Dinh dưỡng hôm nay

Khỏe mạnh hơn nhờ ăn hạt vừng

(SKGĐ) Bí quyết tăng cường sức khỏe của bạn không chỉ là những thực phẩm sơn hào hải vị mà nhiều khi nó chính là một thứ không ngờ “bé hạt tiêu” nhưng mang lợi ích to lớn.

Chuyện kể về hạt vừng

Cái hạt bé xíu, hình ô van dẹt mang trên mình vô vàn dưỡng chất quan trọng và một mùi thơm phúc không thể lẫn với bất kỳ một mùi nào. Hạt vừng là thứ gia vị lâu đời nhất của con người, những nhà nghiên cứu dự đoán, nó có mặt trên trái đất từ năm 1.600 Trước Công Nguyên.

Câu nói nổi tiếng trong câu chuyện cổ Ả Rập “Vừng ơi, mở ra”, đã phản ánh đặc trưng khác thường của vỏ hạt vừng, có thể mở bung ra khi trưởng thành. Hạt vừng được trồng ở các vùng nhiệt đới trên khắp thế giới từ thời tiền sử, những huyền thoại cho thấy nguồn gốc của nó còn xa xưa hơn.

Trong huyền thoại của người Atxiri, khi các vị Chúa trời gặp nhau để sáng tạo nên thế giới, họ đã uống loại rượu vang làm từ hạt vừng. Trong truyền thuyết của người Hindu hạt vừng đại diện cho một biểu tượng của sự bất tử và niềm tin. Do vậy, nó được xem như một loại dầu tốt để sử dụng trong các nghi lễ và lời cầu nguyện của người Hindu.

Vừng có hai loại vừng đen và vừng trắng, còn gọi là mè. Các nhà khoa học hiện đại đã tìm ra giá trị dinh dưỡng to lớn trong hạt vừng nhỏ xíu để nó được nâng niu như một món ăn quý.

Ăn vừng giúp xương chắc khỏe

Nếu hạt vừng thường xuyên có mặt trong thực đơn của bạn thì nó sẽ là một trợ thủ đắc lực cho hệ xương từ bây giờ cho đến khi bạn về già. Bởi vì trong 1/4 cốc hạt vừng là nguồn cấp 35.1% nhu cầu canxi; 74% nhu cầu đồng một ngày.

Đồng có vai trò quan trọng trong hệ enzym chống viêm và chống ôxy hóa nên nó giúp giảm một số cơn đau và sưng tấy của viêm khớp mạn tính. Ngoài ra, đồng cũng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của lysyl oxydase-một enzyme cần thiết cho việc tạo ra các liên kết chéo giữa collagen và elastin (chất nền tạo nên cấu trúc, sức bền và độ đàn hồi của mạch máu, xương và khớp).

Một lý do nữa để hạt vừng có thể trở thành vệ sỹ của xương là kẽm của vừng góp phần tăng tỷ trọng chất khoáng trong xương, đẩy lùi bệnh loãng xương, gãy xương. Do đó, những người lớn tuổi, đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh nên bổ sung vừng trong những bữa ăn hàng ngày.

Ăn vừng giúp giảm cholesterol

Thành phần hạt vừng chứa 2 dưỡng chất là: sesamin và sesamolin. Cả hai chất này đều thuộc về một nhóm chất xơ đặc biệt gọi là lignan và có tác dụng giảm cholesterol trong máu, chống cao huyết áp và tăng nguồn cung cấp vitamin E. Dầu vừng đen cũng có tác dụng hạ thấp cholesterol trong máu vì chứa nhiều axit béo không bão hòa.

Bên cạnh đó người ta còn tìm thấy phytosterol, là hợp chất thường có trong các loại thực vật, có cấu trúc hóa học gần giống cholesterol, nếu bổ sung lượng vừa đủ trong khẩu phần ăn, nó có thể giảm mức cholesterol trong máu, làm tăng các phản ứng miễn dịch, chống lão hóa và giảm nguy cơ ung thư.

Những tác động có lợi của phytosterol kỳ diệu đến mức chúng đã được chiết xuất từ đậu nành, hạt vừng, ngũ cốc, dầu thông và thêm vào các thực phẩm chế biến, chẳng hạn như chất phết thay thế bơ, và rồi được chào bán như là một thực phẩm ít cholesterol. Thêm nữa hạt vừng được rắc làm đẹp trong một số món ăn vừa thơm ngon vừa dinh dưỡng.

Ăn vừng bổ não, dưỡng sinh

Vừng có chứa nhiều vitamin PP, B1, protein (20,1%), lipid (46,4%) và glucid (17,6%) là các chất giúp tăng cường trí lực và nhiều acid béo không bão hòa có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch, giúp các mạch máu đến não lưu thông.

Ngoài ra, điều này còn có lợi cho sự phát triển của hệ thần kinh ngăn ngừa hiện tượng cao huyết áp, co thắt mạch máu của dây thần kinh não, tránh đau nửa đầu, giảm đau tim và đột quỵ.

Đặc biệt hạt vừng rất có lợi cho phụ nữ tuổi mãn kinh trong việc điều hòa giấc ngủ ban đêm. Bạn nên lưu ý khi kết hợp vừng với thức ăn khác vì protein của vừng nghèo lysin nhưng lượng methionin tương đối cao, do đó nên kết hợp vừng với đậu tương hay ngô trong khẩu phần ăn để bổ sung đầy đủ khẩu phần dinh dưỡng cho cơ thể.

Các tác dụng khác của hạt vừng

Trị táo bón: Hàm lượng chất dầu trong vừng có tác dụng nhuận tràng dễ đại tiện nên rất phù hợp với những người đại tiện táo hoặc khô do âm tân khí huyết hư tổn.

Tăng tiết sữa: Vừng vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ gan thận, bổ dưỡng tinh huyết, nên tốt cho sản phụ bị tinh huyết hư tổn, giúp kích thích tuyến sữa.

Chống lão hóa: Trong vừng rất giàu chất chống ôxy hóa và axit folic, nicotinic hữu ích, vitamin E… những chất này sẽ giúp cơ thể chuyển hóa tốt nhất và cân bằng hormone ngăn ngừa các gốc tự do không có lợi.

Chú ý: Tỳ yếu hay bị tiêu chảy thì không nên ăn nhiều vừng vì vừng sẽ kích thích bệnh nặng hơn.

Món ăn bổ dưỡng từ vừng

1. Vừng đen ăn với chân giò hầm: Vừng đen 250 gam, rang chín, giã mịn. Mỗi lần ăn 10-15g, ăn kèm với canh chân giò hầm, ngày 2-3 lần. Dùng cho bà mẹ cho con bú, ít sữa.

2. Cháo vừng: Vừng đen nấu cháo với gạo tẻ. Ăn nóng hoặc nguội vào các bữa điểm tâm, bữa phụ. Dùng cho các trường hợp tóc bạc sớm, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu, táo bón.

3. Nước mật ong vừng: Lấy quả dâu khô và vừng với lượng bằng nhau nghiền từng thứ thành bột, trộn đều, mỗi lần lấy một thìa trộn với một thìa mật ong, pha với nước sôi uống, dùng cho mọi người,có tác dụng dưỡng sinh, bổ não.

Hoàng Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/khoe-manh-hon-nho-an-hat-vung-18460/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY