Dinh dưỡng hôm nay

Muốn đường ruột luôn khỏe mạnh, hãy bỏ ngay 4 thói quen xấu trong khi ăn sau

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, một đường ruột khỏe mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần và tâm trạng của mỗi người, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mãn tính hay chỉ đơn giản là giúp ta tiêu hoá tốt hơn.

Và nếu bạn đang quan tâm tới việc tăng cường sức khoẻ của đường ruột, thay vì cứ tập trung tìm kiếm các loại thực phẩm tốt cho đường ruột, điều các chuyên gia dinh dưỡng của The Nutrition Twins (Mỹ) muốn khuyên bạn là nên thay đổi các thói quen xấu trong ăn uống trước:

1. Ăn quá nhanh

Có thể vì tính chất công việc bận rộn hay bởi lý do cá nhân nào đó, bạn có thể chọn một bữa ăn đơn giản để ăn tạm, tuy nhiên, bạn không nên đưa ra bất cứ lời giải thích nào cho hành động ăn nhanh của mình, đặc biệt là khi bạn đang hướng tới mục tiêu là có một đường ruột khỏe mạnh.

Hành động ăn nhanh tưởng chừng rất bình thường và không mang lại hệ quả nặng nề gì, hoá ra lại là hành động làm suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa nhanh chóng nhất.

Theo lời của các chuyên gia tại The Nutrition Twins (Mỹ) chia sẻ, bước đầu tiên cho quá trình tiêu hóa đó là nhai. Hành động nhai sẽ làm cho thức ăn được nghiền nát và tách thành các phần nhỏ giúp cho việc tiêu hoá trở nên dễ dàng, đồng thời khi nhai, thức ăn sẽ được trộn lẫn với nước bọt trong khoang miệng, thúc đẩy quá trình phân huỷ thức ăn thành các chất đường đơn nhanh hơn. Sau đó, thức ăn sẽ được co bóp bởi dạ dày và lượng enzyme được tiết ra tại vị trí này giúp thuỷ phân và phá vỡ các cấu trúc protein phức tạp, cuối cùng khi đưa xuống cho ruột non hấp thụ các chất dinh dưỡng, thức ăn sẽ được biến dạng dưới dạng chất lỏng hoặc bột nhão.

Tuy nhiên, tất cả quy trình này sẽ hoàn toàn bị phá vỡ nếu bạn ăn quá nhanh và không chịu nhai kỹ thức ăn. Thức ăn khi đó vẫn còn cứng và nguyên khối, buộc dạ dày phải vận động gắng sức hơn trong việc co bóp và tiêu hoá, lượng enzyme tiết ra không đủ để phân huỷ thức ăn. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, bạn sẽ phải đối mặt với các nguy cơ sức khoẻ như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,...

Trước khi nuốt xuống, bạn phải nhai thức ăn trong miệng từ 18 - 36 giây tuỳ thuộc vào từng loại thực phẩm (Ảnh: Shutterstock)

2. Không ăn đủ rau

Một trong những nguyên nhân khiến hệ tiêu hoá của bạn bị suy yếu dần theo năm là do không cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo, cơ thể con người cần được nạp đủ 400g chất xơ mỗi ngày để thúc đẩy hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, chống lão hoá và các bệnh ung thư, tim mạch và tiểu đường. Đặc biệt, chất xơ còn cung cấp và nuôi dưỡng hệ vi sinh vật lành mạnh trong đường ruột, kích thích phát triển và tăng trưởng, đồng thời củng cố niêm mạc ruột, hỗ trợ chống viêm mãn tính và tăng cường chức năng của các cơ quan khắp cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mọi người nên tăng cường nhiều rau xanh như bông cải xanh hoặc bắp cải cũng là vì lý do này.

Và nếu với bạn, “rau là kẻ thù” và bạn không thích ăn chúng trực tiếp, hãy thử chế biến chúng cùng với các món ăn, như nhồi vào bánh mì sandwich, thực hiện các món xào, soup hoặc trứng tráng cũng được.

3. Ăn quá nhiều thức ăn có đường

Vẫn còn khá nhiều người nhầm lẫn rằng đường bổ sung cũng giống như đường tự nhiên, và thường rất vô tư, thoải mái khi tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường. Sự thật thì đây là hai loại đường hoàn toàn khác nhau.

Đường tự nhiên thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm giàu prebiotic lành mạnh có trong tự nhiên như trái cây tươi, rau, củ, ngũ cốc, các loại hạt hoặc yến mạch - giúp phát triển và thúc đẩy các chức năng của hệ tiêu hoá, thì đường bổ sung - dùng vào mỗi khi tra nấu thực phẩm hoặc đồ uống - lại rất có hại cho sức khỏe, tiêu biểu là làm tăng cân vượt kiểm soát và tàn phá đường ruột của bạn, sự ảnh hưởng của nó sẽ tương đương với định lượng mà bạn dùng hằng ngày.

Theo The Nutrition Twins (Mỹ), đường bổ sung có trong các loại bánh kẹo công nghiệp, thức ăn nhanh tạo ra các tác động tiêu cực đến những vi khuẩn lành mạnh trong hệ tiêu hoá, khi tập hợp vi khuẩn này bị suy yếu, chúng ta sẽ phải đối mặt với các bệnh viêm mãn tính cũng như niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng. Cụ thể, đường bổ sung đi vào cơ thể sẽ phá vỡ cấu trúc của hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến chứng viêm ruột kết hoặc bệnh Crohn - bệnh viêm đường ruột với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng.

Các nhà khoa học chia sẻ, một trong những cách giảm đi lượng đường trong chế độ ăn uống hằng ngày đó là thay đổi từng bước nhỏ. Ví dụ, thay vì ăn 2 chiếc bánh quy cho bữa ăn nhẹ hay tráng miệng, bạn có thể giảm xuống còn 1 cái, hoặc thay thế bánh quy bằng trái cây có vị ngọt tự nhiên như quả mọng hay táo, vừa lành mạnh lại vừa cung cấp vi khuẩn tốt cho đường ruột của bạn.

Đường bổ sung khi vào cơ thể sẽ có thể gây hại đến hệ tiêu hoá bằng cách phá vỡ cấu trúc của các vi sinh vật có lợi tại đường ruột (Ảnh: Pixabay)

4. Ăn trong khi đứng

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có vài lần vừa đứng vừa ăn, đôi khi là trong lúc nấu nướng, lúc ăn vặt, đôi khi chỉ là buồn miệng tiện tay và ăn ngay lúc kiếm được cái gì đó ở tủ lạnh. Với thói quen này, theo chia sẻ của các chuyên gia của The Nutrition Twins, nó sẽ hoàn toàn khiến bạn không kiểm soát được việc ăn uống, khiến bạn ăn quá nhiều và quá nhanh (dẫn đến  những tác hại của thói quen đầu tiên đã được đề cập).

Thêm đó, họ không chỉ ăn nhiều hơn mức cơ thể cần mà còn không cho não bộ của họ có đủ thời gian (thường là 20 - 25 phút) để phát tín hiệu rằng họ đã no, dẫn đến việc ăn liên tục và không kiểm soát, khiến mọi cơ quan trong đường ruột như thực quản, dạ dày, ruột non phải mất rất lâu để tiêu hoá hết lượng thức ăn. Bên cạnh đó, gan cũng bị ảnh hưởng khi thực hiện chức năng thải độc và thanh lọc trong khi cơ thể nạp vào quá nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Điều này diễn ra lâu dần sẽ dẫn tới viêm đường ruột, viêm dạ dày, viêm gan và tăng cân. 

Mặt khác, việc ăn khi đứng cũng phần nào thúc đẩy sự lo âu, căng thẳng tại trung ương thần kinh, làm tiết ra hormone adrenaline. Dưới tác dụng của hormone này, nhịp tim của ta sẽ đập nhanh hơn và cơ thể sẽ chuyển sang chế độ sẵn sàng cho những phản ứng chống lại nguy hiểm, tuy nhiên, vì điều này mà adrenaline có thể kéo máu ra khỏi các bộ phận cơ thể ít quan trọng hơn, như hệ tiêu hoá, để bảo vệ các cơ quan chính. Sự tạm ngừng đột ngột này có thể tàn phá đường ruột của bạn, vì nếu thức ăn nằm trong ruột càng lâu, những vi khuẩn có hại sẽ có cơ hội lên men, và gây viêm nhiễm, làm mòn niêm mạc ruột.

Bạn thấy đó, vốn là những hành động rất bình thường mà đôi khi ta lặp đi lặp lại hàng trăm lần, nhưng 4 thói quen trên đều được đánh giá là những thói quen xấu, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe đường ruột của chúng ta. Đó là nguyên nhân vì sao, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên thay đổi các thói quen này trước khi suy nghĩ nên ăn gì để có được một đường ruột khỏe mạnh.

Xem thêm: Thức uống tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/muon-duong-ruot-luon-khoe-manh-hay-bo-ngay-4-thoi-quen-xau-trong-khi-an-sau-34257/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY