Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Hại người khi dùng thuốc bổ vô tội vạ

Với quan niệm thuốc bổ không “bổ dọc” thì cũng “bổ ngang”, nhiều người dùng thuốc vô tội vạ mà không biết rằng, thuốc bổ cũng nguy hại cho sức khỏe nếu dùng quá liều, dùng không đúng cách…

Thuốc bổ vạn năng?

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, ngoài chế độ ăn uống, người ta còn có nhu cầu tăng cường sức khỏe bằng các loại thuốc bổ.

Thực tế cho thấy, hiện nay thuốc bổ được sử dụng rất tùy tiện. Thậm chí, nó được dùng ngay cả khi cơ thể con người vẫn khỏe mạnh. Lý giải về hành động này, chị Tăng Thị Hiền, phòng Tín dụng Ngân hàng Co-op Bank chia sẻ: “Dù hàng ngày chúng ta ăn uống với chế độ cân bằng, đầy đủ thì vẫn bị thiếu vitamin và khoáng chất vì những thứ này rất dễ bị hao hụt trong quá trình bảo quản, chế biến. Rau héo một tí cũng mất vitamin, đun thức ăn quá lửa một tí cũng làm giảm dinh dưỡng… Đấy là chưa kể đến quá trình chăn nuôi, trồng trọt công nghiệp như hiện nay đã làm cho thực phẩm kém dinh dưỡng”.

Vẫn theo chia sẻ của chị Hiền, có đợt bị ốm, chị chẳng buồn ăn uống gì mà chỉ cần uống thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng, vậy mà cũng qua cơn bệnh. Kể từ đó, chị chú trọng uống thuốc hơn cả ăn uống. Việc ăn uống giờ với chị là: “thấy thèm thì ăn, ngon thì ăn, chứ không phải để đảm bảo sức khỏe. Việc đó giờ đã giao cho thuốc bổ ‘gánh vác’”, chị Hiền khẳng định.

Khi được hỏi về tác dụng phụ của thuốc, chị Hiền hồ hởi: “Tất cả các loại thuốc tôi dùng đều được triết xuất từ các thành phần tự nhiên nên an toàn với sức khỏe. Thay vì tiếp nhận vitamin và khoáng chất trực tiếp từ rau, củ, quả, thịt, sữa… thì tôi nhận qua thuốc. Tất cả đều là tự nhiên cả”.

Đừng lạm dụng

Thuốc bổ, vitamin tổng hợp hay các loại thuốc bổ sung khoáng chất hiện nay đều có thể tìm mua dễ dàng ở các nhà thuốc. Bởi nó là loại thuốc không cần kê đơn nên người dùng cũng hiếm khi nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi tìm đến các loại thuốc này. Đa phần mọi người dùng thuốc là do sự tự cảm nhận của bản thân (thấy mệt mỏi, chán ăn…), qua kinh nghiệm của bạn bè (thuốc này tốt cho mắt, thuốc kia tốt cho da…) hay qua những lời tư vấn vội vàng của các nhân viên bán thuốc…

Vitamin, khoáng chất hay thuốc bổ chứa những chất rất cần cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng hàng ngày như cơm ăn, nước uống? BS. Lê Quang Lộc (Nguyên Trưởng khoa Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) khẳng định: “Trong quá trình khám bệnh, tôi gặp rất nhiều trường hợp lạm dụng đơn thuốc của bác sỹ. Chẳng hạn, khi bị nám da, tàn nhang, người này được bác sỹ kê thuốc này, thuốc kia để uống bổ sung (chủ yếu là các vitamin nhóm B), sau khi hết thuốc, lẽ ra phải đến khám lại nhưng họ lại tự ý mua thuốc theo đơn cũ để uống dài ngày với lý do: các thuốc này chủ yếu là vitamin nên uống nhiều cũng không sao. Tuy nhiên, thực tế thì không hẳn vậy. Dẫu là thuốc bổ cũng cần uống có chừng mực, chứ không phải thích dùng bao nhiêu thì dùng.

Vẫn theo bác sỹ Lộc: mặc dù các loại thuốc này có các thành phần chiết xuất 100% từ thiên nhiên thì trong quá trình sản xuất, ít nhiều người ta cũng sử dụng hóa chất để tạo ra biệt dược. Như vậy, dùng thuốc vô tội vạ sẽ tăng áp lực làm việc cho gan, từ đó gây hại cho gan. Đấy là chưa kể đến thừa vitamin và khoáng chất cũng không hề tốt cho cơ thể. Điển hình thừa calci có thể dẫn đến sỏi thận, thừa vitamin A gây ngộ độc cấp tính, thừa vitamin C gây ỉa chảy, nổi mụn và có nguy cơ bị sỏi thận…”.

Số liệu nghiên cứu của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ chỉ ra rằng, có đến 45% người tiêu dùng Mỹ sử dụng các loại thuốc bổ hàng ngày. Những người này thường tìm đến các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên và cho rằng nó hoàn toàn không gây hại. Thế nhưng thực sự thì thảo dược không có nghĩa là an toàn. Viện này đã chỉ ra rằng: cây hoa được dùng trong chữa bỏng, khớp, viêm dạ dày đã được chứng minh có thể gây tác hại lên gan nếu dùng không hợp lý.

Tương tự là loại cây Kava, một loại dược thảo phổ biến ở Tây Thái Bình Dương thường được dùng như thuốc an thần, cũng có thể có tác hại lên gan. Việc dùng quá nhiều cam thảo thường dùng trong chữa ho và viêm dạ dày, cũng có thể gây hại thận, tăng huyết áp, giảm kali trong máu… Do đó, lạm dụng các thuốc chiết xuất từ tự nhiên cũng có thể khiến cơ thể gặp nhiều rắc rối.

Cũng bởi các lý do trên, bác sĩ Lộc khuyến cáo chỉ nên bổ sung khi chế độ ăn uống của bạn không hợp lý. Với những người đã đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nhưng tình trạng sức khỏe yếu cũng sẽ dẫn đến khả năng giảm thụ nên có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, tuy nhiên cần chú ý đến liều lượng.

Lời khuyên

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn uống hợp lý cần dựa trên 3 cơ sở:

- Ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm khác nhau trong một ngày: Mỗi loại thực phẩm sẽ có một số chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất khác nhau, nếu ăn đa dạng thì cơ thể sẽ nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau.

- Ăn chừng mực, không quá nhiều hoặc quá ít: mỗi loại thực phẩm đều có một số chất dinh dưỡng và cũng có thể có một số chất độc hại về mặt nào đó. Ăn chừng mực sẽ giúp cơ thể nhận được đủ chất, không thừa, không thiếu cũng như hạn chế được tối đa những chất có thể gây hại.

- Ăn gần với thiên nhiên, thực phẩm càng ít chế biến thì càng giữ được nguồn dinh dưỡng tự nhiên. Do đó nên hạn chế các đồ chiên, xào, nướng…

Dương Phương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/hai-nguoi-khi-dung-thuoc-bo-vo-toi-va-12093/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY