Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Khi giấc ngủ lên tiếng

Một người thiếu ăn vài tuần có khi vẫn sống, nhưng không ngủ 10 ngày có thể sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Giấc ngủ quan trọng là thế nhưng ít người ứng xử “đẹp” với nó. Hãy nghe… giấc ngủ lên tiếng!

Giấc ngủ cùng nhau… “kể tội”

Chủ của tôi là một cán bộ khoa học. Tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng ông ấy vẫn say mê với công việc đến nỗi có thể thức trắng nhiều đêm liền để nghiên cứu các “phát minh vĩ đại”. Ông yêu công việc hơn cả bản thân mình và vẫn tiếp tục hành hạ cơ thể bằng những đêm thức trắng. Chứng bệnh huyết áp thấp đôi khi đã khiến ông bị đột quỵ vì làm việc quá sức hoặc thiếu ngủ kéo dài. Vậy mà ông vẫn cố tình “chống lại” tôi bằng những ly cà phê đen đặc mỗi đêm hoặc chiếc khăn mát lạnh áp tạm bợ trên mắt. Tôi càng ra sức bảo vệ thì ông ấy lại càng tỏ ra coi thường sức khỏe của chính bản thân mình. Đôi lúc, tôi cảm thấy chán nản và tự ái vì thấy mình không được coi trọng.

Chẳng có gì phải hậm hực đến như thế, một giấc ngủ khác chen vào. Ít ra thì ông chủ của cậu cũng đã thức đêm vì công việc. Đằng này, cậu chủ của tôi lại đánh đổi sức khỏe chỉ bằng những ván game thâu đêm suốt sáng. Có hôm, cậu ta đổ gục ở ngay trên bàn máy tính vì quá kiệt sức, nhưng rồi khi tỉnh dậy vẫn lại tiếp tục lao vào những trò chơi vô bổ, rỗng tuếch ấy. Vừa thức đêm, vừa lười hoạt động, tinh thần cậu chủ mụ mị, cơ bắp thì rêu rão. Tôi bất lực và buông rồi. Mặc xác cậu ta xem sức chịu đựng được đến đâu!

Còn bà chủ của tôi thì khác, giấc ngủ kế bên có vẻ điềm đạm hơn. Bà ấy không thiết tha gì chuyện thức khuya nhưng lại có một thói quen xấu: trước khi lên giường, bà ấy lại mở tủ lạnh để chuẩn bị cho một bữa ăn đêm khá thịnh soạn. Hôm thì bánh mì kẹp xúc xích, hôm lại là pho mát, bánh quy, thịt nguội… Phớt lờ mọi kiến thức về y học, bà nhất định cho rằng càng ăn nhiều thì cơ thể càng hấp thu được nhiều chất… bổ. Tôi rất phiền muộn về điều này. Thực tế, một bữa ăn đêm quá nhiều dinh dưỡng không hề tốt cho giấc ngủ, vừa gây nặng bụng, tức thở, vừa khiến cho cơ thể ợ hơi và gây thức giấc vào giữa đêm. Nhưng tôi nói mà bà đâu có nghe.

Giấc ngủ chiếm 1/3 đời người, nên nó rất quan trọng đối với mỗi chúng ta. (Ảnh minh họa)

Giấc ngủ lập công

Chúng tôi - những giấc ngủ - quan trọng chẳng kém gì việc ăn, uống và hít thở của các ông bà chủ mỗi ngày. Con người càng ngày càng tiến hóa hơn các động vật khác, nhưng lại thua xa chúng về việc ngủ. Trung bình mỗi ngày một con mèo ngủ 12 tiếng, một con chó ngủ 11 tiếng, một con khỉ ngủ 10 tiếng. Con người ít ai hiện ngủ đủ 8 tiếng.

Xã hội càng phát triển, cường độ làm việc ngày một cao, tham vọng của con người không bao giờ là đủ. Nhưng thời gian là hữu hạn và con người không còn cách nào khác là “ăn cắp” thời gian ngủ của chính mình. Dần dần, họ coi đó là chuyên đương nhiên. Có điều, vấn đề không đơn giản thế.

Một đứa trẻ cần phải ngủ tối thiểu 10 tiếng mỗi ngày. Một người hơn 65 tuổi cần phải ngủ đủ 6 tiếng. Còn những người ở độ tuổi từ 22-55 phải dành ít nhất một phần ba thời gian trong ngày để ngủ. Đừng tưởng việc “ném” đi một phần ba đời người cho giấc ngủ là lãng phí.

Trong lúc ngủ, hệ thống miễn dịch của cơ thể vẫn hoạt động để chống lại bệnh tật và giúp cho cơ thể có khả năng đối phó với những tác động xấu. Giấc ngủ sâu giúp phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng và cơ thể luôn tràn đầy sinh lực. Khi bạn ngủ, cơ thể bạn đốt calo còn nhiều hơn khi bạn xem tivi.

Theo một số nghiên cứu khoa học, việc ngủ đủ còn có thể chống lại một số căn bệnh như cảm cúm, viêm nhiễm, ung thu vú ở phụ nữ…

Việc thiếu ngủ liên tục, kéo dài có thể gây ra những hậu quả về sức khỏe như tụt huyết áp, mệt mỏi, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mất cân bằng hormone, suy tim mạch, rối loạn tâm lý, suy giảm khả năng miễn dịch.

Hãy tưởng tượng, nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, công việc vì thế sẽ kém hiệu quả hơn, thậm chí kém an toàn hơn. Nhiều công nhân đã gặp nạn chỉ vì ngủ gật khi làm việc. Không ít lái xe gây tai nạn thảm khốc cũng bởi mơ màng sau vô lăng. Những cái chết đó thật đáng tiếc và vô lý. Thế nhưng, điều đó vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở đâu đó trên trái đất này.

Hãy lên giường với một tâm trạng thoái mái để có một giấc ngủ ngon suốt đêm. (Ảnh minh họa)

Chúng tôi muốn nói

Bỏ qua lòng tự ái bị tổn thương, bỏ qua cảm giác bị bỏ rơi khi các vị chủ nhân không đoái hoài đến, mong muốn của chúng tôi đơn giản chỉ là những người chủ của mình có được những giấc ngủ ngon để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hãy lắng nghe lời khuyên nhỏ của chúng tôi nếu bạn không thể điều khiển được giấc ngủ của mình. Trước khi lên giường, bạn nên chuẩn bị cho mình một không gian ngủ thật thoáng đãng và thoải mái.

Bạn không thể bắt đầu một giấc ngủ trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng hoặc ức chế. Bạn không thể áp đặt chúng tôi, trừ phi "cưỡng bức" bằng cách dùng thuốc đặc trị. Nếu khó ngủ, hãy thư giãn bằng cách ngâm chân vào chậu nước ấm pha muối loãng khoảng 10 phút và massage chân.

Ngoài ra, một ly sữa ấm trước giờ đi ngủ cũng giúp bạn dễ chịu và “dụ” được cơn buồn ngủ đến mau hơn. Đừng tự làm hại mình khi lạm dụng thuốc ngủ hoặc những chất kích thích khác như rượu, bia. Điều đó có thể gây ngủ tức thời nhưng nếu dùng thường xuyên sẽ khiến cho cơ quan thần kinh bị ảnh hưởng. Lẩn tránh giấc ngủ bằng cà phê cũng không phải là biện pháp tốt nếu bạn thức quá khuya và ngủ bù vào sáng hôm sau.

Bạn có tin được không, chỉ đến khi bạn chông chênh trước một đêm thao thức vì mất ngủ, chỉ đến khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi, kiệt sức nhưng không thể nào chợp mắt, bạn mới thấy giấc ngủ hàng đêm mà bản thân đã từng lãng phí lại quý giá đến nhường nào. Hãy nhắm mắt và hít thở thật sâu. Nào, chúng ta cùng… ngủ.

Hà Phương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/khi-giac-ngu-len-tieng-25245/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY