Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Kỳ Nam và những truyền kỳ bí ẩn

Không chỉ có giá trị về mặt y học, theo tài liệu ghi chép, Kỳ Nam còn gắn với gía trị tâm linh huyền bí.

Trước đây đã có thông tin về nhóm người ở tỉnh Gia Lai trong chuyến đi tìm trầm đào được gần 3kg Kỳ Nam có giá trị hơn 20 tỷ đồng đã tạo nên làn sóng kỳ vọng mình sẽ là người may mắn tiếp theo. Thế là nhiều nhóm người thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai… đã ồ ạt gia nhập phong trào tìm Kỳ Nam được hình thành.

Trên thế giới, Kỳ Nam chủ yếu phân bố ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia, nhưng các chuyên gia đều đánh giá rằng, chỉ có Kỳ Nam ở Việt Nam mới có nhiều hoạt chất nhất và tốt nhất.

Hiện nay, nếu giá thị trường Kỳ Nam trên thế giới là 200 triệu đồng/1kg thì giá 1kg Kỳ Nam có xuất xứ ở Việt Nam phải lên tới mức kỷ lục là khoảng 7 tỷ đồng/1kg. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao chỉ cần một thông tin về sự xuất hiện của Kỳ Nam là có thể lôi kéo cả một khối người đông đúc đi săn tìm.

Nhưng, “tuần chay nào cũng có nước mắt”, những cuộc săn tìm Kỳ Nam thường luôn khổ cực nhiều mà kiếm chẳng được bao nhiêu. Hàng nghìn người trèo đèo lội suối đi tìm phải quay về với tay trắng là chuyện thường ngày. Đó là chưa kể đến những người chẳng may bị mất mạng trong chốn rừng thiêng nước độc.

Ảnh minh họa

Hư và thực chuyện về Kỳ Nam

Dựa vào những chuyện kể truyền kỳ thì Kỳ Nam gắn liền với rất nhiều câu chuyện mê hoặc người nghe. Theo lời kể của những lão nông cố cựu ở các vùng Kỳ Nam tập trung sống như: Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận thì không phải cứ đi vào rừng một cách cần mẫn và kiên trì là có thể kiếm được Kỳ Nam. Họ tin rằng, chỉ những người lương thiện mới được Thiên Y Ana (hóa thân của cây Kỳ Nam) cho gặp.

Theo truyền thuyết, Thiên Y Ana là một vị nữ thần xinh đẹp của dân tốc Chăm thường hay dạo chơi trong cánh rừng ở Đăk Lăk, Khánh Hòa. Mỗi khi hương thơm của nữ thần tỏa ra thì chúng chỉ chọn cây Kỳ Nam để quyện vào. Chính vì thế mà Kỳ Nam lại có mùi thơm đặc biệt.

Vì vậy, trước khi đi rừng tìm kiếm, người dân phải chọn ngày lành tháng tốt để xuất hành. Trước đó họ còn phải ăn chay suốt 3 ngày, tránh chung đụng với phụ nữ. Trong khi đi rừng thì không được có ý nghĩ ám muội trong đầu, không được nói chuyện đùa cợt, không gây gổ đánh nhau...

Cho đến thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện chỉ mới có 2 tài liệu nghiên cứu về cây tó và Kỳ Nam, xưa nhất là của Lê Quý Đôn (Phủ biên tạp lục), và gần đây là của GS. Đỗ Tất Lợi.

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” GS.TS Đỗ Tất Lợi nhận định: Kỳ Nam có tác dụng khử độc trong không khí, làm trong sạch môi trường sống. Khói Kỳ Nam được người dân dùng để trừ tà, nước Kỳ Nam thì được dùng để vẩy lên xác ướp bảo quản… Phải mất một thời gian rất lâu để một cây Kỳ Nam có thể hình thành và khai thác được.

Khi hình thành, Kỳ Nam có đủ vị cay, ngọt, đắng chua, và đặc biệt là rất thơm. Mỗi thân Kỳ Nam có thể phát ra đến hơn 170 mùi thơm không hề lẫn vào đâu và lưu hương rất lâu trong không khí… Nhiều sách cổ của Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ghi nhận tinh dầu từ Kỳ Nam có thể là chất liệu tạo nên nước hoa và mỹ phẩm đắt tiền điển hình của phương Đông. Với những đặc điểm kỳ lạ và khác thường này mà Kỳ Nam trở thành quý hiếm và cả linh thiêng.

PGS.TS Đinh Xuân Bá (Nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin), người nghiên cứu lâu năm về Kỳ Nam cho biết: “Xung quanh nguồn gốc của loài cây này hiện vẫn còn có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Phần đông các nhà khoa học đều cho rằng Kỳ Nam được hình thành bởi cây Gió tiết ra nhựa nhằm tiêu diệt côn trùng và các loại nấm để bảo vệ vết thương. Một số ý kiến khác lại cho rằng, do thân cây Gió bị bọng, loài ong chọn đó làm nơi xây tổ, chúng sẽ để mật tích trữ trong lòng thân cây. Lâu ngày, hương mật ong sẽ thấm đẫm vào từng thớ thịt cây hòa trộn với nhựa cây mà tạo thành kỳ nam quý báu”.

Nhưng theo hiện nay, quan điểm của Đông y về nguồn gốc của Kỳ Nam đang được cho là cách hiểu đúng nhất. Kỳ Nam có xuất xứ từ gỗ thân già mục của cây Gió chuyển hóa mà thành; hoặc do một loại nấm gây nhiễm mục nát thân cây Gió rồi chuyển hóa tạo nên. Cây Gió là một loài đại mộc có thể cao 40-50m, vỏ màu xám có nhiều sợi có thể làm giấy được, gỗ mềm màu trắng.

Chớ nhẫm lẫn Kỳ Nam với Trầm Hương

Nhiều người lâu nay vẫn nhầm lẫn Kỳ Nam và Trầm Hương, họ nói rằng, hai loại này là một, vì cũng có nguồn gốc xuất phát từ cây Gió. Nhưng Kỳ Nam và Trầm Hương là hai loại hoàn toàn khác nhau. Được nhìn nhận dưới gốc độ tâm linh nên Kỳ Nam được cho là quý hiếm hơn Trầm Hương một bậc dù Trầm Hương có nhiều giá trị chữa bệnh hơn và ứng dụng trong đời sống hơn Kỳ Nam.

Trầm Hương được khai thác từ phần thân, còn Kỳ Nam thì được khai thác chủ yếu ở bộ phận rễ của cây Gió. Và Kỳ Nam không phải là cái lõi của Trầm Hương như nhiều người vẫn nghĩ. Cây Gió nếu đã tạo nên Trầm Hương thì không có nghĩa là cũng có thể tạo nên Kỳ Nam. Và một cây Gió có Kỳ Nam thì cũng không nhất nhất phải có Trầm Hương.

Kinh nghiệm của những người đi tìm Kỳ Nam lâu năm cho biết, khi gặp những cây Gió cao 30-40m trở lên, lá đã vàng và nhỏ dần dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kiến hoặc gốc có gò mối đóng thì cây Gió đó có thể có Kỳ Nam.

Muốn phân biệt Trầm Hương và Kỳ Nam, các nhà nghiên cứu khuyên, người dân cần quan sát kỹ lưỡng: Gỗ Kỳ Nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm; chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lơ lững trong không khí rất lâu. Còn gỗ Trầm Hương nhẹ hơn, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Khi đốt cháy trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí.

Bạn có biết?

- Theo kinh nghiệm dân gian, để phân biệt Kỳ Nam tốt xấu, người ta quan sát vào loại nào có sớ nhuyễn mịn, có nhiều tinh dầu là tốt, còn loại nào rắn chắc và ít dầu là xấu. Hay gói Kỳ Nam trong lá chuối thật kín rồi đem phơi nắng, đến tối đem vào nếu có nhiều chất dầu chảy ra là tốt.

- Muốn giữ Kỳ Nam được tốt và lâu thì nên bọc vào giấy thiếc hoặc bỏ vào hộp có nắp đậy kín để tinh dầu khỏi bay hơi hoặc chảy bớt.

- Theo Đông y, Kỳ Nam dùng để trị các chứng độc thủy do phong thổ gây nên, làm tiêu chứng chướng mãn, no hơi, đau bụng, ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ được nghịch khí, thông chứng bế do khí hư gây nên.

- Thường không cho Kỳ Nam vào chung với các vị thuốc khác, cũng như không qua đun nấu mà dùng bằng cách mài ra rồi uống.

- Có thể trích tinh dầu Kỳ Nam để pha chế các loại nước hoa; làm vòng đeo tay, hạt chuỗi vừa để trang sức (hương thơm lưu giữ hằng mấy chục năm) vừa có công dụng trị gió, tránh được cảm mạo.

Hương Hương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/ky-nam-va-nhung-truyen-ky-bi-an-18482/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY