Kanamycin là một kháng sinh nhóm aminoglycosid. Nói chung các aminoglycosid có phổ kháng khuẩn với vi khuẩn hiếu khí Gram âm và một số Gram dương như Acinetobacter, Citrobacter, Enterobacter, Escherichia coli, Klebsiella, Proteus có sinh và không sinh indol, Providencia, Pseudomonas, Salmonella, Serratia và Shigella.
Kanamycin được dùng trong thời gian ngắn để điều trị nhiễm khuẩn nặng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm (như E. coli, Proteus, Enterobacter aerogenes, Klebsiella pneumoniae, Serratia marcescens và Mima- Herella) đã kháng lại các aminoglycosid khác ít gây độc cơ quan thính giác hơn.
Cũng như gentamycin, trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, khi cần thiết, kanamycin có thể dùng với penicilin hoặc cephalosporin, nhưng tránh dùng khi có độc tính trên tai và trên thận.
Kanamycin cũng được dùng như Thuốc hàng thứ hai trong điều trị lao, nhưng nay thường dùng các Thuốc khác an toàn hơn.
Trong trường hợp chức năng thận suy giảm, thận không thể thải trừ có hiệu quả kanamycin và nồng độ kanamycin trong huyết thanh tăng lên nhanh, cần phải giảm liều để tránh độc. Ở người bệnh suy thận, thời gian kanamycin lưu lại trong huyết thanh kéo dài. Khi cần phải sử dụng kanamycin cho người bệnh vô niệu, phải dùng Thuốc cách 3 đến 4 ngày một lần và liều cũng phải giảm còn 1/2 liều bình thường. Tuy nhiên liệu pháp an toàn nhất là phải kiểm soát để nồng độ Thuốc trong huyết thanh không quá 30 microgam/ml.
Phải luôn luôn thận trọng khi dùng kanamycin và chỉ nên dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc kháng Thuốc do các loại vi khuẩn đã kháng các kháng sinh khác nhưng còn nhạy cảm với kanamycin và nồng độ Thuốc trong máu không được quá 30 microgram/ml.
Thận trọng khi dùng kanamycin cho người bệnh nhược cơ vì kanamycin có một ít hoạt tính giống cura. Vì vậy, đã có một số trường hợp ngừng thở hoặc suy hô hấp do tiêm kanamycin trong màng bụng. Thêm vào đó, bệnh lý thần kinh về cảm giác, vận động đã xảy ra khi dùng kanamycin tại chỗ trong phẫu thuật cột sống. Kanamycin làm giảm nhẹ trương lực cơ ở những người bệnh nhược cơ, vì vậy không được tiêm vào màng bụng trong phẫu thuật ở những người bệnh đã dùng Thuốc phong bế thần kinh cơ.
Kanamycin bài tiết vào sữa, tỷ lệ kanamycin trong sữa và máu là 0,05 - 0,40. Sau khi tiêm bắp 1 g, nồng độ đỉnh của kanamycin trong sữa là 18,4 mg/lít. Không thấy có ảnh hưởng tới trẻ bú mẹ, vì kanamycin hấp thụ kém qua đường uống. Tuy nhiên có 3 vấn đề cần phải lưu ý đối với trẻ bú mẹ: Thay đổi hệ vi sinh đường ruột, ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ (dị ứng hoặc quá mẫn) và làm sai lệch kết quả nuôi cấy vi khuẩn khi có sốt cần thiết phải làm xét nghiệm này.
Phản ứng phụ thường gặp nhất của kanamycin là độc với tai. Sau khi dùng kéo dài (1 g/ngày từ 30 - 180 ngày) tần suất của phản ứng này khoảng trên 40%.
Phản ứng nhiễm độc thận: Phản ứng này ít gặp khi dùng liều thấp dưới 15 mg/kg/ngày và thời gian điều trị ngắn, nhưng nếu tổng liều 30 g hoặc hơn, thì tỉ lệ nhiễm độc với thận có thể là 50% hoặc hơn.
Ðộc tính với tiền đình xảy ra dưới 10% trường hợp điều trị với liều bình thường và thường hồi phục sau khi ngừng Thuốc.
Phản ứng mẫn cảm khi tiêm (ban đỏ da, sốt do Thuốc) ít hơn streptomycin. Dị ứng chéo với các aminoglycosid khác là thường xuyên.
Nếu xuất hiện ù tai hoặc các dấu hiệu nhiễm độc thính giác khác, phải giảm liều hoặc ngừng kanamycin.
Ðôi khi thấy có trụ niệu trong và hạt trong mẫu nước tiểu lấy trong 16 giờ đầu sau khi dùng kanamycin liều cao, nhưng không gây tổn thương thận vĩnh viễn và các trụ niệu sẽ hết khi ngừng Thuốc.
Nhiễm khuẩn cấp: 1 g/ngày chia làm 2 - 4 lần. Liệu trình điều trị giới hạn trong 6 ngày và tổng liều không quá 10 g.
Nhiễm khuẩn mạn: 3 g/tuần (1 g/ngày dùng cách nhật) hoặc 1 g/2 lần/ngày, 2 lần/tuần, tức 4 g/tuần. Tổng liều không quá 50 g.
Dung dịch kanamycin tiêm tĩnh mạch có nồng độ 2,5 mg/ml hoặc 5 mg/ml. Hòa lọ Thuốc 1 g với 200 - 400 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%. Nếu lọ Thuốc 500 mg thì dùng thể tích bằng một nửa để được nồng độ 2,5 - 5 mg/ml.
Liều người lớn và trẻ em là 15 mg/kg/ngày chia làm 2 - 3 lần, truyền chậm với tốc độ 3 - 4 ml/phút trong thời gian 30 - 60 phút.
Thuốc bổ trợ trong điều trị hôn mê gan là do kanamycin ức chế vi khuẩn sinh ra NH3 ở ruột. Ngày
8 - 12 g chia nhiều lần.
Thuốc bổ trợ với tẩy hoặc gây nôn để làm sạch ruột trong một thời gian ngắn. Mỗi giờ uống 1 g, liền trong 4 giờ. Sau đó cứ 6 giờ uống 1 g trong 36 - 72 giờ tùy tình trạng người bệnh.
Bản thân kanamycin dễ gây độc cho tai và cho thận. Ðộc tính với tai và thận tăng lên nếu phối hợp với:
Kháng sinh khác thuộc nhóm aminosid. Thậm chí nếu người bệnh đã dùng streptomycin hoặc viomycin, nay dùng kanamycin độc tính cũng tăng. Các Thuốc khác cũng dễ gây độc cho tai và thận như vancomycin, capreomycin. Với các Thuốc lợi niệu mạnh như acid ethacrylic, furosemid. Các Thuốc cũng dễ gây độc tính cho thận như ciclosporin, amphotericin B, cisplatin nếu phối hợp với kanamycin sẽ làm tăng độc tính cho thận.
Ðộc tính gây khó thở và ức chế hô hấp của kanamycin (đặc biệt là khi tiêm trong màng bụng) tăng lên khi phối hợp với Thuốc giãn cơ, Thuốc mê.
Calci gluconat làm giảm tác dụng giống cura của kanamycin, còn neostigmin lại có tác dụng đối kháng cura mạnh hơn (neostigmin là chất giải độc các chất giãn cơ kiểu cura). Calci ức chế khả năng chống vi khuẩn của kanamycin trên một số loài vi khuẩn. Vì vậy không dùng kanamycin tiêm phúc mạc cùng với dung dịch calci.
Nếu đang dùng Thuốc chống đông đường uống thì phải thay đổi liều khi phối hợp với kanamycin, vì kanamycin làm giảm việc sản sinh ra vitamin K nội sinh.
Dung dịch Thuốc trước khi tiêm phải kiểm tra bằng mắt. Không được dùng nếu thấy vẩn đục hoặc biến màu.
Dung dịch kanamycin truyền tĩnh mạch tương kỵ với các Thuốc sau: Amphotericin, barbiturat, cephalotin natri, clopromazin, các chất điện giải (Ca2 , Mg2 , citrat hoặc phosphat), heparin, hydrocortison, natri methicilin, methohexiton, nitrofurantoin, phenytoin, proclorperazin, sulfafurazol.
Không được pha trộn kanamycin với các kháng sinh khác để tiêm, mà mỗi kháng sinh phải tiêm truyền riêng (như với penicilin hoặc cephalosporin).
Trong trường hợp quá liều gây độc, có thể loại bỏ kanamycin ra khỏi máu bằng thẩm tách máu hoặc thẩm tách màng bụng. Ở trẻ sơ sinh có thể truyền thay máu.