Cách đây khoảng 10 - 20 năm, tivi ăng-ten râu chính là biểu tượng tuổi thơ của 8x, 9x đời đầu. Khi đó chưa có những smartphone, máy tính bảng hay laptop, chiếc tivi nhoè nhoẹt trở thành thứ quý giá nhất, mở ra cả một thế giới diệu kì.
Ăng-ten râu chính là một trong những huyền thoại của tuổi thơ 8x và 9x đời đầu. (Ảnh: Trần Thị Chi, Hồng Ánh)
Tuy nhiên từ ngày 1/7, truyền hình analog với dàn ăng-ten râu huyền thoại đã chính thức ngừng phát sóng đối với các trạm phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước theo văn bản của bộ TT-TT. Nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng và tiếc nuối vì cả một "bầu trời" kí ức gắn liền với chiếc ăng-ten.
Đó là những đoạn hội thoại mà trẻ con bây giờ với K+, Youtube, Netflix,... sẽ không bao giờ hiểu được: "Chưa được đâu. Qua trái xíu. À. Không, qua phải đi. Từ từ nha. Rồi, nét rồi". Đó là những lần mưa gió bão bùng đành tắt tivi, rút điện vì sợ sét đánh trúng ăng-ten sẽ "đi" luôn cả dàn. Đó chiếc màn hình nhiễu chập chờn như hạt é đúng khúc hay nhất tập phim.
Dù không còn sử dụng, nhiều nhà vẫn mang chiếc ăng-ten vào nhà cất làm kỉ niệm. (Ảnh: Thanh Hương)
Bởi vậy mà phía dưới bài đăng về sự chia tay của truyền hình analog trên fanpage TOP Comments, dân mạng đã để lại rất nhiều bình luận lưu luyến và những câu chuyện tuổi thơ dở khóc dở cười gắn liền với những chiếc ăng-ten râu:
Chang Changg: Nhớ hồi đó trời thì tối, đã sợ lắm rồi mà vẫn phải ra vườn xoay ăng-ten để xem nốt "Cừu vui vẻ và sói xám".
Văn bản số 2357/BTTTT-CTS của Bộ TT-TT ban hành ngày 25/06/2020 thông báo chính về việc ngừng phát sóng truyền hình analog (truyền hình mặt đất) đối với các trạm phát tại các tỉnh thành. Cụ thể, từ 24h ngày 30/6, các trạm phát lại tại 9 tỉnh thuộc Nhóm II và 12 tỉnh thuộc Nhóm III sẽ chính thức ngừng phát sóng truyền hình Analog.
Truyền hình Analog là kỹ thuật thu phát sóng truyền hình sử dụng tín hiệu tương tự (analog) để truyền phát nội dung đa phương tiện. Sở dĩ truyền hình analog sớm phổ biến nhờ dễ triển khai và có mức chi phí thấp, nhất là trong bối cảnh điều kiện công nghệ còn thấp.
Tuy nhiên khi khoa học công nghệ phát triển, loại hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế như hay bị nhiễu sóng trong điều kiện thời tiết xấu, chất lượng hình ảnh và âm thanh không cao, đòi hỏi phải xoay ăng-ten đúng hướng để bắt sóng nên đã dần bị thay thế bởi truyền hình số vệ tinh và truyền hình kỹ thuật số (digital).
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link