Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nghe chuyên gia chia sẻ về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và cách phòng ngừa hiệu quả để đón Tết an toàn

Chỉ trong 9 ngày kể từ khi bùng phát, Việt Nam ghi nhận con số tăng cao đột biến với hơn 375 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng lo ngại, hầu hết các ca mắc đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Cùng nghe chuyên gia giải đáp về biến thể mới để hiểu rõ hơn, từ đó phòng ngừa tốt hơn và đón Tết an lành.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Với tốc độ lây lan quá nhanh và kinh khủng như vậy, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - đã có những chia sẻ về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 này với mong muốn chúng ta sẽ hiểu biết rõ hơn, từ đó nâng cao cảnh giác để phòng ngừa quyết liệt hơn.

PV: Xin chào PGS. TS Trần Đắc Phu, trong thời gian vừa qua, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, xin Ông cho biết cụ thể về biến thể mới này như thế nào?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Trước tiên, tôi muốn mọi người hiểu rằng, hình thành biến thể mới là điều cực kỳ phổ biến trong quá trình tiến hóa của tất cả các loại virus. Và khi đã biến thể, thì khả năng lây lan, khả năng tăng độc lực của chúng có thể mạnh và nặng hơn. Từ đó dẫn tới số ca mắc, số ca chuyển nặng và số ca tử vong cũng tăng lên.

Virus SARS-CoV-2 cũng không ngoại lệ. Bằng chứng cho thấy, có hàng chục biến thể của nó đã được phát hiện trong vòng 1 năm qua, gần đây nhất là biến thể ở Anh và Nam Phi. 2 biến thể này có thể khiến dịch COVID-19 lây lan nhanh hơn. Theo đó tại Việt Nam, chúng ta đã phát hiện biến thể ở Anh (gây nên ổ dịch ở Chí Linh, Hải Dương) và 1 trường hợp biến thể ở Nam Phi nhập cảnh và được cách ly ngay.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp virus biến đổi theo hướng nhẹ đi, ví dụ như virus Cúm A (H1N1) - Đây là một loạt virus từng gây đại dịch năm 2009, nhưng đến nay đã trở thành Cúm mùa.

PV: Được biết các biến thể mới của COVID-19 ở Anh và Nam Phi có khả năng lây lan tăng hơn 70%, nhưng liệu độc tố có giữ nguyên như biến thể cũ không thưa PGS.TS Trần Đắc Phu? Còn chủng biến thể ở Việt Nam thì như thế nào?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Như đã đề cập ở trên, chỉ có 2 biến thể ở Anh và Nam Phi là 2 biến thể khiến bệnh COVID-19 lây lan nhanh hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, chủng mới ở Nam Phi có độc lực cao và gây tử vong nhiều hơn, nhưng hiện tại chưa có thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Còn tại Việt Nam, vừa qua chúng ta đã chứng kiến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - chủng biến thể mới tại Anh đã gây ra ổ dịch ở Hải Dương với tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh. Cụ thể, chỉ trong thời gian ngắn, số ca mắc virus SARS-CoV-2 chủng biến thể mới tại nhà máy Poyun đã tăng lên 50 ca và nhanh chóng lây lan sang trường hợp tiếp xúc gần, mà ta vẫn gọi là F0, tiếp đó đến F1 và F2… Ví dụ như tại một gia đình tại Hà Nội những ngày gần đây. Song song đó, ngày 31/01 vừa qua chúng ta cũng công bố đã có một trường hợp nhập cảnh và cách ly ngay được phát hiện mang biến thể mới của chủng virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70%.

PV: Vậy, đường lây truyền của biến thể mới này có khác với biến thể cũ không? Và các biện pháp phòng chống dịch có giống như chủng cũ hay không, thưa Ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Mặc dù đã biến thể, nhưng đường lây truyền, cách thức lây truyền của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa có sự thay đổi. Theo đó, virus vẫn lây truyền theo đường hô hấp với 2 hình thức như:

  • Tiếp xúc trực tiếp: Mầm bệnh virus từ người đang nhiễm bệnh được phát tán ra xung quanh thông qua các giọt nước nhỏ li ti bắn ra khi ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện bình thường (thuật ngữ y khoa gọi là “giọt bắn”). Các “giọt bắn” này mang theo mầm bệnh virus có thể được hít trực tiếp vào phổi của “người lành” xung quanh người bệnh trong khoảng cách gần (ít hơn 2m). Ngoài ra, các “giọt bắn” cũng có thể bám trên mặt, trên mũi, miệng, mắt của người lành, rồi từ đó đi vào đường hô hấp của người lành.

  • Tiếp xúc gián tiếp: Giọt bắn chứa virus của người nhiễm bệnh có thể bám trên các bề mặt như bàn, ghế, tay nắm cửa, các dụng cụ văn phòng... Những “người lành” có thể bị nhiễm bệnh khi vô tình chạm tay vào các đồ vật hoặc bề mặt mang mầm bệnh này sau đó đưa lên mắt mũi, miệng...

Chính vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế bao gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế để giữ cho bản thân an toàn trước đại dịch COVID-19!

Hãy thực hiện theo đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả cho bản thân và gia đình.

Mặt khác, trong thời điểm dịch vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát cao như hiện nay thì các biện pháp này phải được tăng cường hơn, thường xuyên hơn. Với các cơ quan chức năng, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt thực hiện kiên trì các nguyên tắc chống dịch như:

  • Ngăn chặn: Kiểm soát tất cả các trường hợp nhập cảnh hợp pháp cũng như bất hợp pháp để kịp thời ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài và lây lan từ vùng này sang vùng khác ở trong nước.

  • Phát hiện và cách ly: Tăng cường xét nghiệm, đẩy mạnh truy vết để phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và thực hiện cách ly để quản lý nguồn lây.

  • Khoanh vùng: Công tác khoanh vùng, phong tỏa cũng phải thật chặt chẽ để bệnh trong vùng dịch không lây lan ra bên ngoài nhưng phải đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân.

  • Quyết liệt hơn trong việc dập dịch, điều trị tích cực và hiệu quả: Cuối cùng, quyết liệt triển khai các biện pháp dập dịch và điều trị có hiệu quả để hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch.

PV: Những khó khăn trong việc điều trị và phòng tránh chủng mới so với chủng cũ là gì, thưa PGS. TS Trần Đắc Phu?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Khi có chủng mới xuất hiện, rõ ràng dịch sẽ lây lan nhanh và rộng hơn chỉ trong thời gian ngắn nên chúng ta sẽ khó quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp chúng ta có ít ca mắc nặng hoặc ca tử vong, nhưng số ca mắc tăng cao thì chắc chắn số bệnh nhân nặng và số tử vong sẽ tăng lên.

Càng nguy hiểm hơn, nếu biến thể mới lây lan vào bệnh viện thì số ca mắc trong bệnh viện sẽ tăng, dẫn đến số tử vong sẽ tăng, vì bệnh viện là nơi có nhiều bệnh nhân có sẵn bệnh nền, sức khỏe yếu... Ngoài ra, khi để dịch bùng phát đến vỡ trận, không thể xử lý được như một số nước ở Anh, Mỹ... sẽ gây quá tải bệnh viện. Từ đó, khả năng điều trị, cấp cứu không đáp ứng nổi dẫn tới số bệnh nhân nặng tăng lên và số tử vong cũng tăng lên.

PV: Cuối năm, cận Tết là lúc thời tiết trở nên lạnh hơn, vậy điều này có tạo điều kiện thuận lợi cho virus chủng mới phát triển và lây lan nhanh hơn không, thưa Ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Nhìn chung, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây viêm đường hô hấp trong đó có SARS-CoV-2 phát triển và lây lan. Cụ thể, chúng ta đã chứng kiến dịch COVID-19 bùng phát rất mạnh trong mùa lạnh vừa rồi tại các nước châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa vào mùa nóng đại dịch sẽ biến mất. Bởi, việc phát triển lây lan của dịch bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: giao lưu đi lại, giao tiếp gần, tiếp xúc đông người… Đó là lý do tại sao, ở các nước có thời tiết khá nóng như Indonesia, Malaysia… số người mắc vẫn còn tăng cao qua từng ngày.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết: "Do chủng virus biến thể phức tạp, có sức lây lan nhanh hơn nên chúng ta hãy quyết liệt hơn nữa. Việt Nam chúng ta đã kiểm soát dịch rất tốt, minh chứng là đến bây giờ mới có những ca cộng đồng”.

Việt Nam chúng ta đang chuẩn bị bước vào Tết Nguyên Đán, việc đi lại của người dân tăng cao, nhiều cuộc gặp gỡ, tiệc tùng sẽ diễn ra… Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, tôi mong muốn mỗi người dân cần có ý thức và trách nhiệm: thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng để dịch bệnh không xảy ra. Chúng ta hãy thực hiện đón Tết trong bối cảnh yên lành.

Với những lời chia sẽ hữu ích của PGS.TS. Trần Đắc Phu kể trên, bạn đọc hẳn đã có cái nhìn tổng quan về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, từ đó tránh chủ quan trong việc phòng ngừa dịch bệnh để có thể đón một cái Tết an lành, ấm cúng bên gia đình.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/nghe-chuyen-gia-chia-se-ve-bien-the-moi-cua-virus-sars-cov-2-va-cach-phong-ngua-hieu-qua-de-don-tet-an-toan-30098/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY