Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hỏi-đáp từ A-Z về canxi ở trẻ nhỏ

Con tôi năm nay được 5 tuổi. Bé đi khám, được bác sĩ kết luận là thiếu canxi và có kê toa bổ sung. Nhưng mới uống được gần 1 tuần thì tôi thấy bé có biểu hiện của táo bón (phân rắn, 2-3 ngày mới đi một lần). Cái này có phải là tác dụng phụ của canxi không

Trên thực tế, một số trẻ sẽ có biểu hiện bị táo bón khi dùng canxi. Vì thế, để hạn chế tình trạng này, bạn nên cho bé dùng canxi dạng nước thay cho dạng viên. Bên cạnh đó, bạn có thể chia canxi ra làm 2-3 liều nhỏ, uống nhiều lần trong ngày (lưu ý là không uống trước 14 giờ). Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm có chất xơ. Chúc bé nhà bạn sớm thoát khỏi tình trạng này

Tôi muốn hỏi liều lượng canxi hàng ngày ở trẻ nhỏ là bao nhiêu? Tôi có thể bổ sung cho bé qua các nguồn nào?

Canxi không chỉ giúp bé phát triển răng và xương mà còn có vai trò chuyển hóa các chất, giúp cơ thể bé hấp thu dưỡng chất dinh dưỡng từ thức ăn hằng ngày. Tùy từng độ tuổi, bé sẽ có nhu cầu về canxi khác nhau. Bạn có thể tham khảo thông tin dưới đây để hiểu hơn nhu cầu canxi hàng ngày của bé:

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn cung cấp canxi đầy đủ và dễ hấp thụ nhất. Khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể bổ sung canxi cho cơ thể bé thông qua bữa ăn hằng ngày như bắp cải, cần tây hay, các loại hải sản hay sữa… Trong trường hợp không đảm bảo được các khẩu phần dinh dưỡng này, bạn có thể bổ sung thêm canxi cho bé. Khi đó, bạn nên chọn canxi dạng nước để dễ hấp thu và không gây kích ứng dạ dày và ruột.

Tôi nên bổ sung canxi cho bé như thế nào để dễ hấp thụ nhất?

Để bé có thể hấp thụ canxi tốt nhất, bạn cần chú ý vài điểm sau:

- Uống canxi trong buổi sáng, không uống sau 14h chiều. Nên kết hợp vận động ngoài trời để có sự chuyển hóa tốt nhất.

- Uống canxi trong bữa ăn hoặc sau ăn, tuyệt đối không nên uống khi đói. Nếu trẻ dùng kháng sinh nên uống cách ra sau 2 tiếng.

- Không uống canxi kèm với sữa, sẽ dẫn đến “tranh chấp” trong quá trình hấp thu canxi.

- Mùa đông rất thích hợp để bổ sung canxi cho trẻ, bởi mùa đông ít nắng, trẻ thường bị thiếu hụt canxi.

- Cho trẻ tắm nắng tầm 15-30 phút mỗi ngày để cơ thể bé tạo ra vitamin D, hỗ trợ quá trình hấp thu canxi.

Xin cho tôi biết những loại thực phẩm nào có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của trẻ?

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, nhiều photpho, natri, axit fitic có thể tăng quá trình bài tiết canxi cũng như ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi tại ruột non. Chính vì vậy, khi đang cho bé uống canxi bổ sung, bạn nên kiêng các loại thực phẩm như ngũ cốc, rau rền, đồ muối chua và chỉ nên cho bé ăn một lượng đạm vừa phải, tránh ăn quá no.

Con tôi mới được 8 tháng và tôi thấy cháu đang có dấu hiệu của còi xương, thiếu canxi (chưa mọc răng, chậm biết lẫy, biết ngồi…). Tôi có nên bổ sung cho cháu bằng cách nấu cháo bằng nước hầm xương không vì tôi nghe nói trong xương có rất nhiều canxi?

Không nên quan niệm rằng cho trẻ ăn nhiều xương thì trẻ sẽ không bị còi xương, vì trong nước xương ninh chỉ có một lượng rất ít canxi vô cơ, trẻ không hấp thụ được, ngược lại, lại chứa rất nhiều mỡ thoái hoá gây khó tiêu cho trẻ. Nếu nhận thấy con có dấu hiệu còi xương, chậm phát triển vận động hơn so với lứa tuổi, bạn nên cho bé đi khám bác sĩ dinh dưỡng để có biện pháp xử lý đúng đắn nhất. Khi muốn bổ sung thêm canxi cho trẻ, hãy cho bé ăn đầy đủ rau xanh, thịt cá và trong trường hợp cần thiết là uống canxi dạng nước.

Khi con đang ở tuổi dậy thì, tôi có nên bổ sung canxi cho cháu không? Điều gì sẽ xảy ra khi con tôi uống canxi quá liều?

Tuổi dậy thì là một trong những giai đoạn cần rất nhiều canxi để xương phát triển. Bên cạnh việc cho con ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, bạn có thể bổ sung thêm canxi cho cháu. Tuy nhiên, việc này phải theo hướng dẫn sử dụng chứ không nên cho cháu uống quá nhiều trong một thời gian dài.

Thừa canxi có thể ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, từ đó sẽ làm cho cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Mặt khác, nó còn gây quá tải cho thận và nếu vẫn tiếp tục bổ sung quá nhu cầu cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận. Không những vậy, dùng canxi liều cao có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ canxi trong máu gây rối loạn canxi máu và rối loạn nhịp tim. Thừa canxi cũng gây ra tình trạng sỏi thận mạn tính, vôi hóa khớp vai, canxi hóa động mạch...

Khi bị thừa canxi, cơ thể sẽ có những biểu hiện như thế nào?

Khi uống quá liều, cơ thể sẽ có những biểu hiện như khát nước, đi tiểu nhiều, buồn nôn, rối loạn nhịp tim... Nếu có các biểu hiện trên, bạn phải ngừng tất cả các nguồn cung cấp canxi và vitaminD, đến gặp bác sĩ ngay để được xử trí.

Trong cơ thể, lượng canxi trong máu luôn được điều hòa nên rất ít khi có biến đổi dù thừa hay thiếu canxi. Bởi thế, nếu muốn xác định hàm lượng canxi đang có trong cơ thể, bạn sẽ được hướng dẫn để thử nước tiêu trong vòng 24 giờ. Nếu lượng canxi trong nước tiểu trên 300mg/24 giờ (7,5mmol/24 giờ), bạn phải ngưng sử dụng canxi ngay lập tức.

An Nhiên

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/hoi-dap-tu-a-z-ve-canxi-o-tre-nho-22534/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY