Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Đông đến, không lo nhiễm lạnh nhờ ngải cứu

Công dụng của ngải cứu được cả Đông lẫn Tây y công nhận. Đặc biệt, loại rau thuốc này phát huy nhiều tác dụng tuyệt vời trong những ngày rét đậm, rét hại.

Cây ngải cứu trong dân gian còn được biết đến với cái tên gọi thân thương như cây giải cảm, cây thuốc cứu, cây thuốc cao hay ngải điệp…Cây có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, thường có mùi thơm nồng và có vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa.

Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc. Dù dùng ở bất kì hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh.

Ngải cứu tuy không phổ biến như rau ăn hàng ngày nhưng hoàn toàn có thể chế biến thành những món ăn chữa bệnh. Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng rất lâu đời trong dân gian.

"Ngải cứu thường được sử dụng để chữa trong các trường hợp phụ nữ có kinh nguyệt không đều, thổ huyết, chảy máu cam, đi tiểu ra máu, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai. Đặc biệt là vào tiết trời lạnh, rét đậm rét hại, ngải cứu hoàn toàn có thể chế biến thành những món ăn, bài thuốc chữa đau nhức đầu, đau họng, đau nhức xương khớp, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ…", lương y Vũ Quốc Trung cho biết.

Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy lá ngải cứu chứa tinh dầu, các flavonoid, các axit amin, như adenin, cholin. Với những loại chất quý giá này, ngải cứu có tính năng chữa đau nhức đầu, đau nhức xương khớp cực hiệu quả vào mùa đông cũng như nhiều công dụng chữa bệnh khác.

Theo Draxe, chất Artemisinin là một chất chiết xuất từ cây ngải cứu được chế biến thành thuốc thảo dược chống sốt rét cực mạnh, làm giảm số lượng ký sinh trùng trong máu của bệnh nhân sốt rét. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các liệu pháp phối hợp dựa trên ngải cứu là phương pháp điều trị đầu tiên đối với sốt rét không biến chứng. Ăn ngải cứu có tác dụng tẩy giun trong đường ruột, chữa bệnh Crohn, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa đau nhức cực tốt… Công dụng của ngải cứu vô cùng lớn, được sử dụng rộng rãi trong cả Đông y lẫn Tây y.

Những bài thuốc chữa bệnh thường gặp vào mùa đông từ ngải cứu

Theo lương y Vũ Quốc Trung, vào mùa đông, nhất là vào những giai đoạn thời tiết lạnh buốt, rét đau như hiện nay, chúng ta nên sử dụng ngải cứu để chế biến thành những món ăn, bài thuốc chữa bệnh thường gặp vào mùa đông. Khi nhiệt độ vào mùa đông tiếp tục giảm, ngải cứu chính là một vị thuốc cứu cánh cho bệnh nhân thấp khớp, đau nhức xương khớp do trời lạnh hơn bình thường.

Không những thế, nếu bạn bị đau nhức đầu dữ dội do nhiệt độ giảm quá nhiều, đau bụng do lạnh cũng đều có thể tận dụng ngải cứu để chữa bệnh. Cùng tìm hiểu những bài thuốc chữa bệnh thường gặp vào mùa đông từ ngải cứu sau đây:

Đau đầu khi trời lạnh

Ngải cứu có chứa một chất gọi là absinthin. Absinthin được coi là một loại thuốc giảm đau có chất gây mê có ảnh hưởng đến não để thúc đẩy sự thư giãn và loại bỏ căng thẳng, lo lắng.

Đau nhức đầu khi trời lạnh, đau đầu do máu không lưu thông lên não

Ăn trứng gà rán với ngải cứu. Lấy một nắm lá ngải cứu đem thái nhỏ, sau đó trộn với trứng gà, nêm gia vị vừa miệng, đem vào chảo rán chín. Ăn với cơm khi còn nóng sẽ giúp giảm đau nhức đầu do trời lạnh rất tốt.

Trị chứng lạnh chân tay

Lấy lá của cây ngải cứu khô, sao qua (sao nhỏ lửa) cho khô giòn, cho vào cái rổ sạch, chà xát cho tơi xốp như bông, hoặc cho vào cối sành, giã nhẹ cho tơi xốp; nhặt bỏ các cuống lá, cuộn vào các mảnh giấy bản hay giấy báo thành các điếu ngải cứu. Mỗi điếu có kích thước dài khoảng 15cm, đường kính 1-1,5cm. Lượng bột ngải cứu cho mỗi điếu khoảng 5-7g, cần cuộn chặt để bột khỏi bị rơi ra. Hai đầu của mỗi điếu, cần gấp giấy lại cho kín.

Chữa viêm họng

Để chữa đau họng, viêm họng bạn hái 5-10 ngọn ngải cứu non, thêm chút muối, nhai và nuốt dần sẽ giúp chữa viêm họng cực tốt. Bạn cố gắng duy trì nhai 2-3 lần mỗi ngày, nhai trong 3-5 ngày sẽ đánh bay đau họng.

Chữa đau bụng do lạnh, phụ nữ có kinh nguyệt không đều, xuất hiện khí hư bất thường

Ăn canh ngải cứu nấu thịt nạc sẽ giúp chữa trị những chứng bệnh này. Bạn chỉ cần lấy thịt lợn nạc băm nhỏ, đem tẩm ướp gia vị tùy thích rồi xào qua, nêm nước, đun sôi, sau đó cho rau ngải cứu vào đun sôi. Tắt bếp, bạn nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng, ăn với cơm khi còn nóng.

Bồi bổ xương cốt, giúp xương cốt linh hoạt, dẻo dai, tăng cường sức khỏe xương khớp

1 con gà đen 500gr, táo đỏ 3 quả, kỷ tử, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà đen làm sạch, nhồi tất cả những nguyên liệu kia vào trong bụng gà, đổ nước, hầm nhừ, nêm hạt nêm cho vừa miệng. Ăn khi còn nóng.

Giảm đau do thấp khớp tấn công vào mùa đông

Lá ngải cứu tươi 50gr, lá lốt 50gr, gạo tẻ 100gr, đường đỏ vừa đủ. Thái nhỏ lá lốt, ngải cứu, đun lấy nước để nấu cháo. Khi ăn, bạn cho thêm đường đỏ, ăn ngay khi vẫn còn nóng. Ăn liên tục trong 3-5 ngày sẽ giúp giảm đau do bệnh thấp khớp tái phát.

LƯU Ý KHI DÙNG NGẢI CỨU

Để phát huy công dụng và tránh tác dụng phụ của ngải cứu, theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu, như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà.

Nếu sắc ngải cứu để uống thay nước chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi/lần) và sử dụng theo từng đợt. Khi khỏi bệnh thì nên nghỉ, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Những người không nên dùng ngải cứu

- Người bị viêm gan

Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.

- Không ăn trong 3 tháng đầu thai kỳ

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai thời kỳ 3 tháng đầu không nên dùng ngải cứu. Tuy nhiên với một số trường hợp bị động thai có dấu hiệu ra máu, bạn có thể dùng ngải cứu bằng cách sao cháy, sau đó vẩy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng khi uống, tốt nhất đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời.

- Người bị rối loạn đường ruột cấp tính

Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu đó là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thể nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.

Hoài Nguyễn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/dong-den-khong-lo-nhiem-lanh-nho-ngai-cuu-26771/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY