Dinh dưỡng hôm nay

Mẹ nên bổ sung chất béo đúng cách, giúp tăng cường thể chất và trí não cho trẻ

Nghiên cứu cho thấy, 60% não bộ của trẻ được cấu thành bởi chất béo ở những năm đầu đời, ngoài ra, chất béo giúp cung cấp năng lượng và hấp thu các vitamin thiết yếu. Vì vậy, việc bổ sung chất béo cho trẻ trong quá trình phát triển thể chất lẫn trí não là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, không phải nhóm chất béo nào cũng phù hợp để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ, nhằm phân biệt và tăng cường hợp lý nhóm chất béo cần thiết nhất đối với sự phát triển của trẻ.

Có bao nhiêu loại chất béo trong bảng dinh dưỡng?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có ba nhóm chất béo cần phụ huynh nhận biết thật kỹ, đó là: chất béo không bão hoà, chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá.

- Chất béo không bão hoà: 

Chất béo không bão hòa thường là chất lỏng ở nhiệt độ phòng với hai loại chính là chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.

Đối với chất béo không bão hoà đơn, nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy nhóm axit béo có nguồn gốc thực vật này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực phẩm có nhiều chất béo này bao gồm dầu oliu, dầu lạc, quả bơ, các loại hạt, các loại đậu…

Trong khi đó, chất béo không bão hoà đa thường được tìm thấy nhiều trong nhóm thực phẩm giàu omega-3 và omega-6, cụ thể là ở hàu, hạt chia, đậu nành, quả óc chó, hạt gai dầu, hạt hoa hướng dương, hạt lanh và dầu hạt lanh, và cá béo như cá mòi, cá ngừ, cá hồi, cá thu và cá trích. Nhóm chất béo này có chức năng giúp bảo đảm các hoạt động, vận động cơ bắp và hỗ trợ quá trình đông máu, ngoài ra là bảo vệ sức khoẻ tim mạch.

- Chất béo bão hoà:

Đây là nhóm các axit béo không có mối liên kết đôi và thường là chất rắn ở nhiệt độ phòng. Nhóm thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt gà, các sản phẩm từ sữa như kem, sữa nguyên chất, bơ, phô mai, các loại dầu như dầu dừa và dầu cọ.

Chất béo bão hòa khi được sử dụng với liều lượng vừa phải sẽ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và kiềm chế cảm giác thèm ăn. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thường xuyên tiêu thụ chất béo bão hòa sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do làm tăng cholesterol xấu (LDL) và một số yếu tố khác gây hại cho tim (Ảnh: Internet)

- Chất béo chuyển hoá:

Thường được tìm thấy ở các loại thực phẩm bánh kẹo ngọt, món ăn chiên, rán, nướng, đồ ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, hamburger cùng các thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, khi sử dụng chất béo này sẽ làm tăng lượng cholesterol xấu và làm giảm lượng cholesterol tốt trong cơ thể, đồng thời là nguyên nhân gây ra các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ. Do vậy, không chỉ là trẻ em mà cả những người trưởng thành cũng cần phải hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa chất béo này. 

Chất béo nào nên tăng cường cho trẻ, và nó ảnh hưởng gì đối với sự phát triển của trẻ?

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, nhóm chất béo không bão hoà là nhóm chất béo tốt nhất để thúc đẩy quá trình phát triển của trẻ, do có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng của trí não và tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ thông minh - khoẻ mạnh hơn. 

Tuy nhiên, chất béo bão hoà vẫn có một vai trò quan trọng với sức khoẻ của trẻ. Vì thế, trẻ có thể ăn các nhóm thực phẩm có chứa nhóm chất béo này để hấp thu các dinh dưỡng khác có trong thực phẩm chứa chất béo bão hoà, nhưng không nên tiêu thụ quá 20g mỗi ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị tỉ lệ cân đối giữa chất béo không bão hoà và chất béo bão hoà trong khẩu phần ăn của trẻ nên là 70% : 30%.

Hãy linh hoạt các loạhi chất béo khác nhau trong mỗi bữa ăn hàng ngày của trẻ. Hàng ngày, mẹ có thể bổ sung chất béo cho bé bằng cách thêm vài thìa nhỏ dầu thực vật vào món ăn (cháo, canh, món xào...). Mẹ cũng có thể chế biến bơ đậu phộng, bơ dầm, sinh tố bơ... hoặc đổi món với pho mai, sữa, váng sữa hợp với khẩu vị của bé. 

Đối với trẻ từ từ 0 - 6 tuổi, chất béo đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành trí não và thể chất của trẻ, vì vậy nên cố gắng bổ sung cho trẻ ở trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cụ thể, cung cấp 31g mỗi ngày cho trẻ từ 6 - 12 tháng và 50g cho trẻ từ 1 - 6 tuổi (Ảnh: Internet)

Một vai trò nổi bật của chất béo là tính dẫn truyền và tăng hấp thu các vitamin A, D, E. Những vitamin này là dưỡng chất thiết yếu trong đối với sự phát triển của trẻ và có nhiều chức năng riêng biệt, cụ thể: vitamin A giúp duy trì thị lực, tăng chức năng miễn dịch, tham gia vào quá trình phát triển của cơ thể; vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi ở ruột và huy động chất khoáng đến xương; trong khi vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ hệ thần kinh non nớt của trẻ. 

Ngoài ra, chất béo còn được biết đến là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào. Đối với trẻ em, do cơ thể đang phát triển nhanh nên cần nhiều năng lượng tích cực. Nếu không được cung cấp đủ chất béo, trẻ sẽ cảm thấy đói và cơ thể không thể hoạt động ở mức tối ưu. Vì vậy, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất quan trọng này cho trẻ (Ảnh: Internet)

Dù cho chất béo có đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển thể chất và trí não của trẻ, cha mẹ cũng đừng quên các nhóm chất khác trong bữa ăn hàng ngày của con, và luôn tuân thủ theo các quy tắc về dinh dưỡng mà các chuyên gia đã đặt ra nhé. Nếu như lạm dụng chất béo trong thời gian dài nhưng lại thiếu hụt các chất khác sẽ dễ làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì cho trẻ.

Xem thêm: Chuyên gia mách mẹo giúp trẻ tăng cân lành mạnh, không lo béo phì

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/gia-dinh-khoe/me-nen-bo-sung-chat-beo-dung-cach-giup-tang-cuong-the-chat-va-tri-nao-cho-tre-34940/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY