Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Giọng nói khác biệt

Văn xuôi Việt Nam được dịch và lưu hành ở nước ngoài, cho đến nay tuy chưa thật nhiều nhưng cũng không phải là ít. Công bằng mà nói thì các tác giả văn xuôi vẫn có nhiều hơn những cơ hội để ra mắt với thế giới. Mặt khác, thì ai cũng biết rằng Việt Nam còn là một cường quốc về thơ, có lẽ là vì ngay những thanh điệu và cách biểu hiện cảm xúc trong lời nói đã tạo ra nhịp điệu cho thơ một cách rất tự nhiên.
Giọng nói khác biệt

Nhưng một cây bút chuyên viết văn xuôi sắc sảo, thâm trầm mà lại thành công ở thể loại thơ viết bằng tiếng Anh và được xuất bản ở nước ngoài, đến nay có lẽ mới chỉ có cái tên Kiều Bích Hậu. Đọc tập thơ mới nhất của chị “The Unknown” (Ẩn số) và gặp những cảm xúc khác lạ.

Tập thơ có 33 bài thơ, chủ yếu là sự thăng hoa của đời sống tinh thần khi ta gặp được một bạn tri kỷ, khi sóng tâm hồn đồng điệu, khi hiểu nhau mà không cần lời nói, khi chỉ cần mình nghĩ tới người khác thì lập tức ở nơi xa người đó cũng đang làm điều gì đó cho mình. Cái đó gọi là thần giao cách cảm, là cách chị đã tìm đến một cách thể hiện khác biệt cho thơ.

Kiều Bích Hậu viết trực tiếp bằng tiếng Anh, trong thời gian chị lang thang ở châu Âu năm 2019. Ông Stefano Donno, Giám đốc nhà xuất bản I Quaderni del Bardo Edizioni đã nói rằng: “Tôi rất vui và hân hạnh được xuất bản tập thơ của bạn tại Ý, cuốn sách mà tôi đánh giá rất cao. Cảm ơn bạn rất nhiều, và cho tôi gửi lời cảm ơn họa sĩ Hoàng A Sáng, với những bức tranh của anh, đã thêm giá trị cho cuốn sách thơ. Cuốn sách đặc biệt này được in bốn màu, nên giá bán trên Amazon khá cao”.

Nhà thơ Laura Garavaglia nói: “Tiếp nối thành công với hợp tuyển thơ hội tụ những nhà thơ danh tiếng của Việt Nam “Sông núi trên vai” (được nhà xuất bản I Quaderni del Bardo Edizioni tại Ý xuất bản đầu năm 2020), thì tôi đã bắt tay dịch “The Unknown” (Ẩn số) là tập hợp những bài thơ tình của Kiều Bích Hậu, một nhà báo, nhà văn – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giờ đây tập thơ đã được xuất bản, đến với bạn đọc Ý, vốn biết rất ít về thơ văn Việt Nam. Đó là giọng nói của một người phụ nữ Việt, người ''với một giọng nói khác biệt'' tìm kiếm trong tình yêu sự khẳng định bản thân, giải phóng khỏi các định kiến giới tính và bất bình đẳng vẫn hiện diện trong xã hội. Tôi rất vui khi được dịch những câu thơ của cô ấy từ nguyên bản tiếng Anh. Cứ như tôi vẫn đang ở Việt Nam vậy, khi tôi dịch tập thơ này.”

Kiều Bích Hậu đã nói về thơ của mình, đó là “phải thể hiện được những mâu thuẫn nội tâm, để người trong cuộc phải cùng nhau nâng mình lên một tầng cao hơn của giá trị về tâm hồn, dũng cảm bỏ lại những ham muốn tầm thường trong đời sống”. Bằng những sự kết nối thành chuỗi của ngôn từ, thơ phải thể hiện được những “Mối tương giao khác lạ giữa con người với con người, thoát khỏi những ràng buộc tình cảm vốn có giữa người nam và người nữ. Tuyệt đối tự do trong tình yêu, một tình yêu vượt thoát ra khỏi biên giới, văn hóa, khác biệt ngôn ngữ, thoát khỏi ràng buộc thông thường”.

Có thể nói, tình yêu là tiếng nói bao trùm toàn bộ tập thơ. Tình yêu là một cảm xúc phức tạp, và rất khó lí giải, kiểu như “em cũng không biết nữa/ khi nào ta yêu nhau” (Xuân Quỳnh). Có lẽ tình yêu chính là hành trình tìm kiếm nhau, và trong quá trình đó con người tìm ra bản thể của chính mình. Hành trình đó có thể thành công, có thể thất bại, vì không ai biết cái gì đang chờ đợi bạn trên chặng đường phía trước. Không phải ngẫu nhiên Kiều Bích Hậu có câu thơ nghe như tiếng khóc của nỗi buồn: “Tôi muốn thay đổi / Dám nhận nỗi đau đó / Chiến đấu vì tình yêu theo cách của riêng tôi”. Để từ đó xuất hiện cái Tôi thật đĩnh đạc, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tránh xa những định kiến ​​và ràng buộc giới tính thông qua sự lựa chọn tình yêu tự do: “Chọn lấy trái tim của người đàn ông phù hợp / cho tôi…”. Nhà thơ cũng khao khát một cái gì đó thật khác biệt: “Và những cách cũ ch*t / cho thế giới đổi thay / cho tất cả mọi người”. Ở đây, kinh nghiệm cá nhân được thể hiện trong dòng thơ ngắn gọn, trình bày một cách đơn giản để thể hiện nữ tính mạnh mẽ, thể hiện cá tính của bản thân mình, khẳng định giọng nói của riêng mình. Kinh nghiệm cá nhân được vận dụng cho cả cộng đồng, như một sự thôi thúc của xã hội để xóa bỏ những định kiến bất công về giới tính.

Ta hãy đọc bài thơ “Người phụ nữ bất tuân luật lệ”, chỉ riêng nhan đề bài thơ thôi đã tràn đầy niềm khao khát tình yêu tinh thần thử thách mạnh mẽ. Những câu thơ đầy trải nghiệm và cá tính: “Cô ấy có thể sống một mình / cảm nhận sức mạnh của chính mình / đi khắp thế giới / tìm thấy thiên đường của riêng mình / trong tâm hồn cô ấy / bằng sức mạnh tâm trí / tìm đến một cuộc sống đầy khát khao.” Đây là một mong muốn tự do cho bản ngã. Con người có thể đạt được mục đích tự do bằng tình yêu. Nhà thơ phô bày ước muốn của mình bằng khao khát một cuộc sống không bị ràng buộc bởi những lề thói bất công.

Sử dụng từ ngữ giản dị như lời nói thường ngày để khẳng định cuộc sống chứa trong nó tất cả hạnh phúc, đau khổ, dịu dàng, nhà thơ muốn truyền một thông điệp rằng cuộc sống luôn mang đến món quà bất ngờ, dù có mãn nguyện hay không ưng ý thì chúng ta vẫn an nhiên, vì cuộc sống vẫn đi theo dòng chảy của riêng nó. Như vẻ đẹp của thơ cứ lặng lẽ tỏa sáng, vì chúng ta không thể chắc chắn hạnh phúc ở mãi bên, hoặc chúng ta cũng không thể không hoài niệm cho quá khứ, cũng như không thể quên những khổ đau và hạnh phúc do tình yêu mang lại. Do đó, chính tình yêu đã dẫn dắt chúng ta để hiểu về hiện tại, về quá khứ để tự mình “Cảm nhận thế giới / Cảm nhận thời gian của bạn / Để tỏa sáng". Cho nên, thơ Kiều Bích Hậu cứ lặng lẽ tỏa sáng, và an nhiên như tất cả mọi thứ đang tồn tại trong thế giới này.

Ngàn đời nay, người phụ nữ Việt Nam sống trong cái bóng của “Tam tòng, Tứ đức”, những công dung ngôn hạnh, những phụ thuộc vào người đàn ông, rằng “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. Dù bấy lâu có nói đến bình đẳng giới thì phụ nữ vẫn bị nhìn thấp hơn đàn ông, đó là điều không thể phủ nhận trong xã hội chúng ta, rằng đó là điều đang tồn tại theo kiểu luật bất thành văn. Kiều Bích Hậu thì khác, cô ấy mạnh mẽ đến đến bất ngờ “Tôi muốn thay đổi / Dám nhận nỗi đau đó / Chiến đấu vì tình yêu/ theo cách của riêng mình / Chọn lấy trái tim của người đàn ông phù hợp / cho tôi ... / Và những cách cũ ch*t / cho thế giới đổi thay /”. Đó là một nguyện ước thống thiết, cả thế giới này cần phải thay đổi cách nhìn nhận về đàn bà, về đàn ông, về hạnh phúc.

Với tình yêu, người đàn bà có quyền được cất lên tiếng nói của riêng mình, và đó là là sự khẳng định nữ quyền. Hãy đọc bài thơ “Gửi người tri kỷ”: Này, tri kỷ ơi/Tôi nối em/ Bằng cơ thể này/ Nồng ấm/Run rẩy /Tôi nối em/Bằng suy nghĩ này/Chúng ta lặng im/chìm vào nhau/Vạn dặm xa/Ngàn lời không nói/Những ý nghĩ về nhau/Đan lưới/Em mỉm cười,/ lòng tôi tôi sóng dậy /Này tri kỷ ơi/Em là mọi suy nghĩ trong tôi/. Bài thơ cho thấy tình yêu không chỉ là cảm xúc, mà còn là mối liên hệ thần giao cách cảm. Chính vì thế mà, tình yêu có linh diệu kết nối mọi khoảng cách, xích gần mọi xa xôi. Kiều Bích Hậu rất mạnh mẽ thể hiện bản ngã, khi “ tôi kết nối em/ bằng cơ thể này”. Tứ thơ được triển khai bằng các cảm giác cụ thể: run rẩy và ấm áp, bằng hình tượng những ý nghĩ cho nhau vì nhau vì tình yêu cứ đan xen nhau như tấm lưới, để tạo nên một biển tình yêu lúc nào cũng dào dạt sóng. Đó là một cách nghĩ vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại nữ tính, và chỉ có người nữ ý thức được bản ngã mới có thể biết yêu người một cách da diết và biết yêu bản thân mình theo cách đầy tự tin như vậy.

Tôi nghĩ, khi người phụ nữ biết yêu mạnh mẽ đến như thế, thì không có cớ gì mà họ không thể nhấc bổng cả trái đất lên. Tình yêu trong thơ Kiều Bích Hậu mang đến một khoái cảm tràn đầy nữ tính, còn là một cách nhìn cuộc đời lạc quan, ấm áp, đầy tin cậy.

Tình yêu là dòng nhựa sống tuôn chảy bất tận mãnh liệt, và sẽ được thơ ca nuôi dưỡng: Những con chữ lặng im/Chìm trong thẳm sâu tâm hồn/Và chỉ còn sự tử tế/Chắp đôi cánh chữ/Tìm đến nhau (Tử tế đã lặng thinh). Tôi muốn trích câu thơ này để kết thúc bài viết, vì nó không chỉ là tình yêu cuộc sống mà còn như một tuyên ngôn đối với thơ ca và tình yêu. Tôi tin rằng Kiều Bích Hậu còn nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu để nối dài thơ ca, và chúng ta hãy kết nối tình yêu để đợi chờ những tập thơ tiếp theo của Kiều Bích Hậu.

Nhà văn Phan Mai Hương

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/giong-noi-khac-biet-621140.html)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY