Vào thập niên 1950, màng bọc từ nhựa ra đời để đóng gói sản phẩm trong ngành công nghiệp. Chất liệu đầu tiên được các nhà sản xuất sử dụng là PVC, loại nguyên liệu phổ biến nhất.
Nhưng khi nền ẩm thực thế giới bùng nổ cùng với lối sống công nghiệp phát triển nhanh trong cộng đồng dân cư toàn cầu thì chúng đã “bổ bộ” vào công nghiệp thực phẩm và dịch vụ tiêu dùng thường nhật: đóng gói đồ ăn nhanh, bảo quản đồ nấu chín… Sau vài thập kỷ sử dụng, người ta nhận thấy vật liệu PVC có thể để lại chất độc hại như vinyl clorua trên thực phẩm.
Ảnh minh họa |
Để tránh cảnh báo nguy hại này, các nhà sản xuất đã chế ra màng bọc từ nguyên liệu LDPE, được đánh giá là an toàn hơn. Năm 2004, sản phẩm màng bọc LDPE tại Mỹ được đánh giá là không chứa clo. Dù vậy để an toàn cao hơn, một số nước như Mỹ, Canada vẫn phân riêng biệt từng loại màng bọc cho từng mục đích sử dụng:
- Màng bọc cho thực phẩm giành cho bọc thực phẩm tươi sống.
- Màng bọc giành cho việc đóng băng thực phẩm trong tủ lạnh.
- Màng bọc để nấu lò vi sóng, ngăn chất béo không tràn ra bếp; dùng trong nhà bếp chung.
Nguy hại khó lường từ màng bọc thực phẩm
Với những ưu điểm như:
- Che đậy, bao bọc thực phẩm một cách gọn nhẹ, không cồng kềnh.
- Màng ngăn thực phẩm tiếp xúc với không khí và tránh tình trạng bốc hơi nên giữ thực phẩm tươi lâu hơn và tránh được va đập, khu biệt từng loại trong quá trình bảo quản, tránh cho thực phẩm khỏi chịu lạnh trực tiếp.
- Tránh ruồi muỗi nên “giảm tải” các vi sinh vật trên bề mặt thực phẩm nên giảm hoạt động phân hủy giúp giữ lâu mùi vị thực phẩm.
- Vì màng trắng trong tinh khiết nên khi bọc tạo độ thẩm mỹ và khiến cho người dùng nhìn rõ thực phẩm bên trong.
- Giá rẻ, tiện lợi, dùng một lần…
Nên khi ngành công nghệ ẩm thực và lối sống công nghiệp nhanh bùng nổ thì không chỉ ở các thành phố lớn mà ở những thôn ấp xa xôi các bà nội trợ cũng đã quen thuộc với màng bọc bảo quản thực phẩm bằng nhựa dẻo. Đáp ứng như cầu đó, các nhà phân phối màng bọc thực phẩm tại thị trường Việt Nam đua nhau đưa ra các mẫu quảng cáo rằng sản phẩm do họ phân phối được làm từ 100% nhựa PVC hoặc PE, không có hóa chất độc hại và có thể dùng với mọi hình thức tứ bảo quản đến chế biến…
Tất nhiên người tiêu dùng Việt Nam hiện nay cũng thấy những loại màng bọc thực phẩm này sạch sẽ, lại rẻ nên tận dụng chúng tối đa trong việc chế biến lẫn bảo quản thực phẩm: bọc thực phẩm đông lạnh, bọc thực phẩm để đút lò vi sóng, bọc giò chả để luộc nấu trong thời gian dài, làm thịt muối…
Nhưng khi Trung tâm Vật liệu Polimer thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành kiểm tra thì thấy rằng có tới 50% thành phần màng bọc là chất hóa dẻo có phụ gia. Vì bản thân nhựa PVC, PE không thể dẻo như những màng bọc đang được quảng cáo mà cần có chất hóa dẻo. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại chất hóa dẻo như DOP, CD… Những chất này đều bị cảnh báo là độc hại với sức khỏe con người.
Y khoa cảnh báo rằng chất DOP dùng để hóa dẻo PVC, PE là một chất tương tự hormone nữ vì thế khiến trẻ em nam bị “nữ tính hóa”, vô sinh nam, trẻ em gái thì có thể dậy thì sớm, gây béo phì, ung thư, hen suyễn... |
Nếu không kể đến các chất hóa dẻo độc hại như DOP, CD… thì bản thân PVC cũng đã bị báo động có tính nguy hiểm cao. PGS. TS Phạm Gia Điền (Viện KH & CN Việt Nam) khẳng định rằng trong nhiệt độ cao, màng bọc PVC có thể phân hủy và giải phóng các hợp chất clo gây độc hại cho cơ thể như ngộ độc, ngộp thở. Chúng cũng là vật liệu khó tái chế.
Nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng PVC trong công nghiệp thực phẩm: cấm làm vỏ bọc chai lọ đựng thực phẩm, cấm sản xuất làm đồ gia dụng... Hội đồng Châu Âu đã cấm dùng PVC trong sản xuất đồ chơi cho trẻ em vì chúng có thể nhai, ngậm và chịu độc tố từ nhựa. Trên thế giới, nhựa PVC chủ yếu tồn tại trong công nghiệp vật liệu xây dựng.
Ảnh minh họa |
Mặt khác, nếu dùng màng bọc thực phẩm quá lâu có thể khiến các chất bốc hơi, chất bảo quản thực vật có trong thực phẩm bị giữ lại trong màng và có thể thẩm thẩu ngược lại gây nên độc hại. Nếu chú ý các loại thực phẩm đóng gói tại siêu thị ta sẽ dễ dàng nhận thấy trên màng bọc hay có lấm tấm những giọt “mồ hôi”, đó là vì màng bọc không làm chúng thoát hơi được ra ngoài.
Sử dụng mang bọc thực phẩm để không độc hại
- Một số khuyến nghị dành cho các đồ dùng bằng nhựa là: không chọn mua nếu trong thành phần của sản phẩm ghi là PVC. Ngay cả khi sản phẩm ghi PC (tức là chỉ 7/10 PVC) thì họ cũng khuyến cáo người dân không nên dùng làm đồ gia dụng: đựng thức ăn, nước uống…
Chính vì vậy, ngay bây giờ khi thị trường Việt Nam còn chưa có những thẩm định rõ ràng về tác hại của màng bọc thực phẩm thì người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng và tránh lạm dụng chúng.
- Chỉ dùng để bọc thực phẩm sống, sẽ sơ chế lại, không ăn ngay.
- Cấm cho vào nấu, luộc, thức ăn đang nóng, lò vi sóng.
- Không dùng bọc thực phẩm để muối chua, ướp gia vị lâu ngày.
- Nếu thực phẩm tươi sống để lâu thì nên chọn loại màng bọc dành riêng cho thực phẩm này để tránh hiện tượng không thoát hơi.
- Nghiêm cấm dùng lại lần 2.
- Cần tạo thói quen phân biệt rõ từng loại màng bọc cho từng mục đích sử dụng
Đức Thành
Chủ đề liên quan: