Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nắng nóng dễ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, mọi người cần chú ý thế nào?

Tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nhất vào mùa hè, do nhiệt độ tăng cao khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu và nhiễm khuẩn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mọi người cần chú ý những điều sau đây khi chế biến và bảo quản thức ăn để tránh tình trạng nguy hiểm này cho gia đình.

Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ và độ ẩm cao trong mùa hè là nguyên nhân chính khiến thực phẩm dễ bị hỏng và gây ngộ độc. Một mặt, đó là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn và nấm phát triển. Mặt khác là làm cho các loại thực phẩm bị mất chất và biến tính, sinh ra độc tố gây hại sức khoẻ,

Ngoài ra, thông tin từ CDC Hoa Kỳ cho biết, thực phẩm để trong khoảng nhiệt độ nguy hiểm (cụ thể là từ 4 - 60 độ C) quá lâu cũng làm tăng cao nguy cơ bị ngộ độc. Nếu không được bảo quản trong tủ lạnh, thức ăn sau khi nấu để ở ngoài quá 2 giờ (tại nhiệt độ phòng không quá 30 độ C) sẽ bị hỏng. 

Trong khi đó, nhiệt độ vào những ngày hè có thể lên tới 40 độ C, đây được xem là điều kiện lý tưởng nhất để các mầm bệnh như virus, vi khuẩn và các vi sinh vật sinh sôi, nảy nở (chẳng hạn như: vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả,….). 

Ở nhiệt độ cao hơn 31 độ C, thức ăn chỉ được phép để ở ngoài không quá một 1 tiếng đồng hồ (Ảnh: Internet)

Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm 

Sau khi ăn phải thực phẩm bị hư hỏng, các triệu chứng của ngộ độc có thể xuất hiện trong vòng 1-3 giờ. Điển hình nhất là buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, người bị ngộ độc cũng có thể bị sốt, đau đầu, các biểu hiện của tình trạng mất nước do tiêu chảy như môi khô, mắt trũng, khát, mạch nhanh, thở nhanh.

Biểu hiện lâm sàng của tình trạng ngộ độc thực phẩm đó là tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn. Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị loạn thân nhiệt, sốt cao, co giật, trụy mạch, sốc nhiễm khuẩn thậm chí tử vong (Ảnh: Internet)

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng các biện pháp sau đây

Tình trạng ngộ độc thực phẩm khá phổ biến và cũng dễ bị mắc phải nếu không cẩn thận, tuy nhiên việc phòng tránh không phải là khó. Bạn có thể hạn chế được mọi nguy cơ có thể xảy ra nếu thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm được khuyến nghị sau đây:

1. Không để thực phẩm sống ở bên ngoài quá lâu

Ngay sau khi bạn đi mua thực phẩm về nhưng chưa có ý định chế biến, tốt hơn hết là hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh với mức nhiệt độ dưới 4 độ C càng nhanh càng tốt, hạn chế để thực phẩm ở bên ngoài quá lâu. Nhất là khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn 31 độ C.

Điều quan trọng nữa là bạn không nên cất đầy đồ vào tủ lạnh, do không khí khó cơ thể lưu thông bình thường nếu tủ lạnh của quá đầy, điều này sẽ khiến thức ăn nhanh bị hỏng hơn (Ảnh: Internet)

2. Rửa tay kỹ trước khi chế biến và bắt đầu bữa ăn

Rửa tay sạch sẽ là một thói quen tốt mà bất kỳ ai cũng nên thực hiện thường xuyên. Bàn tay ta có thể chứa đến hàng nghìn vi khuẩn, và khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thông qua việc chế biến và ăn uống, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây ra tình trạng ngộ độc.

Do đó, trước khi chế biến thực phẩm hoặc bắt đầu bữa ăn, hãy rửa tay thật sạch sẽ với nước và xà phòng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, điều này sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân và gia đình của bạn.

3. Hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo

Khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, bạn cần nhớ phải để thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản ở một góc riêng, tránh để cùng với các thực phẩm đã qua chế biến, hoặc là rau và trái cây. Vì trong thực phẩm sống có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh như E.Coli, Salmonella,... nếu để cùng với các thực phẩm khác sẽ gây ra tình trạng lây nhiễm chéo rất nguy hiểm, nhất là khi ở trong môi trường hẹp như tủ lạnh thì việc này càng dễ xảy ra.

4. Nấu chín thực phẩm

Thực phẩm cần phải được nấu chín đều và hãy uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn, hoặc thức ăn xuất hiện hiện tượng mốc, có vị chua, mùi ôi thiu.

5. Không mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc

Khi mua sắm, phải lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản dưới hình thức đông lạnh đạt tiêu chuẩn. Nếu có chứng nhận của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì càng tốt.

Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc, đặc biệt là vào thời tiết nắng nóng của mùa hè như hiện tại.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nang-nong-de-gay-ra-tinh-trang-ngo-doc-thuc-pham-moi-nguoi-can-chu-y-the-nao-35465/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY