Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Không muốn ung thư đường tiêu hoá “ghé thăm”, phải nhớ kỹ 5 quy tắc sau đây

Ung thư đường tiêu hoá là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Nếu muốn ngăn chặn bệnh ngay từ ban đầu, điều bạn cần làm là nhớ kỹ và nắm rõ 5 quy tắc sau đây.

Các bác sĩ nội khoa cho biết, ung thư có thể xảy ra bất kỳ ở đoạn nào của đường tiêu hoá, từ thực quản đến dạ dày, ruột non, ruột già (đại tràng), trực tràng và hậu môn nên được gọi chung là ung thư đường tiêu hoá. Dựa trên nhiều thống kê, căn bệnh ung thư dạ dày là một trong các loại ung thư đường tiêu hoá phổ biến nhất, cũng như có tỷ lệ tử vong cao thứ 3 tại Việt Nam với 14.615 trường hợp. Ngoài ra, cố ca mắc mới ở cả hai giới là 17.906.

Khi mới khởi phát bệnh, có rất nhiều bệnh nhân cho biết ho thường xuyên gặp các triệu chứng như: cảm giác khó tiêu, thỉnh thoảng bị đầy bụng, táo bón. Nhưng, vì chủ quan và cho rằng đó chỉ là do rối loạn tiêu hóa, đau bao tử hoặc dạ dày nên không đi khám mà chỉ uống thuốc theo đơn của các tiệm thuốc địa phương. Sau đó thì các cơn đau bụng xuất hiện, thỉnh thoảng dấy lên rồi lại rồi hết. Chỉ cho đến khi tình trạng trở nên nặng hơn, một số trường hợp không thể đi tiêu được mới bắt đầu đến bệnh viện thăm khám. Khi nhận kết quả mới biết mình bị ung thư.

Do một phần là triệu chứng bệnh khá giống với những căn bệnh tiêu hoá thông thường, một phần là chi phí thăm khám và điều trị bệnh rất đắt đỏ, tốt hơn hết mọi người nên có ý thức bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh ngay từ sớm (Ảnh: Internet)

Mọi căn bệnh về đường tiêu hoá có thể dẫn tới ung thư đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Điều bạn cần làm ngay bây giờ là thay đổi lại lối sống, thông qua 5 quy tắc sau đây:

1. Tăng cường chất xơ, hạn chế chất béo xấu

Rau xanh, trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin dồi dào và lành mạnh cho cơ thể. Đặc biệt, chất xơ rất quan trọng đối với đường tiêu hóa. Không chỉ giúp đường ruột khỏe mạnh, hạn chế tình trạng táo bón, đi ngoài, rối loạn tiêu hóa, chúng còn giúp cơ thể phòng ngừa nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.

Song song với việc tăng cường chất xơ, bạn cũng cần loại bỏ những chất béo xấu gây ảnh hưởng tới cơ thể. Mỡ động vật, kem, đồ chiên, thức ăn nhanh, dầu tái chế nhiều lần,.... đều là những chất béo xấu mà bạn cần hạn chế tới mức thấp nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế việc sử dụng các thực phẩm đóng hộp, đồ nướng than, thực phẩm nhiều chất phụ gia vì chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, cholesterol, ảnh hưởng tới tim mạch và huyết áp.

Để có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ và chất béo tốt như omega 3, omega 6 - có từ các loại cá béo, hoặc dầu thực vật chính là điều các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ khuyên dùng (Ảnh: Internet)

2. Thiết lập thói quen ăn uống khoa học và đúng giờ

Tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người khi xây dựng thói quen trong ăn uống, mà nó sẽ mang đến ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực cho hệ tiêu hoá của bạn. Các vấn đề về đường ruột như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau dạ dày,... sẽ xuất hiện nếu bạn thường xuyên ăn uống lệch giờ hoặc bỏ bữa, về lâu dài sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng mà trong đó sẽ có cả ung thư đường tiêu hoá.

Do đó, để tránh mắc bệnh, các bác sĩ khuyên mọi người cần đảm bảo giờ ăn cố định để tránh ăn khi quá đói hoặc quá no. Điều này có thể giữ hệ tiêu hóa hoạt động đều đặn, ổn định. 

3. Bổ sung đủ nước và các chất dinh dưỡng 

70% cơ thể của chúng ta là nước, điều đó cho thấy nước có vai trò quan trọng như thế nào để duy trì các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là với hệ tiêu hoá của chúng ta. Bạn có biết, nước đóng vai trò ngăn ngừa táo bón, giúp các hoạt động tiêu hóa hay đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể tốt hơn? Do đó, việc bổ sung nước cho cơ thể mỗi ngày là điều cực kỳ quan trọng. Không chỉ nước lọc, mọi người có thể bổ sung các loại nước điện giải, trà thảo mộc, trà trái cây không có chứa caffeine. Bạn cũng có thể tăng cường lượng nước và vitamin từ các loại quả mọng, giúp đẹp da, đẹp dáng và ngăn ngừa nguy cơ ung thư đường ruột.

Mỗi ngày, cơ thể người bình thường cần được bổ sung 1,5 - 2 lít nước. Khi thời tiết nắng nóng hoặc sau khi chơi thể thao, làm việc ngoài trời, ta rất bị mất nước. Khi này, bạn cần bổ sung nước ngay cho cơ thể (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, để hệ tiêu hóa được bảo vệ tốt và khỏe mạnh mỗi ngày, bạn đừng quên tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng như probiotic, kẽm, glutamine. Những chất này có khả năng làm giảm tình trạng đầy hơi, ợ chua, tiêu chảy, viêm đại tràng hay rối loạn tiêu hóa cực kỳ hiệu quả.

4. Tránh xa các thói quen xấu gây hại cho hệ tiêu hoá

Khi nhắc đến các thói quen xấu trong sinh hoạt có thể gây hại hệ tiêu hoá và là yếu tố phổ biến dẫn tới ung thư, không thể không nhắc đến: lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, hay ăn khuya.

Đầu tiên, về thói quen uống rượu bia. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ra ợ nóng, ợ chua, trào ngược hoặc viêm loét dạ dày. Uống quá nhiều rượu - nhất là khi đói còn làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa, viêm, ruột, loét dạ dày, ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng chất kích thích, nghiện thuốc lá cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trào ngược axit trong đường tiêu hóa gấp 2 lần, gây tình trạng loét dạ dày, đại tràng và khiến tình trạng ung thư đường tiêu hóa ngày càng nặng hơn.

Từ bỏ thuốc lá cũng giúp bạn ngừa được nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư đường hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi (Ảnh: Internet)

Thói quen ăn khuya cũng gây hại tới đường tiêu hóa rất nhiều. Thông thường, cơ thể chúng ta mất khoảng 3 - 4 giờ để tiêu hóa hết thức ăn, trong khi buổi đêm là thời điểm để các cơ quan nội tạng thực hiện chức năng lọc và thải độc. Nếu bạn ăn quá khuya, đường tiêu hóa hoạt động liên tục không được nghỉ ngơi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hoá, thậm chí là dẫn tới ung thư tại các cơ quan như dạ dày, gan và thận.

5. Không vận động mạnh sau khi ăn

Trong thời gian từ 1 đến 3 tiếng sau khi ăn, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn. Vì thế, ta không nên chạy nhảy hoặc vận động mạnh trong khoảng thời gian này vì nó sẽ khiến lượng máu vốn đi đến hệ tiêu hoá sẽ phải phân bổ nhiều cho cơ bắp, dẫn đến máu không đủ cho cơ quan tiêu hóa, ảnh hưởng đến công năng của hệ tiêu hoá và dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Bạn thấy đó, thói quen trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của chúng ta, đối với hệ tiêu hoá cũng như thế. Vì vậy, muốn duy trì sức khoẻ và hạn chế nguy cơ mắc ung thư, bạn nên xây dựng một lối sống lành mạnh hơn. Đặc biệt là hãy nắm rõ 5 quy tắc này, giúp tăng cường sức khoẻ và hạn chế mắc bệnh tật.

Xem thêm: Hãy cẩn thận với căn bệnh ung thư dạ dày, nó chính là nguyên nhân gây ra 15.000 ca tử vong mỗi năm

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/khong-muon-ung-thu-duong-tieu-hoa-ghe-tham-phai-nho-ky-5-quy-tac-sau-day-35829/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY