Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đối phó với bệnh viêm não mô cầu

(SKGĐ) Sau khi não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể cư trú ở hầu họng, chúng ủ bệnh từ 1-10 ngày, và thường thể hiện rõ nhất trong 5-7 ngày thì phát bệnh.

Theo Ths.BS. Vũ Minh Điền, Khoa Cấp cứu - Điều trị Tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Bệnh viêm não mô cầu rất dễ lây qua đường hô hấp, người mắc bệnh sẽ bị các triệu chứng như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn khuyết, viêm màng não, tổn thương nhiều cơ quan.

BS. Vũ Minh Điền và bệnh nhân

Những biểu hiện của bệnh viêm não mô cầu

1. Thể viêm mũi họng: Bệnh nhân sốt 38-39 độ C, kéo dài 1-7 ngày, đau đầu, rát họng, chảy nước mũi. Khám thấy xung huyết niêm mạc mũi, họng có khi phủ một lớp mủ. Xét nghiệm thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

2. Thể nhiễm khuẩn huyết: Bệnh nhân sốt cao đột ngột 40-41 độ C, sốt liên tục hoặc sốt dao động mạnh kèm theo những cơn rét run; đau đầu, đau mỏi cơ khớp toàn thân. Ban xuất huyết xuất hiện sớm khoảng 5-15 giờ sau khi phát bệnh hoặc muộn hơn sau vài ngày. Các ban xuất huyết thường xuất hiện trước tiên ở chi dưới và các điểm tì đè, gặp trong hầu hết mọi trường hợp. Xuất huyết có thể thay đổi, từ kích thước bằng đầu kim đến mảng xuất huyết lớn, thậm chí từng vùng xuất huyết hoại tử da làm bong da, bì tổ chức dưới sâu. Gan lách to. Huyết áp càng những ngày sau càng giảm rõ, có thể tụt huyết áp nếu bị sốc.

3. Thể viêm màng não: Thường xảy ra sau viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết hoặc khởi phát đã là triệu chứng của viêm màng não. Bệnh nhân cũng bị sốt đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu nhiều, nôn vọt. Bệnh nhân nhanh chóng bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê. Khám thực thể thấy cứng gáy, cứng cổ điển hình với dấu hiệu Kernig (đau khoeo làm chân co lại khi nâng thẳng 2 chân lên một góc 90 độ C so với thân) và dấu hiệu Brudzinski (đầu gối co lại khi nâng cổ cao lên khỏi mặt giường).

6 cách phòng chống viêm não mô cầu

1. Nguy cơ lây bệnh cao nhất thường ở trong tuần lễ đầu tiên khi tiếp xúc với người bệnh, vì thế cách tốt nhất để phòng bệnh là đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và phun xịt hóa chất diệt khuẩn tại ổ dịch.

2. Trong gia đình hoặc tập thể có người mắc bệnh, cần xét nghiệm vi sinh tất cả người còn lại. Cách ly những người bị viêm họng mũi và điều trị tích cực cho đến khi xét nghiệm không thấy vi khuẩn.

3. Cần sắp xếp chỗ ngủ cách nhau ít nhất 1,5m, phân tán nhỏ những tập thể quá đông. Người bệnh cần được cách ly ở bệnh viện chuyên khoa nhiễm. Sau thời gian điều trị cần xét nghiệm sạch trùng mới được xuất viện để tránh lây lan cho những người khác trong cộng đồng.

7. Đối với những tập thể có nguy cơ mắc bệnh cao, khi có dịch có thể uống thuốc phòng bệnh sớm, chỉ những người tiếp xúc thật gần với người bệnh mới cần uống thuốc

4. Nên giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh cá nhân phòng bệnh, khử khuẩn chloramin B 25%.

5. Khi phát hiện người có những biểu hiện sốt cao, rét run, đau mỏi toàn thân, đau khớp, xuất hiện ban hoại tử trên da cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để các bác sĩ khám và xét nghiệm kịp thời. Trường hợp nghi bị mắc bệnh viêm não mô cầu, cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời, đồng thời cần tránh tiếp xúc với người bệnh đề phòng trường hợp lây lan.

6. Hạn chế tụ họp đông người tại những vùng có nguy cơ và bị nghi ngờ mắc bệnh, tiêm vaccine phòng chống.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/doi-pho-voi-benh-viem-nao-mo-cau-17102/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY