Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hầu hết các loại nội tạng động vật như gan, tim, bầu dục, óc… đều chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin, và đặc biệt là hàm lượng cholesterol cực cao so với phần thịt. Trong 100g óc lợn có tới 2.500mg cholesterol, trong 100g lòng đỏ trứng gà có 1.790mg cholesterol, tiếp theo đó là gan gà, gan vịt, bầu dục bò dao động từ 400-440mg cholesterol/100g. Về đạm thì gan lợn dẫn đầu về hàm lượng, cứ trong 100g gan lợn có tới 18,9g đạm. Đứng kề bên dưới là gan gà, gan bò, gan vịt. Về lượng vitamin, trong 100g gan gà có 6.960mcg vitamin A, trong gan lợn là 6.000mcg, trong gan bò có 5.000mcg…
Dù giá trị dinh dưỡng của nội tạng cao, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng loại thực phẩm này. Tốt nhất, mỗi tuần chỉ nên ăn nhiều nhất 2-3 lần, mỗi lần từ 50-70g đối với người lớn và 30-50g đối với trẻ em. Bà mẹ mang thai, trẻ em suy dinh dưỡng hay đang trong giai đoạn phát triển thì việc dùng nhiều hơn hàm lượng trên là có thể.
Càng bổ càng khỏe?
Các nhà khoa học đã chứng minh, không phải cứ ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng là tốt. Đối với các đối tượng đặc biệt như: người bị tim mạch, tăng huyết áp, người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, người bị tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đuờng, bị gout, thừa cân béo phì... thì nội tạng động vật lại trở nên cực kỳ nguy hiểm. Bởi đây là những bệnh tuyệt đối tránh nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.
Vì thế, khi được nạp quá nhiều dưỡng chất từ nội tạng động vật, các cơ quan trọng yếu của cơ thể như gan, thận, tim sẽ rất vất vả trong việc lọc, hấp thu và tìm cách đẩy số dưỡng chất thừa ra ngoài.
Quan niệm “ăn gì bổ nấy” không phải lúc nào cũng đúng. Bằng chứng là, với người bị suy thận, thận hư nhiễm mỡ thường bị rối loạn chuyển hóa lipid, lượng cholesterol trong máu tăng cao mà ăn nhiều thận thì chỉ khiến bệnh tình càng nặng thêm.
Hay như quan niệm “ăn óc bổ óc” nên nhiều người hay cho trẻ ăn óc lợn để giúp trẻ thông minh hơn... Việc bổ sung đạm để trẻ phát triển trí não là rất đúng, nhưng việc cho trẻ ăn nhiều óc lợn chưa chắc đã phù hợp với tiêu chí này, vì óc lợn cung cấp quá nhiều chất béo và cholesterol nên dễ gây thừa cân béo phì, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.
Ngoài ra, nếu bạn biết một người bình thường chỉ có nhu cầu từ 250-300mg cholesterol mỗi ngày. Còn với những người bị đau đầu do tăng huyết áp thì nhu cầu đó còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, chỉ 100g óc lợn, lượng cholesterol đã gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày, thì bạn sẽ hiểu được mức độ nguy hiểm của việc ăn quá bổ như thế nào.
Nội tạng không phải lúc nào cũng sạch
xml:namespace prefix="o" /> Nạn ngộ độc vì ăn nội tạng lợn nhiễm chất clenbuterol không còn xa lạ gì. Clenbuterol thường được lén lút sử dụng trong chăn nuôi nhằm mục đích ngăn chặn hiện tượng tích mỡ tự nhiên sao cho lợn đạt được tỷ lệ thịt nạc cao nhất. Clenbuterol lại không hề bị phân hủy hoặc bay hơi khi nấu chín. Nó tồn dư ở tất cả các bộ phận của lợn nhưng nội tạng là nơi tồn dư nhiều chất độc hơn cả. Vì vậy, khi ăn nội tạng bị nhiễm độc clenbuterol, người ăn sẽ có những triệu chứng như: rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ...
Những vụ ngộ độc và nhập lậu nêu trên là cơ sở để nhiều người có lý khi nghi ngờ chất lượng của nội tạng động vật. Chỉ có một cách duy nhất để phát huy ưu điểm “ngon, bổ, rẻ” của loại thực phẩm này là phải biết chọn mua nội tạng của những con vật khỏe mạnh, không bị bệnh, đã qua kiểm dịch.
Nên mua nội tạng khi còn tươi, màu đỏ sẫm, ấn vào bề mặt thấy đàn hồi tốt, nhẵn, không nốt sần, nổi cục hoặc có mùi hôi. Riêng gan, ngoài các tiêu chí trên, khi mua về cần cắt lát mỏng rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy thấm khô hết máu ứ. Như vậy, các chất độc có trong máu của gan sẽ được loại bỏ, chỉ còn các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.
Hồng Minh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: