Thanh nhiệt hóa ra hại gan
BS. Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, ông vừa điều trị cho chị Nguyễn Thị M. 45 tuổi (Hà Nội) bị xơ và teo gan mà nguyên nhân là do dùng cây chó đẻ răng cưa. Chị M. vốn dĩ khỏe mạnh nhưng hay bị “nóng trong”, hè đến là da dễ nổi ban. Nghe nhiều người mách cây chó đẻ có tác dụng làm mát gan, tiêu độc, trị mụn, giảm mỡ máu, chị về tận quê đi tìm cây này và còn mua thêm ở hàng thuốc Nam. Chị tích cực pha cây chó đẻ để uống thay nước lọc. Nhưng gần đây, chị thấy sụt cân sức khỏe giảm sút và mệt mỏi, đau tức bụng vùng hạ sườn…
Sau khi khám và chiếu chụp, bác sĩ kết luận chị bị xơ và teo gan. BS. Nguyễn Xuân Hướng cho hay đó là vì gan của chị đã phải làm việc quá nhiều do tác dụng của cây chó đẻ. Ông Hướng cho hay, thực chất đây là một cây thuốc, chỉ nên dùng khi có bệnh và phải dùng đúng liều lượng, đúng người, không nên dùng làm trà hàng ngày.
Cây chó đẻ hay còn gọi là chó đẻ răng cưa hoặc diệp hạ châu, có tên khoa học là Phyllanthus amarus, vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thẩm thấp, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, tốn ứ... Dân gian truyền miệng rằng chúng có công dụng đa năng, từ chữa đau bụng, đinh râu, mụn nhọt đến trị viêm gan B. Tuy nhiên, Hội Đông Y Việt Nam đã từng thử nghiệm 50 liều cao của cây này cho người bệnh gan nhưng kết quả không mấy khả quan.
Còn người khỏe mạnh dùng cây này uống hàng ngày sẽ dẫn tới xơ gan, teo gan. Bởi theo nguyên lý, khi mật không tiết ra (ở người có bệnh như mật viêm, tắc mật...) thì mới cần lợi mật; và khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống hằng ngày, nghĩa là họ bắt gan và mật không có nhu cầu cũng phải tiết ra khiến các cơ quan này phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
Nghi án ung thư, vô sinh
Vì nhuận gan nên người khỏe dùng nhiều cây chó đẻ sẽ dẫn tới tăng tiết mật quá mức. Mật có tác dụng tiêu độc nhưng khi thừa mật thì chúng đọng lại quá nhiều ở ruột làm tăng nguy cơ ung thư ruột già.
Cũng do có tính đắng, hàn, nên cây chó đẻ tác dụng giải nhiệt. Những người không bị nhiệt nếu vẫn dùng vị thuốc này không những không giúp ích gì cho sức khỏe mà còn khiến cho cơ thể quá hàn. Mặc dù chưa có nghiên cứu trên diện rộng để kết luận về việc gây vô sinh của cây chó đẻ nhưng BS. Hoàng Xuân Đại, Nguyên bác sĩ Bệnh viện 103 cho hay, theo Đông y người thể quá hàn thì khó thụ thai, cây chó đẻ làm tăng tính hàn nên về lý thuyết chúng tăng nguy cơ vô sinh.
Chưa rõ công dụng điều trị viêm gan B Công dụng lớn nhất của cây chó đẻ đang được lan truyền trong dư luận là điều trị bệnh viêm gan B. Nhưng BS. Hoàng Xuân Đại, nguyên bác sỹ Bệnh viện 103 cho hay các nghiên cứu về công dụng này vẫn ở quy mô nhỏ, số lượng bệnh nhân ít. Hơn nữa thầy thuốc ít khi dùng đơn độc cây chó đẻ để chữa bệnh mà phải dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Vì vậy, những người không am hiểu về đông ý chớ tự ý dùng cây này. |
Tường Linh
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: