Dinh dưỡng hôm nay

Mận ngon, giàu chất dinh dưỡng nhưng ăn sao cho bổ mà không bị nóng?

Tháng 5 là tháng mùa mận chín rộ. Do giá thành rẻ nên chúng được mua rất nhiều, tuy nhiên cần biết hết những công dụng và tác hại của chúng để ăn sao cho tốt mà không hại sức khỏe.

Mận có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe

Mận giàu vitamin C và chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe.

Mận khi chín thường không còn chua như lúc xanh nhưng vẫn rất giàu vitamin C, loại vitamin này giúp cho sức đề kháng trong cơ thể tăng lên, bảo vệ sức khỏe khỏi những loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Vitamin C được coi là đàn anh “bảo kê” cho cholesterol từ các gốc tự do và giúp cho cơ thể kiểm soát được các bệnh về tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Ăn mận nhiều cũng có tác dụng làm đẹp cho cơ thể vì những hoạt chất chống ôxy hóa trong mận giúp ngăn ngừa lão hóa, giúp cho cơ thể khỏe mạnh dẻo dai hơn và khiến cho tóc trở nên óng mượt không còn yếu và rụng tóc nữa.

Các bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư vòm họng… cũng có thể được ngăn ngừa khi ăn mận thường xuyên.

Những ai bị cận thị hay mắc các bệnh khác về mắt nên bổ sung thêm mận vào danh sách loại hoa quả nên ăn vì carotene trong mận khi được đưa vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A tốt cho mắt.

Mặc dù có hàm lượng carbs khá cao nhưng mận lại không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu sau khi ăn, ngược lại, mận có khả năng làm tăng mức adiponectin - một loại hormon giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra chất xơ trong mận giúp làm chậm tốc độ cơ thể hấp thu carbs sau bữa ăn, có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.

Tác hại khi ăn quá nhiều mận

Hại thận

Mận có chứa nhiều chất oxalate, do đó gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang. Đặc biệt, những người bị bệnh thận hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này nên hạn chế hoặc không ăn mận.

Hàm lượng axit cao

Điều này có thể ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, đặc biệt ở trẻ em. Người bị bệnh dạ dày ăn nhiều mận sẽ trầm trọng thêm bệnh.

Gây nóng

Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt... Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.

Ăn bao nhiêu là đủ?

Mận có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều.

Các nhà khoa học khuyến cáo mặc dù có công dụng rất tốt nhưng không nên ăn quá nhiều mận.

Ăn nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng trong có thể gây phát ban, mụn nhọt, nhất là đối với những người cơ địa có tính nhiệt. Dù bạn thích mận đến đâu thì cũng chỉ nên ăn khoảng 4-5 quả mận mỗi ngày đối với người lớn và 2-3 quả mận mỗi ngày đối với trẻ em.

Do trong vỏ mận có hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa còn cao hơn so với thịt mận nên chúng ta không nên gọt vỏ mận khi ăn.

Nên rửa sạch lớp phấn trên vỏ mận để tránh bị dị ứng cũng như giảm thiểu thuốc trừ sâu và vi khuẩn trên vỏ mận. Lớp phấn trắng trên quả mận là một phần an toàn tự nhiên của trái cây, chúng đóng vai trò như một rào cản chống lại côn trùng và vi khuẩn giúp giữ ẩm cho trái cây. Tuy nhiên nếu bạn bị dị ứng với mận thì chúng có thể gây ngứa và sưng miệng hoặc cổ.

Xem thêm: Mận đang vào mùa, đây là những công dụng tuyệt vời có thể bạn chưa biết

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/man-ngon-giau-chat-dinh-duong-nhung-an-sao-cho-bo-ma-khong-bi-nong-34726/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY