Ảnh minh họa
Sự kỳ diệu của thảo dược
Các chuyên gia Đại học Queensland, Úc đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 800 người lớn mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 theo 2 cách:
- Một là chỉ dùng thuốc Glibenclamicle
- Hai là dùng thuốc Glibenclamicle kết hợp với Y học cổ truyền phương Đông.
Kết quả cho thấy, những người dùng thuốc Glibenclamicle kết hợp với dược thảo (gồm các thành phần Radix Pueraria - cát căn, Radix Tehmanniae - sinh địa, Radix Astragali – Hoàng kỳ, Radix Trichosanthis - Thiên hoa phấn, Rhizoma Dioscorea - hoài sơn, Stylus Zeae Maydis và Fructus Schisandrae và Sphenanthera) thì mức hạ đường huyết giảm hơn 30% so với nhóm chỉ dùng thuốc Glibenclamicle. Ngoài ra, nó còn hạn chế được các triệu chứng như táo bón, giảm cảm giác nóng trong người, hồi hộp, đánh trống ngực, tiểu đêm, cải thiện giấc ngủ…
Ông Sanjoy Paul, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, Y học cổ truyền từ lâu đã được người dân phương Đông dùng để điều trị bệnh đái tháo đường, nhưng trên thế giới còn rất ít thông tin nói về thảo dược. Nhất là tính an toàn và hiệu quả của thảo dược. Chính vì vậy, nhiều người còn ngại không dám dùng. Đây cũng là một nghiên cứu lâm sàng lớn nhất từ trước tới nay khẳng định tính hiệu quả và an toàn của Y học cổ truyền trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Các vị thuốc trong Đông y
Còn TS. BS. Nguyễn Thế Thịnh (Trưởng khoa Ngoại, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) cũng không ngại ngần chia sẻ những kiến thức về mảng Đông y trong điều trị đái tháo đường. Các vị thuốc Đông y được sử dụng trong điều trị chứng “tiêu khát hóa đàm thang” bao gồm: lá lốt, khổ qua, sinh địa, kim ngân hoa, bồ công anh, cam thảo.
TS. BS Thịnh cho biết: Lá, thân và rễ của lá lốt chứa alkaloid và tinh dầu. Chữa đái tháo đường theo phương thuốc: rễ cây lá lốt, rễ rau ngót, rễ cườm gạo, cối xay, mỗi vị 20g. Các vị băm nhỏ sao qua, cho 4 bát nước, sắc nhỏ lửa còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Mỗi ngày dùng 8-12g lá phơi khô hay 15-30g lá tươi sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Hay chúng ta có thể chữa đái tháo đường không phụ thuộc insulin bằng cách: quả mướp đắng (khổ qua) còn xanh, thái mỏng, phơi khô, tán bột. Mỗi ngày uống 12-20g, chia 2-3 lần, uống sau bữa ăn với nước. Mỗi ngày dùng 15-20g.
Hoa kim ngân có tác dụng thu liễm do có chất tanin. Thuốc có tác dụng lợi tiểu. Các nghiên cứu cũng cho thấy kim ngân có tác dụng ngăn cản sự tích tụ mỡ ở bụng. Mỗi ngày dùng 12-16g, có thể đến 30g. Dạng thuốc sắc, hãm, cao, viên. Tuy nhiên, tỳ vị hư hàn không thực nhiệt, hoặc mồ hôi ra nhiều không nên dùng.
Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường hiện đang sử dụng đồng thời thuốc Tây và các loại thảo dược như mướp đắng, hoa nhài, hạt methi, lá sen… và các các loại thực phẩm đi kèm như gạo lứt, bí ngô, khoai lang, ổi… Và cũng thấy hiệu quả giảm đường huyết.
Thuốc Tây không thể bỏ, thảo dược chỉ là hỗ trợ
Khi được hỏi về sự kết hợp giữa thảo dược và thuốc Tây trong điều trị đái tháo đường, BS. Vũ Hoài Thu (Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) cho biết: Không có một loại thuốc nào thích hợp cho tất cả bệnh nhân nên cần căn cứ vào việc thiếu insulin nổi bật hay đề kháng insulin nổi bật, mức đường huyết ở mỗi người, việc tuân thủ, các bệnh lý đi kèm hay lý do kinh tế khác nhau…
Chiến lược kiểm soát tăng đường huyết ở bệnh đái tháo tuýp 2 là giảm tiết và kháng insulin. Đây là một bệnh lý tiến triển, do đó cần gia tăng chế độ điều trị từng bước trong nhiều năm. Chế độ ăn và hoạt động thể lực là yếu tố không thể thiếu được trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình trị liệu. Việc thảo dược kết hợp thuốc Tây tốt cho bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam cần phải nghiên cứu rõ hơn nữa.
Riêng BS. Trần Ngọc Thạch (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện E hà Nội) nhận định rằng: “Điều trị đái tháo đường nhất định không thể bỏ qua thuốc Tây, thảo dược chỉ là hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian qua khoa cũng tiến hành điều trị Đông Tây y kết hợp và thấy bệnh nhân đỡ hơn, không phải tăng liều thuốc uống cũng như thuốc tiêm cho bệnh nhân đái tháo đường”.
Nguyễn Hòa
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: