Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mãn kinh - Có gì phải sợ?

(SKGĐ) Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ thường có những thay đổi về tâm - sinh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc gia đình.

 

Thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh luôn là nỗi lo lắng và sợ hãi đối với bất cứ người phụ nữ nào. Nhưng trong khi những bạn bè cùng tuổi lúc nào cũng lo âu, buồn bã và bi quan về cuộc sống thì chị Nguyễn Thu Hà (49 tuổi, Thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) lại cảm thấy vô cùng thanh thản, nhẹ nhàng và vui vẻ.

Chị Thu Hà vẫn thường tâm sự với mọi người, đây là khoảng thời gian chị cảm thấy thoải mái và an nhàn nhất. Cuộc sống viên mãn, con cái có hạnh phúc riêng của chúng, chị cũng có nhiều thời gian hơn để tâm sự, sẻ chia với người bạn đời của mình mà không phải vướng bận nhiều vì công việc.

Đặc biệt, đời sống chăn gối vợ chồng chị Hà luôn hòa hợp, vì thế lúc nào mọi người cũng thấy chị tươi cười, hạnh phúc. Chị chia sẻ: “Muốn vượt qua nó cần phải chuẩn bị mọi thứ: dinh dưỡng, sức khỏe và đặc biệt là yếu tố tâm lý. Trong đó, sự thông cảm và sẻ chia của người chồng là điều quan trọng nhất”.

Những thay đổi khi mãn kinh

Theo BS. Lê Thị Kim Dung (Phụ trách Khoa sản - Phụ khoa - Nam khoa, Trung tâm Y khoa Thái Hà): “Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ lứa tuổi từ 45-50. Do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesteron), dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài, dây dưa. Trong giai đoạn này, người phụ nữ thường có những thay đổi về tâm-sinh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc, cũng như có những nguy cơ mới về sức khỏe có thể xảy ra”.

Những rối loạn về tâm-sinh lý mà mỗi phụ nữ phải trải qua gồm: sự rối loạn kinh nguyệt, vòng kinh dài, ngắn và ra huyết bất thường; Những cơn bốc hỏa thỉnh thoảng xảy ra, do rối loạn vận mạch làm nóng bừng ở ngực, lưng, cổ, đỏ mặt, đổ mồ hôi, nhiều nhất là về đêm, gây khó chịu, mất ngủ; Tính tình trở nên trầm mặc, lo âu, băn khoăn, chán nản hay thất vọng, thường không vừa lòng với môi trường xung quanh.; Trạng thái dễ kích động, cáu gắt.

Bên cạnh đó, những bộ phận trên cơ thể bị thoái hóa. Da kém mềm mại, khô nhăn, có đốm đồi mồi. Tóc khô, rụng, dễ gãy... Mỡ tích tụ nhiều ở bụng, đùi dễ khiến tăng cân. Cũng do sự thiếu hụt nội tiết tố, khiến xương mất dần canxi và chất khoáng, dẫn đến loãng xương, xương giòn, dễ gãy. Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh ít có cảm giác về loãng xương cho đến khi bị gãy xương tự nhiên. Thường gặp nhất là gãy đầu dưới xương cẳng tay, cổ xương đùi. Ngoài ra, còn bị vẹo cột sống, đau vùng thắt lưng, đau thần kinh tọa…

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với một vấn đề khó khăn đó là sự giảm ham muốn tình dục do sự suy giảm hormone estrogen khiến da âm đạo mỏng và khô hơn, độ dính và đàn hồi dần mất đi, âm đạo hẹp, ngắn, chất tiết giảm dẫn đến âm đạo khô teo gây đau rát khi giao hợp và nhiều người cảm thấy sợ hãi khi nhắc đến chuyện phòng the. Bác sĩ Dung cho biết, các triệu chứng này kéo dài độ vài năm rồi tự hết, do cơ thể đã quen dần với tình trạng thiếu hụt estrogen.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý

Để ngăn ngừa những rối loạn khi mãn kinh, bác sĩ Dung cho biết: “Mọi người cần phải tìm hiểu trước về thời kì mãn kinh mà mình phải trải qua để biết cơ thể cần gì, phải bổ sung những gì để ngăn chặn những rối loạn, những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe”.

Ở thời kỳ này, phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý: Cần ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành để bổ sung nội tiết tố estrogen tự nhiên. Ăn các thức ăn có nhiều calci như sữa không béo, thủy hải sản (cá, tôm, cua...). Bổ sung vitamin D bằng những thực phẩm như sữa, cá hồi, cá ngừ.

Bổ sung omega-3 và omega-6 bằng cách ăn nhiều các loại hạt vừng, quả óc chó, đậu nành, hạt hướng dương, các loại rau quả họ đậu, các loại cá, rong biển... để giúp da săn chắc và tóc khỏe. Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn. Ngoài ra, thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan.

Đồng thời nên tránh dùng đồ uống có cồn hoặc cà phê vì chúng làm tăng mức độ khó chịu của cơn bốc hỏa. Hạn chế uống rượu, ăn sôcôla và phô mai, không hút thuốc. Nếu bổ sung bằng thực phẩm chưa đủ, cần bổ sung bằng thực phẩm chức năng để tăng cường nội tiết tố estrogen cho cơ thể.

Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng

Mãn kinh là thời kỳ khó khăn nhất đối với phụ nữ, đặc biệt là trong chuyện quan hệ tình dục. “Nhiều người cho rằng đi vào thời kỳ mãn kinh là chấm dứt quan hệ tình dục. Điều này hoàn toàn sai. Ham muốn của con người có tới tận lúc chết. Nhưng có một mâu thuẫn, nhu cầu thì có nhưng không thực hiện được.” – bác sĩ Dung chia sẻ.

“Người đàn ông luôn muốn thỏa mãn nhu cầu của họ. Đến lúc này, mới xét đến khía cạnh tầm hiểu biết và phẩm chất của con người để nhận thức được cái gì mới là quan trọng. Nếu như người đàn ông biết gìn giữ nhân cách, họ sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người trong gia đình. Và từ đó họ mới nghĩ tới cách khắc phục. Còn nếu chỉ nghĩ đến bản thân anh ta thì sẽ dẫn đến nhiều hậu họa như hạnh phúc gia đình tan vỡ… Tuy nhiên, không phải người đàn ông nào cũng nghĩ được như vậy, không phải ai cũng thấu hiểu, chia sẻ và thông cảm với vợ của mình. Nó thuộc về bản chất của mỗi con người. Vì thế, chính phụ nữ lại phải tự chiến đấu”.

Bởi vậy, trước khi bước vào tuổi mãn kinh, phụ nữ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Bản thân người phụ nữ và những người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng cần có những hiểu biết đúng đắn về giai đoạn này và có cách thích nghi phù hợp để giúp người phụ nữ an tâm vượt qua những khó khăn và phòng ngừa tốt những vấn đề sức khỏe của lứa tuổi.

Theo bác sĩ Dung, để cải thiện chuyện phòng the, có nhiều cách, trong đó có thể bổ sung nội tiết tố bằng thực phẩm chức năng: “Sự tôn trọng của vợ con đáng giá hơn gấp nhiều lần so với một lần thỏa mãn bên ngoài. Vì thế, người chồng nên chia sẻ và thông cảm với vợ, hoặc có thể thủ dâm để thỏa mãn. Việc thay đổi, làm mới cách “quan hệ” cũng sẽ giúp cả hai vợ chồng cảm thấy hứng thú hơn với tình dục. Nếu âm đạo vợ bị khô hãy động viên vợ nên đi khám để được bác sĩ tư vấn biện pháp khắc phục”.

Song Nữ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/man-kinh--co-gi-phai-so-12452/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY