TP HCM có 57 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng với khoảng 80.675 giường bệnh. Trong đó bao gồm: 16 bệnh viện tầng 2, 20 bệnh viện tầng 3, 15 bệnh viện tầng 4, 4 bệnh viện tầng 5. Ngoài ra, thành phố còn 193 cơ sở cách ly y tế F0 ở các quận, huyện.
Ngày 10/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách, biểu đồ ca mắc Covid-19 dần “đi ngang”, số F0 được điều trị khỏi bệnh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo HCDC, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, nguy hiểm đã làm dịch bệnh “thấm sâu” vào cộng đồng; do đó diễn biến vẫn khó lường.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, theo tính toán của các chuyên gia quản trị bệnh viện (BV) thì 1.000 giường bệnh cần 2.000 nhân sự y tế. Nếu có 35.000 bệnh nhân thì phải cần 70.000 cán bộ y bác sĩ. Tính đến 6 giờ ngày 10/8, TP HCM đã có hơn 128.200 trường hợp nhiễm Covid-19.
Một số ý kiến cho rằng TP HCM đang thiếu nhân lực ở mọi tầng trong tháp điều trị 5 tầng, thậm chí ở trung tâm điều phối cấp cứu cũng thiếu nhân sự. 20 BV điều trị thuộc tầng 3 phần lớn là BV quận, huyện chuyển đổi công năng nên khó nhất vẫn là nguồn nhân lực. Cụ thể, BV Điều trị Covid-19 Củ Chi với 500 giường lúc nào cũng kín bệnh nhân. Song chỉ có khoảng 200 nhân viên làm việc nỗ lực gấp 2 – 3 lần bình thường. Các y bác sĩ phải “cắm chốt” tại BV để dễ dàng điều động trong điều trị bệnh nhân.
BV Hồi sức Covid-19 TP HCM cũng đang tiếp nhận điều trị cho 582 bệnh nhân, trong đó có 129 trường hợp bệnh nhân thở máy, 11 bệnh nhân lọc máu liên tục và 4 trường hợp đang chạy ECMO. Hiện BV này có 1186 người (bao gồm nhân lực y tế, phụ trợ, hỗ trợ,..). Ông Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy, hiện đang kiêm nhiệm công tác tại BV Hồi sức Covid-19 thông tin, trong tuần này BV Hồi sức Covid-19 sẽ đáp ứng được 700 giường theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế. Để công tác điều trị đạt hiệu quả, BV cần được bổ sung nhân lực để đáp ứng công tác điều trị ở quy mô này.
Đại diện một số BV của các tầng cũng cho biết, tăng số lượng giường đến đâu bệnh nhân lấp đầy đến đó, cho nên khó nhất vẫn là nguồn nhân lực y tế.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cũng cho biết khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 rất khó khăn. Các BV 3 tầng cuối gần như hoạt động hết công suất.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế liên tục kêu gọi mọi người cùng tham gia phòng, chống dịch. Ngày 9/8, Sở Nội vụ TP HCM cũng đã có văn bản về việc triển khai bố trí nguồn nhân lực của ngành y tế hiện cư trú tại các khu phong tỏa trên địa bàn. Sở Nội vụ đề nghị Sở Y tế, Giám đốc các BV, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện triển khai bố trí nguồn nhân lực của ngành y tế tại các khu phong tỏa tiếp tục tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng đã đề nghị các tổ chức Hội và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế huy động thêm những tình nguyên viên có chuyên môn y tế để tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.
Quan ngại số ca bệnh Covid-19 nặng có xu hướng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cấp tốc đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở. Đây là công việc hết sức cấp bách. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các BV lập danh sách các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm và dự kiến huy động làm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19. Đồng thời, liên hệ với các BV có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia để được đào tạo, tập huấn cấp tốc về cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới gánh nặng cho hệ thống điều trị sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên khi các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của BV Bạch Mai, BV Việt Đức và BV Trung ương Huế chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho các BV trên địa bàn thành phố.
TP HCM đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số 3.969 người, trong đó, 700 bác sĩ, 1.553 điều dưỡng, 78 Kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế khác và 1.629 sinh viên. Cụ thể: đợt 1, thành phố đã tiếp nhận 3.671 người; đợt 2, thành phố tiếp nhận 289 người. Cùng đó, đối tượng đăng ký tham gia tình nguyện cũng lên đến hơn 2.000 người. Như vậy, TP HCM đã nhận 6.000 nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch cho toàn địa bàn.