Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta về văn hóa đã quá rõ. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hóa là nhân tố nội sinh để phát triển; phải đặt văn hóa ngang với chính trị, kinh tế và xã hội; chăm lo phát triển văn hóa là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị,…
Thế nhưng, từ lý luận đến thực tiễn, nhất là thực tiễn ở địa phương, luôn có một khoảng cách. Khoảng cách đó rộng hay hẹp thì tùy lúc, tùy nơi.
Sự phát triển văn hóa ở các địa phương đôi khi tùy thuộc vào nhiệm kỳ của từng cấp lãnh đạo, thậm chí tùy thuộc vào cá nhân của một hoặc vài lãnh đạo chủ chốt. Thích văn hóa thì đầu tư cho văn hóa, thích thể thao thì đầu tư nhiều hơn cho thể thao. Trong văn hóa và thể thao cũng có từng loại hình, từng bộ môn khác nhau, lãnh đạo yêu thích môn nào thì môn đó ít nhiều được hưởng lợi. Làm như vậy rõ là khá tùy tiện.
Ở TP Đà Nẵng, từng có thời kỳ lãnh đạo rất thích thể thao, trong thể thao thì rất thích bóng đá nên sẵn sàng chi tiền để thuê, mua cầu thủ. Ngược lại, văn hóa bị xem nhẹ, rất nhẹ! Kinh phí đầu tư cho văn hóa có lúc thuộc nhóm thấp nhất nước.
Trung tâm Văn hóa là thiết chế quan trọng bậc nhất của ngành, nằm ngay giữa trung tâm thành phố, bị chuyển nhượng cho doanh nghiệp làm kinh tế. Đã gần 15 năm rồi Đà Nẵng thiếu thiết chế văn hóa này.
Sự quan tâm đối với văn hóa, đầu tư cho văn hóa ở Đà Nẵng trong thời gian gần đây có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại chuyện cũ như trên để thấy rằng, ngành văn hóa "may nhờ, rủi chịu" trước một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương.
NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng.
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho chiều sâu; hoạt động của văn hóa chủ yếu tác động đến tinh thần, nhân cách con người nên không thể cân, đong, đo, đếm kết quả cụ thể. Dù kinh tế, khoa học - công nghệ phát triển đến đâu đi chăng nữa cũng không thể thay thế văn hóa, trong đó có văn học - nghệ thuật, trong việc bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức con người.
Đọc một quyển sách, xem một bộ phim, thưởng thức một buổi triển lãm, một chương trình nghệ thuật hay, con người sẽ cảm thấy vui vẻ, phấn chấn, yêu đời, yêu cuộc sống, khỏa lấp đi những ý nghĩ hẹp hòi, tiêu cực. Vậy thì làm sao đong đếm được hiệu quả cụ thể của việc đầu tư cho văn hóa?
Thế mà cũng có lúc, một số vị lãnh đạo, một số cơ quan có quyền lực cứ chất vấn, cứ hạch sách hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hóa.
Tất nhiên, hoạt động văn hóa cũng phải kết hợp với khai thác nguồn thu để trang trải một phần kinh phí, giảm gánh nặng cho ngân sách. Một số quốc gia hiện nay đẩy mạnh công nghiệp văn hóa để phát triển nguồn thu. Chúng ta cần học tập cách làm của các nước để áp dụng càng sớm càng tốt.
Người ta thường nói rằng "cán bộ nào, phong trào ấy". Điều này cũng đúng với lĩnh vực văn hóa. Cán bộ làm công tác văn hóa đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn chung như cán bộ, công chức, viên chức khác, nhưng rất cần năng lực chuyên môn, rất cần có kinh nghiệm và đặc biệt phải có sự yêu nghề, đam mê, tâm huyết. Sản phẩm, hiệu quả của hoạt động văn hóa là vô hình, trừu tượng nên người làm công tác văn hóa đòi hỏi phải có thêm những tố chất như đã nói ở trên.
Đáng buồn là ở không ít địa phương lại có hiện tượng "chuột chạy cùng sào mới vào làm văn hóa". Ở cấp quận, huyện và phường, xã, cán bộ quản lý văn hóa bị điều chuyển liên tục, đến nỗi có nhiều trường hợp lãnh đạo cấp sở chưa kịp nhìn thấy mặt cấp dưới của mình.
Một hiện tượng khác khá phổ biến là hễ được vào cấp ủy thì sẽ được phân công lãnh đạo, phụ trách ngành gì cũng được, kể cả một ngành khá đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao là văn hóa.
Suốt mấy chục năm nay, ngành văn hóa đi tiên phong vận động thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" theo các nội dung hướng dẫn của Trung ương.
Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào này đang gặp khó khăn, thử thách do sự không nêu gương của nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên cao cấp, rất cao cấp. Điển hình nhất trong việc này là vấn đề tổ chức tang lễ cho người quá cố.
Trong khi chúng ta luôn vận động tang lễ phải được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương, thì trong thực tế, dễ dàng nhận thấy tang lễ của nhiều cán bộ, đảng viên được tổ chức không theo hướng dẫn như trên.
Cá biệt, có những ngôi mộ được chôn cất với diện tích đất lên tới hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn mét vuông.
Do nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên cao cấp, không nêu gương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nên cán bộ văn hóa địa phương, cơ sở rất khó vận động nhân dân thực hiện.
Từ một số thực tế nêu trên, đề nghị lãnh đạo các cấp quan tâm nhiều hơn, cụ thể hơn chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; gắn lời nói với việc làm, gắn chủ trương với hành động, càng có chức vụ cao thì càng phải nêu gương thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh…
Đào tạo những người làm công tác văn hóa có tầm, có tâm, có nhiệt huyết là vô cùng cần thiết. như nghị quyết đại hội xiii của đảng xác định: "phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa"…
NSND Huỳnh Hùng (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng)
Chủ đề liên quan:
văn hóa việt nam