Dịch vụ Công viên quốc gia Mỹ (NPS) cho biết, Giantess - một trong những mạch nước phun lớn ở Công viên quốc gia Yellowstone, đã phun trở lại sau hơn 6 năm rưỡi không hoạt động. Trong quá khứ, Giantess đã phun trào từ 2-6 lần mỗi năm.
Đoạn video được ghi lại bởi camera của NPS cho thấy Giantess bắt đầu phun trào mạnh trước nhiều khách tham quan công viên. Theo trang web của NPS, các vụ phun trào “không thường xuyên xảy ra nhưng mạnh mẽ” là đặc điểm nổi bật của mạch nước phun này.
Hoạt động của mạch nước phun có thể khiến khu vực xung quanh rung chuyển do các vụ nổ hơi nước dưới lòng đất ngay trước những vụ phun trào ban đầu. Theo NPS, các vụ phun trào có thể xảy ra 2 lần mỗi giờ và tiếp tục trong 4 đến 48 giờ. Khi mạch nước phun hoạt động, nó thường bắn ra một dòng nước cao từ 30 đến 60 mét.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết Giantess từng phun trào thường xuyên hơn trong quá khứ. Theo cơ quan này, khoảng cách 6 năm giữa các vụ phun trào là một khoảng thời gian khá dài. Tuy nhiên, Giantess đã có thời gian không hoạt động kéo dài nhiều năm trước đó. “Nguyên nhân mạch nước phun này ngừng và hoạt động trở lại vẫn chưa được giải thích”, USGS viết trên Twitter.
Mạch nước phun (geyser) là mạch nước phun nước nóng và hơi nước từ lòng đất vào bầu không khí theo chu kỳ hoặc nhiễu loạn và thường phun lên theo phương thẳng đứng. Sự hình thành các mạch nước phun là do những điều kiện địa chất thủy văn đặc biệt nên rất hiếm gặp trên Trái đất. Những nơi có mạch nước phun thường nằm gần vùng có núi lửa hoạt động và hiện tượng mạch nước phun liên quan đến magma.
Công viên quốc gia Yellowstone có hàng ngàn mạch nước nóng và khoảng 300-500 mạch nước phun. Đây là nơi chiếm một nửa số lượng mạch nước phun trên toàn thế giới trong 9 lưu vực của nó, nằm chủ yếu ở Wyoming với những phần nhỏ ở Montana và Idaho.
Hoạt động của mạch nước phun, cũng giống như hoạt động của tất cả các mạch nước nóng, là do nước trên bề mặt dần dần thấm xuống mặt đất cho đến khi gặp đá bị nung nóng bởi magma. Sau đó, nước được nung nóng bởi năng lượng địa nhiệt quay trở lại mặt đất bằng cách đối lưu thông qua các lớp đá xốp và bị nứt.
Sự hoạt động phun trào của mạch nước phun có thể giảm dần thậm chí ngừng hẳn do các khoáng vật lắng đọng ở mạch phun theo thời gian. Ngoài ra, mạch nước phun cũng có thể thay đổi chức năng thành mạch nước nóng do bị ảnh hưởng của động đất và sự can thiệp của con người.