Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt có tác dụng nhanh chóng, được dùng phổ biến hiện nay. Vì thế, nhiều người do không cẩn trọng và thiếu hiểu biết nên sử dụng quá liều dẫn đến dẫn đến tình trạng bị ngộ độc, suy gan.
Mới đây, một nữ du khách có quốc tịch Úc (43 tuổi) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, sốt, có dấu hiệu suy gan cấp. Bởi vì trước đó, bệnh nhân này đã tự mua và uống 30 viên Paracetamol (15g) để giảm đau chỉ trong vòng 2 ngày.
Qua xét nghiệm, các chỉ số men gan tăng cao từ 700 UI/L lên đỉnh điểm là gần 7000 UI/L, rối loạn đông máu nặng. Ngay lập tức, các bác sỹ đã điều trị tích cực bằng phác đồ giải độc gan N-acetylcystein (NAC), điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh rối loạn đông máu. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe nạn nhân đã dần ổn định.
Nữ du khách Úc bị suy gan cấp nặng do tự ý sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt quá liều. |
Nữ du khách bị suy gan cấp nặng do tự ý sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt quá liều.
Hiện nay, ngộ độc Paracetamol có xu hướng tăng lên ở nước ta, vì nhiều người dân còn chưa lưu ý đến liều lượng sử dụng của thuốc paracetamol theo chỉ định của bác sĩ. Đây là một loại ngộ độc dễ gặp nhưng dễ bị bỏ sót. Đặc biệt, khi bệnh nhân lạm dụng paracetamol để tự điều trị với mức độ quá liều lặp lại nhiều lần. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ suy gan cấp, suy đa tạng và tử vong.
Các triệu chứng ngộ độc
Những triệu chứng ngộ độc dễ dàng nhận thấy được như: sau vài giờ dùng thuốc có cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Trong vòng 18h đến 72h có thể đau bụng kèm theo gan sưng to, sờ thấy gan đau. Người bị suy gan sẽ bị vàng da, hôn mê, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu, hạ đường huyết, dẫn tới tử vong.
Nếu gặp trường hợp bị ngộ độc do sử dụng quá liều Paracetamol như vậy, việc đầu tiên cần thực hiện là gây nôn ngay khi mới uống thuốc. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu lượng độc cho gan.
Cách phòng tránh ngộ độc
Không dùng thuốc khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,5độ.
Không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày đối với người bị cảm cúm, đặc biết là trẻ em. Còn đối với người lớn thì không quá 10 ngày.
Thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 15-30 phút và có tác dụng tối đa trong 3-4 giờ. Vì vậy, phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ.
Trường hợp những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thật thận trọng khi dùng thuốc và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc. Không dùng Paracetamol với những người mẫn cảm với thành phần của thuốc.
Liều dùng thông thường giảm sốt cho trẻ là 10 - 15mg/kg cân nặng, ngày uống 3 đến 4 lần, và liều tối đa cho trẻ không quá 60mg/kg/ngày. Người lớn mỗi lần uống 500 - 1.000mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3g trong ngày. Đặc biệt, riêng với người cao tuổi, liều dùng nên thấp hơn bởi vì chức năng gan đã kém.
Các bệnh nguy hiểm gặp phải khi lạm dụng Paracetamol
- Hen suyễn: Cuối năm 2010, nghiên cứu được tiến hành với 1.500 trẻ tại New Zealand cho thấy trẻ nhỏ lạm dụng Paracetamol có nguy cơ cao bị bệnh hen suyễn và dị ứng. Trẻ dùng Paracetamol trước 15 tháng tuổi có nguy cơ bị dị ứng gấp 3 lần và bị hen suyễn gấp 2 lần so với những trẻ không dùng loại thuốc này.
- Tổn thương gan: Khi sử dụng Paracetamol, ngay với liều dùng thông thường, cơ thể chúng ta cũng đã mất đi một lượng đáng kể glutathion (một hoạt chất trong gan giúp thải trừ và vô hiệu hóa chất độc, làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ não, tim, gan, thận, hồng cầu..., giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhất là các bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhiễm khuẩn, nhiễm virus…).
Vì vậy, việc dùng Paracetamol trong nhiều ngày
sẽ làm cạn kiệt glutathion, khiến cơ thể suy yếu sức đề kháng. Khi đó, chỉ cần một lượng vi khuẩn, virus nhỏ cũng đủ làm chúng ta đổ bệnh.
- Viêm dạ dày: Trong vài trường hợp, lượng paracetamol dư thừa có thể dẫn tới viêm dạ dày. Do đó, nếu bạn bị đầy hơi hoặc khó tiêu, cần hỏi ý kiến bác sĩ vì đó có thể là tác dụng phụ của paracetamol.
- Ung thư máu: Một nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đã đưa ra kết luận rằng, uống thuốc giảm đau Paracetamol thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu ở người trên 50 tuổi. Người ở độ tuổi trên 50 có 1% nguy cơ mắc một trong các dạng ung thư máu trong vòng 10 năm. Nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng Paracetamol ít nhất 4 lần mỗi tuần liên tục trong vòng 4 năm trở lên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lên khoảng 2%.
Mặc dù giới chuyên môn cho rằng chưa có bằng chứng nào chứng minh được Paracetamol có thể gây ung thư và con số tăng 1-2% nguy cơ trong 10 năm là không đáng kể, kết quả nghiên cứu này vẫn khiến người ta thêm lo ngại về những nguy cơ mà Paracetamol có thể gây ra.
- Suy thận cấp: Năm 2005, các nhà khoa học Mỹ đưa ra cảnh báo rằng Paracetamol chính là thủ phạm hàng đầu gây suy thận ở Mỹ. Nhóm nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học Mỹ đã phân tích dữ liệu trên hơn 600 bệnh nhân suy thận cấp từ năm 1998 tới 2003. Trong số 257 ca bệnh liên quan đến thuốc giảm đau Paracetamol, 48% là do vô tình, 44% là do cố tình tự tử, số còn lại không rõ nguyên nhân.
Mỹ An
Theo Tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: