Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hội chứng Covid kéo dài: Đe dọa mục tiêu chung sống an toàn

(HNM) - Giới chuyên môn cảnh báo, hội chứng “Covid kéo dài” (Long Covid) sẽ là rào cản, mối đe dọa lớn đối với mục tiêu ứng phó linh hoạt, chung sống an toàn với đại dịch.

(hnm) - giới chuyên môn cảnh báo, hội chứng “covid kéo dài” (long covid) sẽ là rào cản, mối đe dọa lớn đối với mục tiêu ứng phó linh hoạt, chung sống an toàn với đại dịch. hội chứng này đã làm gia tăng nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng khi nhiều quốc gia đang dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến chủng omicron dần hạ nhiệt.

Dù là căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, Covid-19 vẫn có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác trên cơ thể, dẫn tới những triệu chứng về lâu dài. Đài CNBC (Mỹ) dẫn chia sẻ của Giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học nhiệt đới Liverpool (Anh) Paul Garner rằng, “Covid kéo dài” khiến ông liên tục mệt mỏi và nhận thức chậm chạp trong 2 tháng đầu tiên sau khi mắc bệnh. Trong 4 tháng tiếp đó, các triệu chứng nhẹ hơn nhưng ông vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi. Còn theo Claire Twomey, một nhân viên công tác xã hội ở Ireland, sau khi bình phục, những ám ảnh về tái nhiễm Covid-19 vẫn thường trực, khiến cô lo lắng mỗi khi đau đầu hay ho.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “Covid kéo dài” hay “hậu Covid-19” là tình trạng sau khi mắc Covid-19 xảy ra ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Tính tới hết tháng 2-2022, đã có hơn 200 triệu chứng được ghi nhận ở các bệnh nhân đã mắc Covid-19, như: Đau ngực, khó giao tiếp, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác... Khoảng 10-15% bệnh nhân có triệu chứng “Covid kéo dài” tiến triển nặng, khoảng 5% trở nên nghiêm trọng. Những tổn thương nội tạng sẽ dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài, đặc biệt nguy hiểm là những biến chứng tim, suy thận mãn tính, đột quỵ và hội chứng Guillain-Barre (tình trạng gây tê liệt tạm thời)… Bên cạnh các triệu chứng thể trạng, những người bình phục sau khi mắc bệnh nhiều khả năng còn bị lo âu, trầm cảm, cũng như gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần khác.

Trong bối cảnh đó, WHO cho rằng, cách ngăn ngừa “Covid kéo dài” tốt nhất là tiêm chủng và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Khuyến nghị này tương đồng với kết quả của nhiều nghiên cứu mới đây, vốn chỉ ra hiệu quả của các loại vắc xin phòng Covid-19 trong việc ngăn chặn hội chứng “Covid kéo dài”. Cụ thể, nghiên cứu của Cơ quan An ninh y tế Anh ghi nhận, nguy cơ bị các triệu chứng “hậu Covid-19” ở những người đã tiêm vắc xin thấp hơn tới 50% so với những người chưa tiêm.

Một nghiên cứu khác của Israel (3.000 người tham gia) cho thấy, nhóm 637 người đã tiêm phòng sau khi mắc bệnh ít xảy ra những triệu chứng như choáng váng, đau đầu, yếu và đau cơ… Các chuyên gia của WHO cũng khuyến nghị bệnh nhân Covid-19 đã bình phục cần nghỉ ngơi để hệ thống miễn dịch phục hồi hiệu quả.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo, tuy “Covid kéo dài” không lây lan nhưng rất khó nắm bắt khi những triệu chứng có thể đến và đi theo thời gian, lại có biểu hiện khác biệt trên từng người. Trong khi đó, hiện chưa có nghiên cứu nào kết luận tình trạng này kéo dài bao lâu. Điều này là đáng lo ngại bởi “Covid kéo dài” tiềm ẩn nguy cơ khiến sức khỏe con người bị suy giảm, có thể gây ra những hậu quả kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội. Không chỉ vậy, nếu hệ thống y tế không có được lộ trình điều trị, chăm sóc phù hợp, việc hao tổn nhân lực và tài nguyên cho các triệu chứng hậu Covid-19 là khó tránh. Nói cách khác, “Covid kéo dài” sẽ là mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng, có tác động đáng kể đối với xã hội...

Trong bối cảnh các nước đang nỗ lực xây dựng kịch bản khôi phục kinh tế - xã hội sau các làn sóng lây nhiễm, việc không nhìn nhận đủ và đúng về “Covid kéo dài” chắc chắn sẽ dẫn tới thiếu sót trong tính toán, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1025935/hoi-chung-covid-keo-dai-de-doa-muc-tieu-chung-song-an-toan)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY