Dinh dưỡng hôm nay

Lưu ý về ăn uống cho người bệnh cao huyết áp

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa cảnh báo cao huyết áp là một trong 10 bệnh nguy hiểm nhất hiện nay có thể làm giảm 10-20 năm tuổi thọ. Trong khi đó, việc kiểm soát chỉ số huyết áp ở người bệnh còn thấp do không kiểm soát tốt chế độ ăn. Chúng tôi đã phỏng vấn các chuyên gia để giúp bạn tìm ra chế độ ăn hợp lý.

TS.BS. Viên Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai: Người dân mới biết ăn ngon chưa biết ăn đúng

Tiến sĩ Đoan nhấn mạnh: Ngày nay chất lượng đời sống đã được nâng cao, người dân không còn phải lo đến việc ăn cho đủ nữa, nhưng người ta cũng mới chỉ đến việc ăn sao cho ngon, chứ không phải là ăn sao cho đúng, đặc biệt là với bệnh nhân tim mạch chế độ ăn có ảnh hưởng không nhỏ tới việc chữa bệnh.

Theo điều tra tại 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam của Viện Tim mạch Quốc gia cho thấy tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim ở người lớn (10%). Cũng theo số liệu của Viện Tim mạch thì 46% bệnh nhân điều trị tại đây có liên quan tới tăng huyết áp. Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân của 1/3 số ca tai biến mạch máu não điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.

Một trong những thói quen ăn cho vừa miệng chứ không đúng theo nhu cầu cơ thể đó là thói quen ăn mặn. Những vùng dân cư thường có tập tục ăn uống với chế độ ăn mặn hơn có tỷ lệ người bị tăng huyết áp cao hơn những vùng khác.

Ở nước ta, tình trạng ăn mặn cũng đáng báo động. Ví dụ điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho kết quả: tại Hà Nội, chế độ ăn trung bình khoảng 9g muối/ ngày, tỷ lệ dân bị tăng huyết áp gần 11%. Trong khi đó, tại Nghệ An, địa phương có tập quán ăn mặc hơn với chế độ ăn trung bình 14g muối/ngày, tỷ lệ dân bị tăng huyết áp cao hơn hẳn là gần 18%.

Thói quen uống rượu cũng khiến bệnh tăng huyết áp tăng cao. Theo tờ Daily Mail (Anh), sau khi phân tích 8 cuộc nghiên cứu trên gần 12.000 người, các nhà khoa học thuộc Đại học Bristol (Anh) phát hiện ra rằng đàn ông uống 3 đơn vị rượu/ ngày (khoảng 2 ly nhỏ) có nguy cơ bị tăng huyết áp cao gấp 2,42 lần so với người không uống rượu.

Cùng với đó, chế độ ăn nhiều cholesterol (thường ăn phủ tạng động vật, ăn nhiều dầu mỡ…) cũng ảnh hưởng đến việc tăng huyết áp. Mức độ cholesterol xấu cao có thể làm cho cholesterol dính vào thành động mạch và các mạch máu khác. Nó sẽ chặn đường lưu thông máu khiến tim phải làm việc nhiều hơn và một lượng máu lớn chuyển vào thành động mạch dẫn đến cao huyết áp.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Ăn đúng cho bệnh nhân tăng huyết áp là:

Ăn nhạt: Nếu người bình thường được khuyến cáo ăn dưới 6g muối/ ngày thì người bị tăng huyết áp nên ăn nhạt hơn, chỉ khoảng từ 2-4g muối/ngày. Muối ở đây được tính từ tất cả các nguồn như nước chấm, gia vị, bột nêm Ngoài ra trong vài thực phẩm cũng chứa hàm lượng muối cao như thực phẩm đóng hộp, bánh mì, mì ăn liền…

Người bị tăng huyết áp nên tránh hoặc hạn chế các thực phẩm đó, ví như hạn chế ăn thịt đóng hộp; khi dùng mì ăn liền chỉ nên bỏ một phần gia vị; tránh các loại dưa, cà muối.

Ăn nhiều rau xanh, quả chín: Trong loại thực phẩm này chứ nhiều kali, magie có tác dụng lợi tiểu, giúp thải bớt lượng muối đã dung nạp vào cơ thể, từ đó giúp giảm huyết áp.

Người bị tăng huyết áp nên ăn nhiều rau xanh quả chín hơn những người khác. Nếu một người bình thường được khuyến nghị nên ăn 300g rau xanh mỗi ngày thì người bị tăng huyết áp nên ăn 500g mỗi ngày; và có thể ăn 100-300g quả chín mỗi ngày.

Những loại hoa quả giàu kali là chuối, quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, nho khô, quả mơ khô, sữa chua…

Hạn chế ăn chất béo: Có khoảng 50% người bệnh tăng huyết áp có kèm bệnh mỡ máu cao, vì vậy người bệnh tăng huyết áp nên tránh ăn thịt mỡ, không nên ăn nước thịt mỡ, phủ tạng động vật, hạn chế ăn thịt động vật và chỉ nên ăn các loại thịt với mức độ vừa phải. Thay vào đó, người tăng huyết áp nên tăng cường ăn cá, khoảng 3-4 lần/ tuần. Đồng thời nên ăn các chế phẩm từ đậu tương như nước đậu nành, đậu phụ…

Bỏ rượu: Rượu góp phần làm tăng huyết áp, đặc biệt là về mùa đông nên có thể gây ra các tai biến.

Uống nhiều nước: Người bệnh cũng cần phải uống đủ lượng nước hàng ngày, có thể thay nước trắng bằng các loại nước chè xanh, nước vối… Hợp chất tự nhiên trong chè xanh có thể phòng ngừa tăng cholesterol trong máu, hạn chế máu đông nghẽn mạch, giảm xơ vữa động mạch - các vấn đề thường xảy ra với người bệnh tăng huyết áp.

Cung cấp đủ khoáng chất: Nếu thông qua chế độ ăn trên thì bệnh nhân được cung cấp tương đối đủ vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần phải bổ sung calci (khoảng 700-1.000g/ngày) thông qua việc uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa, đây là nguồn cung cấp canxi lớn nhất. Ngoài ra có thể bổ sung canxi thông qua các loại thực phẩm hàng ngày như bông cải xanh, cải chíp, mộc nhĩ, nấm, kiwi, hạnh nhân, tôm, cua, cá…

PGS Lâm cũng cho biết, những người mắc một số bệnh tim mạch khác như mỡ máu cao, mạch vành…cũng nên áp dụng chế độ ăn này.

Bình Nguyên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/luu-y-ve-an-uong-cho-nguoi-benh-cao-huyet-ap-15827/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY