Dinh dưỡng hôm nay

Đi dọc đất nước xem cách làm dưa góp đón Tết của 3 miền

Trong ngày Tết, bên cạnh thịt mỡ, bánh chưng, các món dưa góp chua cay giòn cũng là thức ăn kèm không thể thiếu, và mỗi vùng miền lại có cách làm dưa góp rất khác nhau.

Cùng tìm hiểu cách làm dưa góp đón Tết ngon lành của 3 miền nhé!

Dưa kiệu

Nguyên liệu:

- 1 kg kiệu

- 2 muỗng canh muối hột

- 1 muỗng cà phê phèn chua

- Giấm trắng

- 350g đường

Cách làm:

- Ngâm kiệu trong nước pha muối hột trong 12 giờ, sau đó, xả nước nhiều lần để kiệu bớt vị đắng.

- Pha nước phèn chua rồi ngâm kiệu vào, đem thau kiệu phơi 1 nắng, rồi lại xả nhiều lần.

- Trải kiệu ra mặt khay hay rổ, phơi thêm 1 nắng cho ráo.

- Cắt rễ, ngọn, lột vỏ. Rửa qua nước cho sạch bụi, để ráo.

- Chuẩn bị một chén giấm, cho kiệu vào rửa qua rồi vớt ra. Làm lần lượt cho hết kiệu.

- Cho kiệu vào âu lớn, ướp một lớp đường, một lớp kiệu, lại một lớp đường, một lớp kiệu cho đến hết. Đậy âu lại, thỉnh thoảng đảo đều, đợi kiệu ra nước. Khoảng 2 ngày sau, đường tan hết là kiệu bắt đầu có nước.

- Sắp kiệu vào lọ thủy tinh, sau hơn 2 tuần là dưa kiệu chua vừa ăn.

Lưu ý: Tùy độ chua của giấm mà gia giảm đường. Sử dụng giấm nuôi sẽ có độ chua vừa phải, dùng giấm gạo để lâu dưa kiệu sẽ bị vàng.

Dưa hành

Nguyên liệu:

- 300g củ hành trắng.

- 200ml giấm ăn

- 100ml nước lọc

- 50g đường

- 40g muối

- Nước vo gạo

Cách làm:

- Hành ngâm nước vo gạo để qua đêm.

- Hòa 20g muối với 1,5 lít nước. Cắt rễ hành, bóc vỏ, rửa qua nước muối rồi trút ra rổ để ráo nước.

Lưu ý: khi cắt rễ, không nên cắt sâu vào trong thịt hành sẽ làm cho hành muối bị hỏng.

- Cho 200ml dấm, 100 nước, 50g đường, 20g muối vào nồi đun sôi, khi đường tan hết thì tắt bếp để nguội.

- Xếp hành vào lọ, thêm ớt để ăn kèm. Đổ nước dấm mới pha vào cho ngập mặt hành.

- Để hành nơi khô ráo thoáng mát. Với loại hành hơi non thì chỉ 4-5 ngày là ăn được. Còn hành già hơn thì để 1 tuần đến 10 ngày là dùng được.

Dưa món

Nguyên liệu:

- Đu đủ: 200g

- Cà rốt: 200g

- Củ kiệu: 100g

- Ớt trái: 30g

- Hành tím: 100g

- Su hào: 200g

- Đường: 500g

- Nước mắm: 1/2 lít

- Bột ngọt: 2 muỗng cà phê

- Muối: 2 muỗng cà phê

Thực hiện:

- Để làm dưa món ngon cho ngày Tết, bạn nên chọn củ kiệu ta, thân kiệu nở, đuôi kiệu nhỏ mảnh, có thắt eo ở giữa. Không nên chọn củ kiệu to, tròn, chứa nhiều nước, kiệu loại này sẽ hao rất nhiều sau khi ngâm, làm cho kiệu mềm và ăn không thơm.

- Củ kiệu bỏ rễ, rửa sạch, hành tím bỏ vỏ và để nguyên cả củ, ớt trái rửa sạch.

- Gọt vỏ đu đủ, cà rốt, su hào rồi rửa sạch với nước lạnh. Đu đủ, cà rốt, su hào bạn có thể cắt lát hoặc tỉa hoa để hũ dưa món của bạn đẹp hơn.

- Lấy một chậu sạch, đổ nước lạnh và muối vào hòa tan.

- Cho toàn bộ rau củ và kiệu vào ngâm khoảng 20 phút, sau đó vớt ra, vắt đi hết nước muối, xả sạch lại với nước nhiều lần và để ráo nước.

- Đem tất cả rau củ đã rửa đi phơi khoảng 20 giờ nắng, cho đến khi nguyên liệu đã khô và teo lại thì có thể đem vào để muối dưa món.

- Đun sôi 1/2 lít nước mắm và 500g đường, khi nước mắm sôi cho thêm 2 muỗng bột ngọt vào rồi tắt bếp và để thật nguội.

- Rau củ đã phơi khô sẽ được trụng qua với nước sôi để rửa sạch những bụi bẩn khi phơi. Vớt ra, để ráo là có thể bắt đầu muối dưa món.

- Lấy một hũ thủy tinh sạch, to, có nắp đạy kín. Lần lượt xếp nguyên liệu rau củ vào hũ thủy tinh rồi đổ hỗn hợp nước mắm vào ngập mặt rau củ, dùng một chiếc đĩa nhựa nhỏ đè lên mặt để nguyên liệu không bị nổi lên khỏi mặt nước mắm.

- Đậy nắp kín và đợi khoảng 2-3 ngày để nguyên liệu thấm với nước mắm là có thể dùng được.

Vi Vi

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/di-doc-dat-nuoc-xem-cach-lam-dua-gop-don-tet-cua-3-mien-20818/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY