Ngày càng nhiều người mắc hội chứng này được ghi nhận. |
Mới đây, Bệnh Viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP.HCM) phẫu thuật ca bệnh mắc hội chứng Rapunzel trong chỉ vài năm gần đây. Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Huy Cần, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, chia sẻ bệnh nhi là bé gái 5 tuổi (ngụ quận 8), đến khám do tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài. Trước đó, bé gái nôn liên tục, tiêu chảy, bụng chướng lên như có dấu hiệu tắc ruột. Các chẩn đoán hình ảnh từ siêu âm, X-quang ủng hộ chẩn đoán tắc ruột do búi tóc. Ngay lập tức, em được nhanh chóng mổ lấy khối tóc gây tắc nghẽn kịp thời.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái 5 tuổi bị tắc ruột do “búi tóc khổng lồ” vì thói quen nuốt tóc bất thường. Theo mô tả của người nhà, bé bị đau bụng quặn cơn, âm ỉ trong khoảng 5 ngày trước nhập viện. Tình trạng lúc nhập viện, bé đau bụng cơn dữ dội, bí trung đại tiện kèm theo ói dịch xanh nhiều. Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Trần Bản, Trưởng kíp trực Ngoại, cùng các cộng sự chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột nghĩ do búi tóc và cần phẫu thuật khẩn cấp. Kết quả là khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra búi tóc khổng lồ.
Trên thế giới cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp có hậu quả đáng tiếc do thói quen tưởng chừng như vô hại này. Theo tờ Fox News, khi đang ngồi học trong lớp, Jasmine Beever, 16 tuổi, có biểu hiện mệt mỏi và không tỉnh táo. Cô bé ngay lập tức được đưa đến bệnh viện và cấp cứu thành công trong 15 phút. Nhưng không may mắn, cô bé đã qua đời ngay sau đó và khiến mọi người rất sốc.
Các bác sĩ đã tiến hành khám nghiệm tử thi và phát hiện Jasmine bị viêm phúc mạc, xảy ra khi lớp mô mỏng bao phủ quanh ổ bụng, thường do nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Trường hợp của Jasmine là do có búi tóc bị nhiễm trùng trong dạ dày cô bé, dẫn đến vỡ vết loét, khiến các cơ quan nội tạng ngừng hoạt động.
Bạn thân của Jasmine chia sẻ cô bé thường xuyên ngậm và nhai tóc của mình trong nhiều năm. Các chuyên gia cho biết bệnh nhân mắc phải hội chứng Rapunzel, nguyên nhân gây ra bởi rối loạn tâm thần gọi là trichophagia.
Tiến sĩ Suzanne Mouton-Odum, giáo sư trợ lý lâm sàng tại Đại học Y Baylor (Mỹ), cũng từng gặp trường hợp mắc hội chứng này. Bệnh nhân nữ, 16 tuổi, thường xuyên nhổ và ăn tóc vào ban đêm. Cha mẹ cô bé nhận thấy mái tóc của cô mất dần nhưng không thể tìm thấy sợi nào ở bất cứ đâu. Sau đó, gia đình đã đưa cô bé tới bệnh viện để xét nghiệm tiêu hóa. Tiến sĩ Suzanne khẳng định cô bé đã nhổ và ăn tóc như một cách để thư giãn, ngủ ngon hơn.
Tạp chí BMJ từng công bố trường hợp Katie Koppel, 38 tuổi, có một búi tóc 15x10 cm được phẫu thuật lấy ra từ dạ dày và một búi tóc 4x3 cm ở đầu ruột non. Khi tới bệnh viện, người phụ nữ cho biết cô thấy đau bụng, buồn nôn, ói mửa, táo bón, bụng phình to. Các triệu chứng này giống với hầu hết trường hợp mắc Rapunzel khác.
Katie cho biết cô đã nhổ tóc từ năm 8 tuổi, bắt đầu bằng việc nhổ lông mày. "Tôi giống như bị thôi miên, không thể kiểm soát được hành vi của mình. Ban đầu, việc nhổ tóc khiến tôi thấy nhẹ nhàng, sau đó là kích thích quá mức. Tôi dành tới 5 giờ mỗi ngày để nhổ tóc, thậm chí việc này khiến các ngón tay bị phồng rộp", Katie chia sẻ. Katie gần như bị hói hoàn toàn và thường xuyên phải đội tóc giả. May mắn, người phụ nữ này đã được điều trị thành công.
Tóc sẽ mắc kẹt trong ruột là tạo thành búi lớn. |
Được đặt tên theo nàng công chúa thả tóc xuống chân tháp cho hoàng tử leo lên trong truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, hội chứng Rapunzel không hề dễ chịu. Nó là trạng thái bệnh lý nguy hiểm khiến con người liên tục nuốt tóc. Kết quả, số tóc rối lại, mắc kẹt, tạo thành búi tóc lớn ở dạ dày với phần đuôi kéo dài tới ruột non.
Đặc điểm của hội chứng bao gồm:
- Xuất hiện bóng tóc ở dạ dày, và đuôi của nó nằm ở ống tiêu hóa nhỏ và/hoặc phía bên phải ruột già
- Tắc nghẽn ruột non và ruột già
- Đau bụng
- Buồn nôn, ói mửa
- Thủng ruột
- Thiếu hụt vitamin B12
- Hoại tử tụy cấp tính
Bệnh gặp nhiều nhất ở nữ dưới 20 tuổi (70%), được lý giải liên quan đến cảm xúc, một quá trình tâm lý ưu thế ở nữ.
Có hai chứng rối loạn tâm thần đặc biệt mà những người ăn tóc của họ có khả năng mắc phải: chứng rối loạn trichophagia và chứng rối loạn tâm thần pica.
Một số người bị thiểu năng trí tuệ và rối loạn tâm thần nhất định ăn tóc của chính họ - một hành vi được gọi là chứng trichophagia. Những nhóm này được cho là có nguy cơ cao phát triển hội chứng Rapunzel.
Bệnh nhân mắc chứng trichophagia cảm thấy buộc phải nhổ tóc, rồi nghịch những sợi tóc đã được nhổ. Ví dụ, nhấm nháp phần gốc của tóc hoặc vuốt tóc dọc theo môi có thể mang lại cảm giác thư giãn.
Một nghiên cứu cho thấy 20% những người mắc chứng trichophagia thực hiện những hành vi này hàng ngày, bao gồm cả việc thực sự ăn tóc. Một nghiên cứu khác cho thấy trong số 24 người mắc chứng trichotillomania, 25% đã phát triển bóng tóc trong dạ dày do ăn phải tóc.
Pica bắt nguồn từ từ tiếng Latinh có nghĩa là "chim ác là", do thói quen ăn uống khác thường của loài chim này. Rối loạn liên quan đến việc thèm ăn và ăn các chất không phải thực phẩm như đất sét, bụi bẩn, giấy, xà phòng, vải, len, đá cuội và tóc.
Pica thường không được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi vì việc ngậm miệng (và vô tình ăn phải) các chất không phải thực phẩm được coi là khá bình thường ở độ tuổi này. Nó phổ biến nhất ở trẻ em, phụ nữ mang thai và ở những người bị thiểu năng trí tuệ như rối loạn phổ tự kỷ.
Đã có nhiều lý thuyết để giải thích chứng trichophagia và pica, chẳng hạn như nạn đói hoặc thời thơ ấu bị bỏ rơi, như một cách đối phó với căng thẳng và một phần của tập quán văn hóa. Ví dụ, ở một số vùng của Ấn Độ, Châu Phi và Hoa Kỳ, ăn đất sét được coi là có lợi cho sức khỏe hoặc tinh thần.
Cả trichophagia và pica đều được phát hiện là xảy ra ở những người bị thiếu sắt. Trong một số trường hợp báo cáo về hội chứng Rapunzel, việc nhổ tóc và ăn tóc đã ngừng sau khi người đó được điều trị chứng thiếu sắt hoặc bệnh celiac.
Bệnh Celiac gây tổn thương ruột non dẫn đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Tóc có chứa các nguyên tố vi lượng sắt và các khoáng chất khác, nhưng vẫn chưa rõ liệu điều này có thúc đẩy một loại động cơ sinh học nào đó ăn tóc hay không. Các nghiên cứu trường hợp khác đã phát hiện ra sự tắc nghẽn do bóng tóc thực sự là nguyên nhân gốc rễ của sự thiếu hụt sắt.
Cần phẫu thuật mới loại bỏ được búi tóc. |
Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật là điều cần thiết để loại bỏ các búi tóc. Ngoài ra, các bác sĩ có thể hòa tan búi tóc bằng hóa chất, phá vỡ chúng thành nhiều mảnh nhỏ hơn bằng tia laser hoặc loại bỏ bằng nội soi. Tuy nhiên, những phương pháp này thường ít thành công hơn so với phẫu thuật.
Điều trị tâm lý sau phẫu thuật rất quan trọng để phòng ngừa việc ăn tóc tái phát trong tương lai. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người mắc bệnh do căng thẳng vì họ có nguy cơ tái phát rất cao.
Sự tham gia của cha mẹ, vợ hoặc chồng trong điều trị tâm lý cũng rất quan trọng để bệnh nhân cảm thấy được hỗ trợ ngăn chặn các hành vi tiêu cực và giảm khó chịu do bệnh.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: