Theo ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, vòng tay thông minh được sử dụng đối với những người cách ly không dùng điện thoại thông minh (người già, trẻ nhỏ…). Vòng tay thông minh có tính năng theo dõi, giám sát nhằm đảm bảo người đeo (người cách ly/người thuộc diện theo dõi y tế) thực hiện đúng quy định cách ly đang ở trong phạm vi cho phép hoạt động.
Trước khi bàn giao cho người sử dụng, cơ quan quản lý sẽ thiết lập cấu hình người dùng và cấp tài khoản theo dõi, quản lý người cách ly theo thông tin: tên, năm sinh, số điện thoại, giới tính, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ cách ly, thời gian cách ly.
Mỗi vòng tay được cá nhân hoá với mã số tương ứng (thông tin mã số có sẵn trên vỏ hộp bảo quản hoặc trên mặt vòng đeo). Nếu vòng tay này bị tháo hoặc tắt, thiết bị sẽ tự động cảnh báo cho người quản lý. Bên cạnh đó, vòng tay thông minh cũng có tính năng gửi các cảnh báo cho cán bộ y tế ngay khi người dùng ra khỏi phạm vi hoạt động cho phép để có những động thái kịp thời, nhanh chóng để kiểm soát, truy vết người có liên quan.
Cùng với vòng tay thông minh là nền tảng quản lý cách ly hỗ trợ quản lý toàn bộ quy trình cách ly các trường hợp cách ly y tế theo quy định: Quản lý cách ly y tế nhập cảnh và cách ly y tế đối tượng là F1 tại nhà.
Vẫn theo ông Anh, sản phẩm này mang lại tác dụng trong việc quản lý người cách ly tại nhà, đồng thời có thể mở ra hướng cách ly những F1 nguy cơ thấp tại nhà, thay vì phải đến các cơ sở cách ly tập trung, giúp giảm gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là đội ngũ làm công tác phòng chống dịch, cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, để đánh giá cụ thể về hiệu quả và lợi ích thì vẫn cần thời gian triển khai thí điểm và những nghiên cứu sâu hơn.
Về việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch, ông anh cho biết thêm, sau khoảng 2 tháng thành lập, trung tâm công nghệ phòng, chống dịch covid-19 quốc gia đã xây dựng, thiết kế, điều phối triển khai hiệu quả một số nền tảng quan trọng. đó là: khai báo y tế và quản lý vào ra bằng mã qr; quản lý mẫu xét nghiệm và trả kết quả; hỗ trợ truy vết; quản lý cách ly; tiêm chủng... riêng hỗ trợ truy vết, từ đầu đợt dịch đến nay, trung tâm đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết gần 4.800 ca nhiễm/ca nghi nhiễm; truy ra khoảng 53.000 ca có liên quan; truy vết hơn 1.200 trường hợp f0 đặc biệt là rất nhiều trường hợp là f0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết.
“Nếu thực hiện truy vết bằng phương pháp thủ công thì không thể đạt được hiệu suất và kết quả nhanh như vậy” - ông Anh nói.
Chủ đề liên quan:
cách ly tại nhà công tác phòng chống dịch Covid-19 ứng dụng công nghệ vòng đeo tay thông minh