Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. |
Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước và protein. Các protein được sắp xếp theo trật tự nhất định để giúp ánh sáng có thể đi xuyên qua và hội tụ lại trên võng mạc.
Ở một số người, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các protein này tập trung lại thành đám, khiến ánh sáng bị tán xạ, tạo ra các vùng mờ đục trong thủy tinh thế, làm cản trở ánh sáng hội tụ trên võng mạc, khiến tầm nhìn bị cản trở. Tình trạng đó gọi là đục thủy tinh thể.
Có thể hiểu đơn giản, đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể của mắt bị mờ đi, giống như một tấm kính phủ đầy bụi khiến thị lực của người bệnh giảm sút.
Căn bệnh này thường gặp ở những người trên 40 tuổi. Một số người trẻ cũng có thể mắc bệnh do bẩm sinh, tuy nhiên tỷ lệ không nhiều.
Lão hóa có thể gây ra đục thủy tinh thể. |
Nguyên nhân chủ yếu gây ra căn bệnh đục thủy tinh thể là do quá trình lão hóa tự nhiên của mắt. Đi cùng với đó là các yếu tố nguy cơ như stress, tia tử ngoại, vi khuẩn, ô nhiễm môi trường... khiến các mạch máu nuôi dưỡng mắt bị tổn thương.
Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng mắt cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các protein của thủy tinh thể bị co cụm lại, tạo thành các điểm che khuất tầm nhìn của mắt.
Theo thời gian, quá trình lão hóa tự nhiên cũng sự nhiều lên của các yếu tố tác động sẽ làm suy giảm khả năng tự bảo vệ của mắt, khiến bệnh đục thủy tinh thể diễn tiến nhanh hơn.
Có thể kể đến những yếu tố làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể như:
- Những người mắc các bệnh về mắt thường xuyên tái phát lại nhiều lần như viêm giác mạc, viêm kết mạc, chấn thương mắt, khô mắt...
- Những người mắc phải các bệnh mãn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì hay các bệnh mãn tính về mắt...
- Một số loại thuốc cần sử dụng thường xuyên và để lại tác dụng phụ không mong muốn lên mắt như corticoid (prednisolon), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amiodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)...
- Những người không quan tâm đến tập luyện và chăm sóc cho mắt, không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho mắt, khiến mắt bị thiếu dưỡng chất, suy giảm miễn dịch...
- Người thường xuyên dùng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...
- Người phải tiếp xúc nhiều với các xạ ion hóa được sử dụng trong x-quang và xạ trị ung thư.
- Trong gia đình có người thân mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Đục thủy tinh thể khiến bệnh nhân nhìn mờ. |
Trong giai đoạn đầu của bệnh, đục thủy tinh thế ít có những biểu hiện ảnh hưởng trực tiếp tới thị lực và tầm nhìn của bệnh nhân. Chỉ đôi lúc bạn cảm thấy mọi vật có vẻ hơi mờ đi, giống như có lớp sương mỏng che trước mắt.
Nhiều người sẽ nhầm tưởng dấu hiệu này với triệu chứng mỏi mắt tạm thời hoặc mắt bị bụi hay nhiều ghèn mắt.
Tuy nhiên, theo thời gian triệu chứng này sẽ tăng dần lên và khiến tầm nhìn ngày càng suy giảm, mọi vật mờ đi rõ rệt.
Khi bệnh đục thủy tinh thể trở nên nặng hơn, nó sẽ khiến tầm nhìn của người bệnh vào ban đêm suy giảm rõ rệt, khiến việc lái xe vào buổi tối bị cản trở, đặc biệt là khi gặp phải đèn xe ngược chiều.
Vì thế, nếu thấy có dấu hiệu này bạn nên hạn chế tối đa việc lái xe vào buổi tối để đảm bảo an toàn. Đồng thời nên đi khám mắt sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh nhân đục thủy tinh thể thường rất nhạy cảm với ánh sáng. Những luồng ánh sáng mạnh dễ khiến người bệnh cảm thấy chói và đau mắt.
Nghiên cứu cho thấy rằng, dấu hiệu chói và lóa mắt những biểu hiện sớm của bệnh đục thủy tinh thể dưới bao. Tình trạng này có thể giúp phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể trước khi nó trở nên nặng hơn.
Đục thủy tinh thể là tình trạng các protein bị co cụm lại khiến ánh sáng bị nhiễu xạ khi đi vào mắt. Tình trạng này gây ra các quầng sáng xung quanh các nguồn sáng như bóng đèn, mặt trời, đèn xe...
Quầng sáng này có thể có nhiều màu sắc khác nhau. Vì thế nên người bị đục thủy tinh thể khi lái xe vào ban đêm sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi gặp đèn đường hay đèn pha của xe đi đối diện.
Tuy nhiên, một số căn bệnh khác ở mắt cũng có triệu chứng này như sưng giác mạc, tăng nhãn áp, bệnh mắt do tiểu đường, đột quỵ...
Do đó, nếu có triệu chứng này bạn nên đi kiểm tra mắt để xác định chính xác nguyên nhân và bệnh đang mắc phải và có hướng điều trị thích hợp.
Khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng hơn, protein co cụm lại thành đám lớn khiến thủy tinh thể có thể chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
Đó là lý do khiến người bệnh nhìn mọi thứ đều có xu hướng trở thành màu vàng sẫm, làm giảm khả năng phân biệt màu sắc của người bệnh.
Nhiễu xạ từ đục thủy tinh thể có thể khiến bạn nhìn một sự vật thành hai, ba vật thậm chí nhiều hơn nữa. Khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng hơn, triệu chứng này có thể mất đi.
Ngoài đục thủy tinh thể, một số bệnh lý khác có thể dẫn đến dấu hiệu này như u não, sưng giác mạc, đa xơ cứng, đột quỵ.
Đục thủy tinh thể là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới mù lòa sau thời gian dài không được điều trị đúng cách. Bệnh càng phát hiện và điều trị sớm thì việc phục hồi và cải thiện thị lực cho bệnh nhân càng có hiệu quả.
Với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ thường chỉ định bổ sung một số loại vitamin như C, A, E... cùng một số hoạt chất khác có tác dụng làm chậm quá trình đục thủy tinh thể.
Bên cạnh đó, cần áp dụng một số biện pháp như tăng cường ánh sáng trong nhà, hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.
Nếu cần thường xuyên ra ngoài trời nên đeo kính râm hoặc đội mũ rộng vành. Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia. Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ và đồ ngọt.
Trường hợp đục thủy tinh thể đã nặng, phương pháp điều trị tối ưu nhất là phẫu thuật. Ngày nay, phương pháp phẫu thuật phacoemulsification (kỹ thuật mổ Phaco) ngày càng phổ biến và là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất.
Ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Mặc dù quá trình phẫu thuật thủy tinh thể chỉ diễn ra trong khoảng 5 đến 10 phút, nhưng nó vẫn được xếp vào nhóm đại phẫu, bởi đây là một phẫu thuật nội nhãn và sẽ tác động trực tiếp tới thị lực của người bệnh.
Với những người trên 40 tuổi, việc khám mắt định kỳ mỗi năm 1 lần là rất cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề về mắt và có phương án điều trị kịp thời.
Bạn nên duy trì việc khám mắt định kỳ đều đặn và thực hiện thường xuyên hơn nếu cảm giác thị lực đang suy giảm.
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nhanh nguy cơ đục thủy tinh thể và khiến các bệnh về mắt tiến triển nhanh và nặng hơn. Vì thế nếu bạn đang hút thuốc lá thì hãy từ bỏ ngay nhé.
Khi đi ngoài trời, hãy đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi tác động của các tia cực tím do ánh nắng mặt trời. Ngoài ra bạn có thể đội mũ rộng vành để cản bớt ánh sàng trực tiếp vào mắt và ngăn khói bụi, dị vật rơi vào mắt.
Chế độ dinh dưỡng cũng có tác động lớn đến sức khỏe của mắt. Để phòng tránh đục thủy tinh thể bạn nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày với nhiều chất chống oxy hóa để hạn chế sự lão hóa của mắt.
Bên cạnh đó nên ăn nhiều trái cây và các loại rau để cung cấp đầy đủ nguồn vitamin và dưỡng chất cho mắt, đặc biệt là các vitamin A, C, E, selenium...
Cần cung cấp nguồn sáng đầy đủ khi học tập, hay làm việc với máy tính hoặc khi xem tivi.
Không nên để mắt tiếp xúc lâu với ánh sáng từ màn hình máy tính, tivi, điện thoại. Hãy để mắt được nghỉ ngơi sau mỗi 30 - 40 phút làm việc liên tục bằng cách chớp mắt hoặc đưa mắt nhìn ra xa khoảng 2 phút.
Trong dân gian đã lưu truyền những món ăn bài thuốc quý trị bệnh đục thủy tinh thể của vị tổ sư ngành y của Việt Nam - Hải Thượng Lãn Ông mà các bạn nên biết:
Bài 1: Canh gan lợn nấu độc cước kim
Nguyên liệu: Gan lợn 100g, độc cước kim 15g, bột gia vị vừa đủ.
Chế biến: Gan lợn rửa sạch thái lát, cho vào nồi đất cùng độc cước kim, nước 800ml đun còn 400ml, vớt bỏ độc cước kim, cho bột gia vị. Ăn kèm trong bữa cơm.
Bài 2: Cháo gan dê, rau chân vịt
Nguyên liệu: Rau chân vịt 100g, gan dê 50g, hành, gừng, muối bột ngọt vừa đủ, mỡ lợn 25g, gạo nếp 100g.
Chế biến: Rau chân vịt rửa sạch, thái nhỏ. cho dầu vào nồi xào lẫn gan dê với rau chân vịt, cho bột gia vị vào xào chín.
Gạo nếp đãi sạch, cho 1 lít nước nấu thành cháo rồi đổ gan dê, rau chân vịt gừng hành vào, khuấy lên là được. Chia ăn ngày 2 lần.
Bài 3: Cháo củ từ dạ minh sa
Nguyên liệu: Dạ minh sa 9g, củ từ 30g, dây tơ hồng 9g, gạo tẻ 60g, đường đỏ 1 ít.
Chế biến: cho 3 vị thuốc vào túi vải bỏ vào nồi, đổ 1 lít nước, đun còn 600ml, cho gạo đã vo sạch và đường đỏ vào, đun to lửa cho sôi sau đun nhỏ lửa ninh thành cháo. Ăn trong ngày, liên tục 15-30 ngày.
Bài 4: Cháo thạch, thảo quyết minh
Nguyên liệu: thạch quyết minh 25g, thảo quyết minh 10g, hoa cúc trắng 10g, đường phèn 6g, gạo 100g.
Chế biến: cho 3 vị thuốc vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi một lúc, bỏ bã, lọc lấy nước rồi cho gạo đã vo vào nấu thành cháo, cho đường vào khuấy đều là được. Ngày dùng 1 liều chia 2 lần sáng và tối. 3-5 ngày là 1 liệu trình.
Bài 5: Canh gan dê nấu hoa cúc
Nguyên liệu: hoa cúc trắng 10g, gan dê 60g, câu kỷ 10g, cốc tinh thảo 10g.
Chế biến: gan rửa sạch thái mỏng; cốc tinh thảo, hoa cúc, câu kỷ rửa sạch cho vào túi vải. Tất cả cho vào nồi, đổ nước nấu kỹ rồi bỏ túi thuốc là được. Ăn gan và câu kỷ tử, uống canh.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: