Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mặt trái của chiếu chụp

(SKGĐ) Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau như X-quang, siêu âm, CT-scanner (viết tắt là CT), MRI, DSA là kết quả của tiến bộ công nghệ y học. Tuy nhiên, khi quá lạm dụng chúng thì sức khỏe của bạn đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Ảnh minh họa

Báo chí Mỹ đã từng đưa tin về Michael Heuser - một nhà sản xuất phim 52 tuổi sau một ca cấp cứu vì đột quỵ bỗng thấy tóc bị rụng thành một vành quanh đầu. Nguyên nhân được xác định là do ông đã phải trải qua việc chụp cắt lớp não với lượng bức xạ quá mức. Heuser đã rất khổ sở trong một thời gian dài trước khi nguyên nhân này được xác định, vì ông bị bạn bè, đồng nghiệp xa lánh khi cho rằng ông đang mắc bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, cũng đã có nhiều bệnh nhân phát hiện thấu hiện tượng rụng tóc sau kiểm tra y tế, tuy nhiên nhiều bệnh viện không thể phát hiện ra mức bức xạ quá lượng cho phép. Ngoài hiện tượng rụng tóc, nhiều người còn bị đau đầu, lẫn lộn, mất trí nhớ, thậm chí sụt cân, không ngủ được.

Khi thắc mắc về các biểu hiện lạ, các bác sĩ cho rằng đây chỉ là triệu chứng tạm thời, nguyên nhân rụng tóc có thể do stress hoặc buộc tóc quá chặt, còn hiện tượng tấy đỏ da có thể do dị ứng xà phòng khi giặt ga, gối. Và chỉ sau trường hợp của Heuser, hiện tượng bức xạ quá liều mới bắt đầu được chú ý (từ mùa hè năm 2009). Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, cơ quan quản lý thuốc và thực phảm Mỹ đã phải đưa ra thông cáo toàn quốc yêu cầu các bệnh viện kiểm tra lượng bức xạ khi chụp.

Chụp chiếu có ảnh hưởng đến thai nhi?

X-quang là một dạng tia phóng xạ, có tác dụng sát thương nhất định đối với tế bào, nên cơ thể sau khi chiếu Xquang cũng sẽ có những phản ứng không tốt như: gây tổn hại các tổ chức cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng. Tất nhiên, rủi ro sức khỏe chỉ xảy ra với những trường hợp phải chụp tia X quá nhiều với cường độ mạnh.

Nhiều người cũng lo ngại, chụp X-quang gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Trên thực tế, các bác sĩ khuyên chỉ trong tình huống cấp cứu thai phụ mới phải chụp X-quang, thông thường nên thay thế bằng phương pháp siêu âm chẩn đoán.

Trong 3 tháng đầu của thai kì, tuyệt đối không chụp vì đây là giai đoạn các cơ quan hình thành, thai nhi rất dễ bị các tác động bên ngoài làm ảnh hưởng, gây ra quái thai hay sẩy thai, sinh non. Một số cơ quan đặc biệt của thai còn được tiếp tục hoàn thiện trong vài tháng kế sau đó. Khi vào 3 tháng cuối thì việc chụp X-quang hầu như không bị ảnh hưởng nữa.

Chú ý: Trong trường hợp chẳng đặng đừng nếu phải chụp X-quang (ở những vùng khác), nên che chắn bụng thai phụ bằng một áo chì để hạn chế phơi nhiễm tia X cho thai nhi.

Ảnh minh họa

X-quang vú (chụp nhũ ảnh) gây hại tim

Đối với phụ nữ châu Á, trong đó có Việt Nam, siêu âm vẫn là phương pháp chẩn đoán ung thư vú được lựa chọn trước tiên vì nó chính xác, không gây hại và rẻ tiền. Tuy nhiên, khi kết quả siêu âm cho thấy vú có vấn đề thì chị em cần kiểm tra lại bằng nhũ ảnh, mà không nên lạm dụng nó quá nhiều. Bởi, theo một nghiên cứu của Hội ung thư Canada, những người chụp nhũ ảnh nhiều lần có nguy cơ ung thư vú sau 10 năm cao hơn người ít chụp.

Bạn nên biết: Máy chụp X-quang thế hệ 1960-1970 có liều chiếu xạ cao hơn rất nhiều so với các máy hiện nay.

Chụp cắt lớp (CT) có thể làm tăng khối u

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Christian Arning, Phó Chủ tịch Hội y học siêu âm Đức cho thấy, việc chụp CT các cơ quan nội tạng trong ổ bụng của bệnh nhân sẽ khiến ảnh hưởng phóng xạ cao gấp 50 lần so với phương pháp chụp X-quang trước đây.

Tình trạng nhiễm xạ khu vực ngoài phòng chiếu chụp X-quang ở nhiều nơi có liều suất cao và nhiều chỗ vượt quá mức cho phép nhiều lần, thường là ở cửa ra vào và cửa sổ, có vị trí cao gấp 40 lần và khi chiếu thẳng gấp 500 lần cho phép (Kết quả khảo sát của Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế).

Ông lo ngại, với lượng phóng xạ lớn như vậy đủ để kích thích sự phát triển của các khối u.

Bộ Y tế Anh cũng từng yêu cầu điều tra về độ an toàn của máy chụp cắt lớp đối với sức khỏe con người. Hiệp hội y khoa Anh đã khuyến cáo các bác sỹ chỉ nên sử dụng máy chụp cắt lớp để phát hiện những triệu chứng không bình thường trong cơ thể sau khi bệnh nhân đã tiến hành những xét nghiệm, hoặc thậm chí đã trải qua các cuộc phẫu thuật.

Vi phạm ở cơ sở y tế

Phạm vi ảnh hưởng của máy chụp X-quang còn lan rộng ra cả cộng đồng bởi trên thực tế, một số phòng khám chữa bệnh sử dụng thiết bị này không xin phép, nhiều cơ sở không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn tiến hành chiếu, chụp cho bệnh nhân…

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế, hiện nay các chỉ tiêu an toàn bức xạ của các phòng chụp X-quang như diện tích phòng đặt máy chụp, tường trát barit, cửa chắn chì, buồng điều khiển, kính chì ô quan sát, chất lượng máy cũng như phương tiện phòng hộ cá nhân đều không đạt yêu cầu chuẩn từ tuyến Trung ương đến tuyến quận, huyện.

Theo các chuyên gia y tế, để tia X-quang không gây hại cho người bệnh và phát tán ra môi trường bên ngoài, cần kiểm soát liều lượng tia cho từng trường hợp chụp, tránh liều tia dư không cần thiết, gây hại cho người bệnh.

Nhiều cơ sở vẫn dùng máy chụp X-quang thế hệ cũ (có nhiều tia thứ cấp không mong muốn) nhưng ít nơi khắc phục hạn chế này bằng cách thay bóng đèn và gắn thêm bộ lưới lọc để giảm tác hại cho người bệnh.

Thiên Ân

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/mat-trai-cua-chieu-chup-18324/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY