Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Người Việt không biết dùng thực phẩm chức năng

Nếu người nước ngoài dùng thực phẩm chức năng (TPCN) như cơm ăn nước uống khi vẫn còn sung sức thì người Việt Nam chỉ tìm đến chúng khi sức khỏe đã bên sườn dốc.

Tôi biết đến TPCN như thế nào?

Tôi gặp bà Ngọt (trú tại tập thể Bộ công an, Hà Nội) ở Bệnh viện Bộ Xây Dựng (Hà Nội). Bà tỏ ra chia sẻ với cảnh cùng đợi khám như tôi rồi nói: “Tôi đã từng rất gầy yếu nhưng nhờ người quen mách dùng thực phẩm chức năng chứa tảo Spirulina mà giờ đã gần 70 tuổi tôi vẫn khỏe mạnh. Nhìn tôi thì biết, nay đến khám chỉ để lấy thuốc bảo hiểm và bán lại cho người quen thôi”. Từ những lời giới thiệu đó tôi đã theo bà đến chi nhánh văn phòng tại Hà Nội của tập đoàn đa quốc gia về sản xuất tảo Spirulina trên đường Thái Thịnh.

Đích thân nữ giám đốc chi nhánh giới thiệu với tôi về sản phẩm này kèm theo nhiều sơ đồ, kiến thức rất khoa học và mời tôi nên tham gia vào hệ thống phân phối đa cấp ấy. Cô ca ngợi hết lời rằng sản phẩm này thanh lọc cơ thể, người béo thì có thể giảm cân bằng việc uống trước bữa ăn, người gầy thì tăng cân lên bằng cách uống sau bữa ăn rồi có thể xua tan những triệu chứng táo bón, tiêu chảy, da dẻ đẹp lên, trẻ lâu. Trong lúc nghe, tôi ho vài tiếng vì dị ứng thời tiết, chị ấy đưa ngay cho tôi vài viên tảo và nói: “Em ngậm vào sẽ hết ho liền”. Chính lời quảng cáo lên mây và kiểu bán hàng đa cấp này khiến tôi không tin tưởng mấy sản phẩm này.

Vào dịp vừa rồi, thấy báo chí quảng cáo về một loại TPCN dành cho người tiểu đường, tôi thử mua làm quà tặng bố. Ông dùng thấy hiệu quả nên giới thiệu cho ông bạn vong niên cũng đan bị tiểu đường. Bác này nghe lời bố tôi đi mua và dùng một cách tích cực để mong nhận được phép nhiệm màu. Nhưng khi thử lại đường huyết, bác ấy thấy không giảm mà còn cao hơn.

Vậy là hai ông cụ đâm ra giận hờn nhau, người ca ngợi, người bực tức vì tiền mất mà bệnh vẫn còn. Đến khi dự buổi hội thảo cho bệnh nhân đái tháo đường ở bệnh viện Bạch Mai hai ông mới vỡ lẽ. Không ít người đã đặt câu hỏi: “Tôi cũng dùng sản phẩm như của người kia nhưng không thấy tiến triển gì như họ”.

Không phải ai dùng thực phẩm chức năng cũng tốt. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân (Trưởng khoa Nội tiết, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) trả lời trước hội thảo, trước đại diện của các công ty phân phối TPCN rằng: “Sản phẩm thì tốt nhưng cách dùng thì không phải ai cũng giống ai. Dùng TPCN phải tùy theo tình hình thể trạng của từng người, mỗi người một liều lượng, có thể người này nên dùng loại này, nhưng người kia nên dùng loại TPCN khác hơn thì tốt”. Lúc đó nhiều người mới ồ à...

Tôi mang câu chuyện trên kể với PGS, TS.Trần Đáng ((Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam) ông nhận định rằng: “Đó là thực trạng chung về tiêu dùng TPCN ở Việt Nam. TPCN khi vào Việt Nam được phân phối chủ yếu qua hệ thống bán hàng đa cấp nên không ít người thấy phản cảm vì chưa quen cách kinh doanh này. Đồng thời do những hiểu biết chưa tường tận, do giá cả còn khá cao với người tiêu dùng nên thời gian qua người Việt Nam hầu như sử dụng TPCN khi đã có bệnh tật hay khi phải vào viện. Nhiều người vì quá hy vọng nên lại thất vọng và quay lưng với chúng”.

TPCN- Người Việt dùng ít nhưng sai nhiều

Các chuyên y tế thế giới đã không ít lần khẳng định rằng TPCN là xu hướng cần tiếp cận, phù hợp với thời đại bởi ngoài giá trị cao về mặt dinh dưỡng chúng còn tăng cường khả năng chống bệnh, hỗ trợ phục hồi sức khỏe và giúp người bệnh tránh được nguy cơ thực phẩm nhiễm bẩn hiện nay.

PGS, TS. Trần Đáng cho biết thế giới đã sử dụng loại thực phẩm này một cách rất phổ biến nhưng ở Việt Nam thì đa phần người tiêu dùng đều chưa hiểu rõ về ý nghĩa của TPCN và việc sử dụng nhiều hay ít cũng chưa phải vấn đề đáng sợ như việc mơ hồ, dùng sai của đại đa số người Việt Nam hiện nay.

Hạn chế lớn nhất của số đông dân mình là không hiểu ý nghĩa dự phòng của TPCN. Giống như trong phương pháp y tế, khi đã để đại dịch xảy ra mới lo phòng chống thì vô cùng tốn kém và cách dùng TPCN cũng cần được sử dụng ngay từ khi người ta còn khỏe để phòng bệnh, dập tắt nguy cơ gây bệnh, kéo dài sức khỏe.

Nhưng người Việt Nam lại đi ngược với thế giới khi dùng chúng với hy vọng cứu vãn tình thế. Ở các nước, TPCN chủ yếu nằm dưới dạng thức ăn hay đồ uống nên người ta dùng nó thường xuyên như nhu cầu ăn và giải khát hàng ngày. PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh: “TPCN cũng là một loại thực phẩm nên phải dùng cả đời, dùng thường xuyên, có như vậy chúng mới phát huy được tác dụng dự phòng của mình”.

Đa phần người tiêu dùng đều chưa hiểu rõ về ý nghĩa của TPCN. (Ảnh minh họa)

Trên thế giới, TPCN ra đời xuất phát từ nhu cầu cần bổ sung thêm một số thành phần dinh dưỡng và một số tác dụng có lợi cho sức khỏe, tránh sự nhiễm độc của thực phẩm truyền thống. Chính vì thế chúng được tôn vinh là thực phẩm của thế kỷ 21, điểm cốt lõi chúng vẫn là THỰC PHẨM, loại thực phẩm đặc biệt nhất.

Tuy được đánh giá cao như vậy nhưng chúng cũng không phải là thứ gì quá ghê gớm, là thần dược như nhiều người Việt hiểu lầm. Sự thật, chúng chỉ hỗ trợ các chức năng cơ thể chứ không thể thay thuốc chữa bệnh. Ngay một loại sản phẩm tốt nhưng không phải dùng cho ai cũng như nhau. Mỗi người một thể trạng biểu hiện khác nhau thì dùng với liều lượn khác nhau, cách dùng phải có sự tư vấn của bác sỹ đang điều trị hoặc chuyên gia tư vấn dinh dưỡng.

Hãy làm người tiêu dùng thông minh

- Nên sử dụng ngay khi còn khỏe để nâng cao sức khỏe, tăng cường miễn dịch, phòng tránh bệnh.

- Chỉ sử dụng sản phẩm đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn. Tất cả những sản phẩm phải thông qua các cơ quan kiểm định, hướng dẫn sử dụng.

- Dùng thường xuyên liên tục giống như người ta ăn thì phải ngày ăn 3 bữa, uống nước 3-4 lần.

-Phải tỉnh táo trước những lời quảng cáo.

- Không thực phẩm chức năng nào chữa bệnh mà chỉ là hỗ trợ. Tiến sĩ Đáng nhấn mạnh: "Ngay cả một số bệnh thuốc tây đặc trị còn chưa chữa được nói chi là TPCN".

Nhật Bản là nước sử dụng nhiều nhất TPCN vào đời sống. Trung bình người dân Nhật sử dụng 126 đôla/năm cho mỗi người. Con số này ở Mỹ là 67 đôla, cộng đồng châu Âu là 51 đôla. Trong khi đó người Việt Nam trung bình mới dùng khoảng 1 đôla/người.

Đức Thành

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/nguoi-viet-khong-biet-dung-thuc-pham-chuc-nang-18887/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY