Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Hiểu thêm về thử thách Đứng một chân cố nghệ sĩ Chí Tài đã tham gia trước khi đột quỵ

Chiều ngày 9/12, thông tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời khiến người hâm mộ hết sức bàng hoàng và xót xa. Được biết, nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột cho cố nghệ sĩ chính là chứng đột quỵ. Trước đó mấy ngày, ông đã thực hiện thử thách “Đứng một chân”- thử thách kiểm tra đột quỵ nhưng không thành công.

Thử thách “Đứng một chân” kiểm tra đột quỵ là gì?

Xuất phát từ một nghiên cứu của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản), thử thách “Đứng một chân” hay còn gọi là “One leg challenge" là thử thách giúp phát hiện nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đột quỵ. Tham gia thử thách có hơn 1.387 người ở độ tuổi trung bình là 67 tuổi. Kết quả cho thấy, có hơn 95% người không đứng được quá 20 giây. Những người thất bại sau khi tham gia thử thách này được đưa đi chụp cộng hưởng từ não bộ (MRI) để đánh giá tình trạng các mạch máu não. Thật bất ngờ, có đến 50,5% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não) và 45,3% người có 1-2 điểm vi xuất huyết (chảy máu rất ít trong não).

Các chuyên gia gọi đây là chứng đột quỵ “thầm lặng”. Bởi, sự phối hợp tay và chân được kiểm soát bởi mạng lưới thần kinh phức tạp nằm sâu trong não. Việc không thể không đứng được quá 20 giây chính là dấu hiệu các mạch thần kinh đang gặp trục trặc (tắc nghẽn mạch máu não, chảy máu trong não...).

Cố nghệ sĩ Chí Tài đã tham gia thử thách "Đứng một chân" và thất bại sau 4 giây ngắn ngủi.


Hướng dẫn thực hiện thử thách “Đứng một chân”

Bất cứ người nào cũng có thể tranh thủ một phút rảnh rỗi thực hiện thử thách này tại bất cứ nơi đâu như: nhà, văn phòng làm việc… Với cách thức đơn giản như sau:

Bước 1: Bỏ giày (dép) ra, lấy một chân làm trụ đứng thắng không dựa vào tường hay bất cứ vật đỡ nào.

Bước 2: Đặt tay lên hông, chân còn lại co lên vuông góc với chân trụ, tay chống hông. Lưu ý, không được dùng tay giữ chân, nhắm mắt và đứng yên trong 20 giây.

Thử thách sẽ kết thúc ngay khi bạn di chuyển bàn chân trụ hoặc khi bạn buộc phải đặt chân kia xuống sàn nhà để khỏi té ngã.

Lý giải khoa học cho thử thách đứng một chân

Thử thách "Đứng một chân" tưởng như chỉ đơn giản là để giữ thăng bằng nhưng lại là một hình thức kiểm tra tình trạng sức khỏe được đánh giá cao bởi các chuyên gia Đông y và Tây y. Các chuyên gia cho rằng: Đây là một thước đo nguy cơ đột quỵ chính xác nhất.

Cách thực hiện thử thách "Đứng một chân" khá đơn giản.

Vào năm 1999, một cuộc nghiên cứu đã thực hiện bởi Hội đồng Nghiên cứu Y học Anh trên 2.760 nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 53. Những tình nguyện viên đã được yêu cầu thực hiện 3 bài kiểm tra đơn giản, trong đó có bài thử nghiệm “Đứng một chân” này.

Khoảng 13 năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập kết quả rằng: Có 177 tình nguyện viên qua đời, trong đó có 88 người mất do ung thư, 47 người mất do bệnh tim và 42 người do các nguyên nhân khác.

Từ những dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, cả ba thử nghiệm mà họ đã thực hiện năm 1999 đều dự đoán độc lập nguy cơ tử vong của một người, nhưng thử nghiệm “Đứng một chân” cho kết quả chính xác nhất.

Phòng tránh đột quỵ như thế nào sau thử thách “Đứng một chân”?

“Đứng một chân” cũng được Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo như bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ đơn giản ngay tại nhà để có biện pháp thăm khám sức khỏe sớm nhất. Bởi, chứng đột quỵ hầu như không có dấu hiệu sớm, khó có thể chữa trị, tỷ lệ tử vong cao. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời, người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, rối loạn cảm xúc, mất ngôn ngữ, thị giác suy giảm…

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người đột quỵ chỉ có 10% sống sót, còn hơn 50% là tử vong. Theo các chuyên gia, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa gia tăng mạnh ở độ tuổi 40 - 45, có khi xuất hiện ở tuổi 20. Do vậy, sau khi thực hiện thử thách “Đứng một chân” cho dù thành công hay thất bại, bạn cũng đừng quên thực hiện 5 nguyên tắc dưới đây để phòng ngừa đột quỵ:

1. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học: Chế độ ăn uống hàng ngày nên giảm chất béo, bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ như rau cải, trái cây và ngủ cốc... Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bạn kiểm soát được huyết áp và lượng cholesterol trong máu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, đừng quên hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, và thực phẩm chứa nhiều muối vì sẽ làm tăng huyết áp.

2. Bỏ thuốc lá: Thuốc lá chính là nguy cơ hàng đầu gây ra tắc nghẽn động mạch, giảm chức năng mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bỏ thuốc lá để tránh được tình trạng tắt nghẽn mạch máu dẫn tới đột quỵ.

3. Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, cải thiện độ nhạy của insulin. Từ đó giảm các yếu tố, nguy cơ gây ra đột quỵ.

4. Hạn chế bia, rượu: Việc uống quá nhiều rượu, bia sẽ làm cho huyết áp tăng cao, nhịp tim bất thường, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Để phát hiện sớm nhất nguy cơ đột quỵ lẫn các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp chủ động để điều trị và hướng dẫn phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Vốn là người rất quan tâm đến sức khỏe, nghệ sĩ Chí Tài vẫn không thoát khỏi lưỡi hái tử thần của chứng đột quỵ, đủ để thấy đột quỵ có thể cướp đi mạng sống của bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Vì vậy, hãy luôn thực hiện đúng 5 nguyên tắc phòng ngừa đột quỵ trên để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân một cách tốt nhất nhé!

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/hieu-them-ve-thu-thach-dung-mot-chan-co-nghe-si-chi-tai-da-tham-gia-truoc-khi-dot-quy-29676/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY