Dinh dưỡng hôm nay

Đường độc hại như rượu và thuốc lá

(SKGĐ) Tạp chí khoa học uy tín Nature đã đăng tải một bài báo trình bày quan điểm của một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California, Mỹ (UCSF) khẳng định rằng: Đường cũng độc hại chẳng kém gì rượu hay thuốc lá.

Quan điểm này không khỏi khiến nhiều người giật mình. Từ trước tới giờ, ai cũng biết ăn quá nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, về cơ bản mà nói thì bất kỳ thứ gì đưa vào cơ thể quá nhiều đều không có lợi.

Điều đó cũng có nghĩa là, mọi người vẫn tin rằng điểm trừ của đường nằm ở chỗ chúng ta thường sử dụng chúng quá nhiều chứ ít người nghĩ rằng đường có thể gây ra những tác động tàn phá bên trong cơ thể như rượu hay thuốc lá.

Vậy thì, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy điều gì khiến họ đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng đến thế?

Những chỉ dẫn ban đầu

Cuộc nghiên cứu được bắt đầu từ những quan sát thực tiễn của bác sĩ Rob Lutig - một chuyên gia nội tiết nhi. Công việc hàng ngày của ông là giúp đỡ cho các trẻ em bị bệnh béo phì lúc nào cũng có cảm giác đói.

Ông nhận thấy, một trong các tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của việc tiêu thụ quá nhiều đường là gây nhiễu cho các kích thích tố tự nhiên có nhiệm vụ gửi tín hiệu báo tình trạng no hay đói cho cơ thể, khiến trẻ vẫn thấy đói ngay cả khi chúng đã ăn quá nhiều.

Bác sĩ Lutig cũng nhận thấy rằng, có quá nhiều đường trong chế độ ăn của trẻ sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thậm chí bệnh viện đã phải tiến hành cấy ghép gan cho một số bệnh nhi.

Trong công trình nghiên cứu của ông về chức năng chuyển hóa, tổn thương gan và dịch béo phì, bác sĩ Lutig đã phát hiện ra mối liên hệ giữa chuyển hóa đường fructose và ethanol (rượu). Từ kết quả nghiên cứu ban đầu này, bác sĩ Rob quyết định cộng tác cùng ê kíp tại UCSF để tìm hiểu sâu hơn về những tác hại của đường.

Đường, rượu, thuốc lá đều độc như nhau

Xét về mặt tổng quan, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trên toàn thế giới, số người chết vì những căn bệnh mãn tính như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường hay đột quỵ đang ngày càng tăng cao hơn bất cứ nguyên nhân nào khác. Điều này đúng với cả các nước đang phát triển khi người dân ở những nước này giờ đây có xu hướng tử vong vì “bệnh của người giàu” nhiều hơn là những “căn bệnh của người nghèo” chẳng hạn như sốt rét hay bệnh tả. Các yếu tố nguy cơ cao gây ra các căn bệnh mãn tính chính là việc uống rượu, hút thuốc lá và sử dụng các thực phẩm rác.

Tác hại của rượu và thuốc lá đối với sức khỏe con người cho đến nay đã là điều rõ ràng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, với thực phẩm rác, nhiều người vẫn chỉ đơn giản cho rằng loại thực phẩm này nói chung hay thực phẩm có lượng đường cao nói riêng không có lợi cho sức khỏe vì nó thuộc diện “năng lượng rỗng” – nghĩa là chỉ cung cấp năng lượng chứ chẳng có chất gì và vì thế, khi sử dụng nhiều, các năng lượng không được tiêu thụ hết sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây ra béo phì.

Quan điểm này có thể không sai, nhưng với nhóm nghiên cứu của bác sĩ Lutig và các nhà khoa học trường UCSF, vấn đề thực sự không nằm ở việc tiêu thụ phần năng lượng rỗng. Chính quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể mới là nguyên nhân gây ra các căn bệnh mãn tính. Họ gọi đó là hội chứng chuyển hóa.

Nói cách khác, có thể lượng calo nạp vào cơ thể là như nhau, nhưng các chất khi chúng ta ăn glucose (với món khoai tây hay bánh mỳ) sẽ được chuyển hóa theo cách hoàn toàn khác với khi chúng ta ăn đường (thành phần một nửa glucose, một nửa fructose) và tác động đối với cơ thể cũng sẽ khác nhau.

Cụ thể, thành phần fructose được chuyển hóa chủ yếu nhờ gan trong khi glucose và tinh bột được chuyển hóa bằng mọi tế bào trong cơ thể. Cùng nạp vào cơ thể một lượng calo tương đương nhưng với thực đơn có nhiều đường, gan sẽ phải làm việc vất vả hơn so với thực đơn nhiều thành phần tinh bột.

Nếu đường được nạp vào cơ thể dưới dạng lỏng như nước uống có ga hay nước ép hoa quả, fructose và glucose sẽ đến gan nhanh hơn so với khi được nạp dưới thể rắn (như khi ăn hoa quả chẳng hạn). Tốc độ gan phải làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình gan chuyển hóa fructose và glucose.

Thí nghiệm trên động vật cho thấy khi fructose đến gan đạt lượng đủ nhiều với tốc độ đủ nhanh, gan sẽ chuyển hóa hầu hết fructose thành mỡ. Rõ ràng đây là yếu tố liên quan chặt chẽ tới tình trạng kháng insulin, béo phì, bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường và có thể là cả ung thư.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, khi được nạp vào cơ thể với lượng quá nhiều, đường sẽ làm biến đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng huyết áp, gây nhiễu tín hiệu của các hoóc môn chịu trách nhiệm báo hiệu đói hoặc no cho cơ thể, gây tổn thương cho tụy và gan - những hậu quả chẳng khác gì những tác hại mà rượu có thể gây ra.

Theo các nhà nghiên cứu thì điều này chẳng có gì lạ bởi xét về mặt bản chất thì rượu, như vodka chẳng hạn, cũng chính là sản phẩm chưng cất của đường. Vì vậy, nếu như uống quá nhiều rượu có thể bị huyết áp cao hay gan nhiễm mỡ thì ăn quá nhiều đường cũng khó tránh được những nguy cơ này.

Tác hại của đường không dừng ở đó. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng đường có thể tác động đến não theo cách tương tự các loại thuốc gây nghiện như morphine hay heroin. Chính tác động gây nghiện này khiến người ta dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: càng ăn nhiều đường lại càng thèm ăn thêm. Kết quả là dù có được cảnh báo về những nguy cơ khi ăn quá nhiều đường, nhiều người vẫn khó có thể cưỡng lại được cơn thèm.

Đường – dùng bao nhiêu là đủ?

Mỗi người chúng ta tiêu thụ trung bình 3,6kg đường/năm. Tuy nhiên, con số này đang không ngừng tăng lên. Lượng đường tiêu thụ trên thế giới đã tăng gấp 3 trong vòng 50 năm qua trong khi dân số chỉ tăng gấp đôi.

Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch béo phì trên toàn cầu, gây ra 35 triệu ca tử vong hàng năm vì các căn bệnh không truyền nhiễm bao gồm đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư. Mặc dù vậy, chứng béo phì cũng chỉ là một trong những dấu hiệu về tác hại của đường bởi trên thực tế, có đến 40% người bị hội chứng chuyển hóa không hề bị béo phì.

Để hạn chế và ngăn chặn các tác hại của đường, ngoài các biện pháp kiểm soát hành chính được nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên áp dụng như tăng tăng thuế với những sản phẩm thức ăn chế biến sẵn có đường hoặc giới hạn độ tuổi được mua các đồ uống có ga..., biện pháp tức thời và hữu hiệu nhất vẫn là mỗi người cần chủ động kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể ở mức vừa đủ.

Chỉ số lý tưởng

Người trưởng thành

Lượng đường nạp vào cơ thể không nên vượt quá 10% nhu cầu năng lượng, tương đương khoảng 50-60g hoặc 10-12 thìa cà hê đường/ngày.

Trẻ em

Lượng đường nạp vào cơ thể không nên vượt quá mức 100 calo/ngày, tương đương 6 thìa cà phê đường/ngày.

Lưu ý: Lượng đường nói trên bao gồm tất cả các loại đường nạp vào cơ thể trong ngày dưới mọi hình thức, bao gồm đường có trong hoa quả, bánh kẹo, đường cho thêm vào đồ uống…

Hiểu thêm về đường

Đường không chỉ đơn giản là chất có vị ngọt mà đó là một hợp chất với giá trị dinh dưỡng thay đổi tùy thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của nó.

Đường - đối tượng nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học UCSF bao gồm cả đường sucrose (đường mía, đường củ cải, bao gồm cả đường trắng/đường kính lẫn đường vàng/nâu) và đường fructose (đường có trong trái cây).

Chất tạo ngọt H.F.C.S (sirô ngũ cốc có fructose cao - hỗn hợp đường đơn gồm đường glucose và đường fructose) cùng các loại đường fructose thường được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn như bánh, kẹo, nước giải khát…

Bùi Thu Hằng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/duong-doc-hai-nhu-ruou-va-thuoc-la-17099/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY