Dinh dưỡng hôm nay

Giữa bão giá thịt heo, chọn thực phẩm nào thay thế cho mâm cỗ ngày Tết?

Thiếu thịt, sốt giá là nỗi lo của không ít bà nội trợ khi Tết đang đến gần. Chuyển sang sử dụng những thực phẩm thay thế thịt heo là lời giải khả dĩ nhất lúc này.

Dự kiến thiếu hụt gần 200.000 tấn thịt heo trong dịp Tết năm nay là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/12. 

Mặc dù, thịt heo là nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn dịp Tết. Nhưng chúng ta vẫn có những loại protein bổ dưỡng khác như: thịt bò, thịt gà, hải sản,... để làm “nhân vật chính” cho các món ăn trong bữa cơm Tết hoặc dùng để đãi khách. Bên cạnh đó, những thực phẩm chay như: nấm, rau củ, trái cây,... cũng là lực chọn không tồi để Tết “thanh mát” hơn. 

 Các loại thịt đỏ

Theo các nhà khoa học, 80g thịt bò chỉ có 180 calo nhưng nó cung cấp cho cơ thể 10 dưỡng chất thiết yếu.

Những loại thịt đỏ phổ biến là: thịt bò, thịt dê, thịt cừu, thịt nai. Một số loại thịt đỏ đã qua chế biến như: xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng,...

Thịt đỏ được xem là loại thịt bổ dưỡng nhất. Nó chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như: chất sắt- chất quan trọng đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh nở; chất kẽm- chất giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả; vitamin B12- vitamin giúp dây thần kinh, các tế bào khoẻ mạnh và góp phần tạo ra ADN. 

Nên ăn phần các phần thịt “thăn”, đây là phần thịt bổ dưỡng nhất. Thịt đỏ nên được nấu chín ở nhiệt độ phù hợp, không nấu quá chín hoặc còn hơi sống. Bộ y tế Anh khuyến cáo chỉ nên ăn 70g thịt đỏ một ngày. 

Một số món ngon từ thịt đỏ

Bắp bò ngâm giấm: Đây là món ngon, dễ làm ngày Tết. Những miếng bắp bò giòn, chua chua ngọt ngọt, có thể ăn kèm với cơm nóng hoặc làm đồ nhắm rai lai ngày Tết.

Thịt bò băm cuộn nấm kim châm: Những sợi nấm kim châm dai dai được bọc bởi lát thịt bò mềm, hoà quyện cùng nước sốt đậm đà sẽ khiến mâm cổ ngày xuân thêm phần đặc sắc. 

Chân dê hầm thuốc bắc: Vị ngọt từ thịt dê quyện cùng các loại nguyên liệu thuốc bắc chắc hẳn sẽ làm tăng thêm sự ấm cúng trong tiết trời đầu xuân.

Dê xào xả ớt: Với vị ngọt, độ dai giòn vừa phải của thịt dê kết hợp với mùi thơm của sả, chút the the của ớt, món này sẽ làm xiêu lòng người thân của bạn.

Các loại thịt gia cầm

Thịt gia cầm có hàm lượng protein cao, giúp cơ bắp khỏe mạnh, tăng sức vận động

Các loại gia cầm như: gà, vịt, ngan,...có hàm lượng protein tương đối cao và tỷ lệ mỡ thấp. Vì thịt gia cầm dồi dào chất béo không bão hoà (loại chất béo tốt cho sức khoẻ) nên nó phù hợp với những người muốn giảm cân, hoặc hướng đến lối sống lành mạnh. 

Trong cấu trúc cơ thể của các loại gia cầm, phần thịt ở các bộ phận khác nhau sẽ có lượng mỡ khác nhau. Ức là phần hầu như không có mỡ và được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn, trong khi đó các phần cổ, đùi, cánh, nội tạng lại chứa nhiều mỡ nhưng lại “được lòng” khá nhiều người. 

Lưu ý là vịt và ngan là hai loài có tính hàn, dễ gây khó tiêu, người bị ốm không nên ăn hai loại thịt này.

Một số món ngon từ thịt gia cầm

Súp gà: Đây là món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hoá, tốt cho sức khoẻ, phù hợp cho người trẻ nhỏ và người già.

Gỏi vịt bắp cải: Sự kết hợp tuyệt vời giữa thịt vịt và bắp cải, vị chua ngọt vừa phải của món ăn sẽ là món khai vị tuyệt vời cho mâm cỗ. 

Cánh gà chiên nước mắm: Cá là con bạn thích mê món này và các đấng mày râu cũng hài lòng. Phần thịt gà mềm mượt, vị đậm đà của nước mắm tỏi ớt cùng hòa quyện sẽ làm bữa cơm ngày xuân thêm ngon miệng.

Vịt sốt vang: Từng sớ thịt được hoà quyện trong mùi thơm nồng tinh tế của rượu vang đỏ và vị chua dịu nhẹ của sốt cà chua. Món này sẽ làm phong phú thêm thực đơn ngày Tết của bạn.

Các loại hải sản

Hải sản rất giàu canxi, o-mega3, protein cao, lượng colesteron thấp, giàu các dưỡng chất như: sắt, vitamin B12, lipid,...

Hải sản bao gồm các động vật sống ở dưới biển: các loại cá ̣̣̣̣(cá thu, cá hồi, cá ngừ đại dương,...), các loại động vật thân mềm ( mực, bạch tuột,...), các loài giáp xác (ốc, tôm, cua,...), và các loài có vỏ cứng (sò, trai, ngao,...).

Các loài tôm, ốc, tép, trai,... rất dồi dào canxi. Mực có hàm lượng protein, kẽm, o-mega3, vitanmin B cao. Cá hồi chứa nhiều o-mega3 tốt cho mắt, tim mạch và giúp duy trì sức khoẻ. Hàu có chứa nhiều kẽm hơn so với các loại thực phẩm khác, điều này giúp chúng được xem là “thần dược” trong chuyện “chăn gối”.

Một số lưu ý khi ăn hải sản:

Không ăn hải sản chưa chín: Vì môi trường hải sản sinh sống có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh. Việc nấu chín sẽ giúp phòng tránh nguy cơ ngộ độc.

Nên ăn trái cây sau khi ăn hải sản 2 tiếng: Vì những dưỡng chất trong hải sản có thể bị giảm đi khi kết hợp với một số loại trái cây như: nho, lựu, hồng,... Bên cạnh đó, những chất có trong các loại trái cây này có thể gây đau bụng, rối loạn tiêu hoá khi kết hợp cùng với canxi trong hải sản 

Không nên cho trẻ con thử các loại hải sản lạ. Vì hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu, có nguy cơ bị ngộ độc cao hơn người lớn. Bố mẹ nên tập cho trẻ ăn hải sản lạ từ từ, không ăn nhiều một lúc.

Một số món ăn từ hải sản

Cá phi lê chiên xù: Để thay thế những cuốn chả giò chiên có nguyên liệu chính từ thịt heo xay, thì món này là ứng cử viên sáng giá. Những lát thịt cá phi lê trắng mềm được bao bọc bởi lớp bột chiên xù giòn rụm bên ngoài, chấm với tương ớt hoặc nước tương đều thích mê. 

Súp hải sản: Đây là món “chống ngán” sau khi bạn đã “chinh chiến” qua rất nhiều loại đạm, bánh trái khác nhau. Vị ngọt tự nhiên của tôm, cua, cá, mực,... sẽ giúp bạn và người thân cân bằng lại vị giác. 

Đậu hủ chiên giòn sốt hải sản: Vị ngọt của sốt hải sản kết hợp với vị béo của đậu hủ sẽ là phương án “đổi gió” cho bữa cơm ngày Tết.

Sò điệp sốt cay: Đây là cách biến tấu mới cho những ai đã chán các kiểu chế biến sò điệp truyền thống. Sự dai, giòn của sò điệp hoà cùng nước sốt cay cay sẽ khiến người thân của bạn thích mê.

Các loại nấm

Trong 100g nấm tươi chứa 25-40% protein, 12-19 loại axit amin

Nấm rất đa dạng về kích thước, hình dáng và màu sắc. Một số loại nấm thông dụng như: nấm đông cô, nấm rơm, nấm tai mèo, nấm kim châm, nấm đùi gà,... 

Nấm chứa nhiều hợp chất chống oxy hoá, các vitanmin nhóm B, vitamin D, đồng, kali,... 

Nấm có những công dụng điển hình như: tốt cho hệ phát triển của cơ xương khớp, tốt cho tim mạch, giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị tiểu đường, giúp kiểm soát cân nặng,... 

Một số lưu ý khi ăn nấm

Không ăn nấm lạ, không có nguồn gốc rõ ràng để tránh ăn phải nấm độc.

Không nên ăn quá nhiều nấm, vì chúng có tính mát, ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu.

Nên sử dụng nấm tươi để chế biến món ăn, nấm để lâu ngày dễ bị mốc.

Một số món ngon với nấm

Nấm hương xào ớt chuông: Vị cay của ớt chuông hoà quyện cùng vị thanh mát của nấm hương sẽ tạo nên món ăn thanh đạm cho dịp Tết.

Trứng hấp nấm rơm: Trứng hấp hay trứng chưng là món ăn quen thuộc, bạn có thể thểm nấm hương xắt nhỏ để tạo nên hương vị khác cho món ăn giản dị này.

Nấm cú xào mướp hương: Sự hoà quyện giữa vị ngọt của mướp hương và vị ngọt của nấm sẽ giúp bữa cơm ngày Tết phong phú hơn.

Mề gà xào nấm: Đây là món ăn bạn nên nấu thử trong dịp Tết này. Mề gà dai giòn kết hợp với vị ngọt thanh của nấm đùi gà, tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng. 


Giá thịt heo vẫn đang bị đẩy lên cao, và nguy cơ “cung không đủ cầu” ngày càng rõ vào dịp Tết năm nay. Chính phủ đang có những biện pháp để khắc phục tình hình. Và những phẩm thay thế thịt heo ngày Tết trên đây là “kế hoạch B” để giúp các bà nội trợ ứng phó.

Ý Nhi

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/giua-bao-gia-thit-heo-chon-thuc-pham-nao-thay-the-cho-mam-co-ngay-tet-28452/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY