2 bước kết hợp hít vào, 4 bước đi kết hợp thở ra. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Khi hít, phải thật sâu và khi thở phải thật đều. Lúc mới bắt đầu đi bộ, bạn có thể nói chuyện, nhưng khi tốc độ lên cao, nhịp tim lên cao thì không nên nói chuyện để thần kinh có thể tập trung

Nhiều người sau khi đi bộ nói rằng họ bị mỏi cổ hay mỏi gáy. Điều này chắc chắn không phải do đi bộ gây ra mà bởi vì khi luyện tập, bạn đã cúi đầu quá thấp hoặc ngẩng đầu quá cao. Chính vì vậy, dù đi bộ với vận tốc nào, bạn cũng cần đảm bảo đầu và vai luôn ở tư thế thư giãn nhất.

Thực tế cho thấy, quá trình đi bộ sẽ khiến bạn đổ mồ hôi và khát nước. Để khắc phục trình trạng này, không ít người đã mang bình nước theo bên mình. Như thế là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên, bạn nên đeo bình nước ở bên hông chứ không nên cầm trên tay vì nó có thể ảnh hưởng đến tư thế đi bộ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu thường xuyên phải cầm nắm khi đi bộ, bạn sẽ có nguy cơ bị chùn vai hay đau cánh tay.

Cũng như nhiều môn thể thao khác, khi mới bắt đầu xuất phát, bạn không nên dồn toàn bộ sức lực để đi bộ thật nhanh vì nó sẽ khiến cơ thể không kịp thích ứng, dễ kiệt sức khiến bạn không thể hoàn thành quãng đường như mong muốn. Quan trọng hơn, nó chính là nguyên nhân gây tổn thương cơ bắp, khiến bạn thấy cơ thể vô cùng nhức mỏi. Chính vì vậy, khi mới xuất phát, nên bước đi nhẹ nhàng để máu có thể từ từ luân chuyển đến các cơ. Khi đã đạt được tốc độ nhất định, bạn cũng không nên dừng bài tập ngay lập tức mà cần giảm dần tốc độ trước khi nghỉ ngơi.

Là một môn thể dục đơn giản, song để đạt được hiệu quả như mong muốn, bạn cần kiên trì rènluyện hàng ngày, mỗi lần tối thiểu trong 30 phút. Để tránh nhàm chán khi luyện tập, hãy thường xuyên thay đổi cung đường.

Ai không nên đi bộ?

Những người đang trong tình trạng hoặc có dấu hiệu: chóng mặt, khó thở, rối loạn tuần hoàn não nặng, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp, lỏng khớp, viêm gót chân, bàn chân, viêm tắc động, tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chân, phù 2 chi dưới, đau cơ, teo cơ, mệt mỏi, hành kinh, thai đạp mạnh, hen suyễn, đau mắt, nhức đầu nặng... thì không nên đi bộ bởi nó sẽ làm tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

An Châu

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/di-bo-dung-moi-co-tac-dung-21321/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY