Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nguy hiểm như dùng thuốc bảo quản không đúng cách

(SKGĐ) Khi sử dụng thuốc, nhiều người mới chỉ có thói quen xem hạn sử dụng, liều lượng, cách dùng… mà không chú ý đến khâu bảo quản. Thói quen này sẽ khiến bệnh không khỏi, thậm chí là gây hại cho người dùng.
Thêm bệnh vì dùng thuốc bảo quản không đúng cách

Thấy Toàn - con trai đang học lớp hai của mình thời gian này bỗng lười ăn, da dẻ xanh xao, hay ốm vặt, chị Ngọc (ở Bình Thạnh, Tp.HCM) nghe lời khuyên của bạn bè tìm mua loại thuốc bổ để kích thích ăn uống, tăng cường sức đề kháng cho cu cậu. Mở lọ thuốc ra, chị thấy ngờ ngợ khi thấy thuốc có màu hơi nâu nâu đen đen và mùi ngai ngái, thế nhưng bụng lại bảo dạ: “Mỗi loại thuốc có công thức pha chế khác nhau nên mùi vị cũng khác nhau”, chị không ngần ngại đưa cho cậu con trai uống.

Uống được khoảng 3 ngày, Toàn bỗng dưng bị tiêu chảy, buồn nôn. Hiện tượng này kéo dài suốt một ngày và không có dấu hiệu suy giảm. Sốt ruột, chị Ngọc vội vàng đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện. Sau một loạt những xét nghiệm, bác sĩ kết luận Toàn bị rối loạn đường ruột mà nguyên nhân có thể là không dung nạp loại thuốc bổ đang sử dụng.

Mang lọ thuốc đang sử dụng ở nhà đưa bác sĩ kiểm tra, chị Ngọc càng hốt hoảng khi nhận được kết luận: lọ thuốc này đã bị biến chất do không được bảo quản đúng cách. Đến lúc này chị mới sực nhớ: hiệu thuốc gần nhà rất bé và rất nóng, đặc biệt vào những ngày thời tiết Hà Nội lên đến 39, 40 độ, trong khi đó trên chai thuốc lại ghi rõ: bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30 độ. Đây có thể là nguyên nhân khiến thuốc bị hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng như chị.

Cũng từng nếm đau thương vì sử dụng thuốc không bảo quản đúng cách như chị Ngọc, chị Minh (ở Gò Vấp, Tp.HCM) chia sẻ: “Đợt đó mình dùng một loại siro trị ho. Theo hướng dẫn sử dụng, chai thuốc đã mở phải giữ ở 5-7 độ, nhưng vì không biết, mình đã để nó ở ngoài trời. Mùa hè nắng nóng, thuốc hỏng nhanh chóng mà mình đâu có biết, cứ vô tư uống. Hết đợt điều trị (7 ngày) chẳng thấy bệnh khỏi mà cơ thể còn phát ban, thỉnh thoảng còn xuất hiện cảm giác bốc hỏa. Mình vội vàng đi khám thì biết đó là phản ứng sốc phản vệ do dùng thuốc sai quy cách. Về xem xét lại thì mới biết hóa ra mình bảo quản sai. Cũng may mà chưa để lại hậu quả nghiêm trọng gì. Từ đó trở đi, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, mình cũng phải đọc đi đọc lại hướng dẫn sử dụng thật nhiều lần để tránh bỏ sót thông tin”.

Bảo quản thuốc thế nào cho đúng

Khi sử dụng thuốc, nhiều người mới chỉ có thói quen xem hạn sử dụng, liều lượng, cách dùng mà không chú ý đến khâu bảo quản. Thuốc không bảo quản đúng cách rất dễ bị hỏng và chắc chắn không thể sử dụng được, vì không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí có thể trở thành độc dược đối với người dùng.

Theo BS. Đức Thành (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175, Tp.HCM): “Về mặt lý thuyết, các hoạt chất có trong thuốc đó đã bị phân hủy sang một thể khác hoàn toàn so hợp chất ban đầu, nên có thể gây hại cho người sử dụng. Đặc biệt, với những thuốc trị đái tháo đường, hen suyễn, chống động kinh, kháng đông máu… nếu thuốc không được bảo quản đúng cách, chúng có thể gây tử vong cho người uống”.

Vẫn theo bác sĩ Thành, thuốc bảo quản không đúng cách thường biến màu, đổi mùi, rất dễ phát hiện với những người đã từng sử dụng. Do đó, nếu nhận thấy sự thay đổi của loại thuốc thường dùng, đừng vội tin lời ngụy biện của một số người bán thuốc như: lô sản xuất khác nhau nên màu, mùi khác nhau… Đã là một sản phẩm có chất lượng tốt, mùi và màu phải luôn đồng nhất.

Tuy nhiên, với những người lần đầu sử dụng, để nhận ra sự khác biệt này là tương đối khó, trừ trường hợp có các biểu hiện rõ ràng như mốc, ố ... Thế nên, cách tốt nhất là nên lựa chọn sản phẩm ở những cửa hàng lớn, có uy tín. Những cửa hàng nhỏ thường gặp khó khăn về bảo quản thuốc, nhất là vào mùa hè với nền nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ.

Ngoài việc chọn mua thuốc ở những cửa hàng có uy tín, bạn cũng cần học cách bảo quản thuốc tại nhà. Theo đó, mỗi nhà nên có một tủ thuốc nhỏ treo lên tường ở nơi thoáng mát, khô ráo, đặc biệt không để nắng chiếu vào. Tủ thuốc không nên để ở phòng tắm, vì nơi đó ẩm ướt sẽ làm thuốc mau hỏng, và cũng không nên để ở phòng bếp vì ở đó nhiệt độ thường rất nóng. Nơi đặt tủ thuốc cũng cần tránh xa tầm với của trẻ em vì rất có thể bọn trẻ sẽ tự uống các loại thuốc không được chỉ định.

Một số loại thuốc sau khi mở nắp sẽ phải bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thấp trong tủ lạnh, thế nên bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Các loại thuốc được bào chế dưới dạng siro thường chỉ dùng được sau một tháng kể từ ngày mở nắp bởi thành phần của thuốc có thể bị thay đổi do sự xâm nhập của không khí, do đó nếu chưa sử dụng hết trong thời gian này, bạn cũng nên vứt bỏ. Thuốc thải loại nên được bỏ vào sọt rác, tránh ném xuống đất canh tác, ao, hồ… vì có thể gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng.

An Châu

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/nguy-hiem-nhu-dung-thuoc-bao-quan-khong-dung-cach-14045/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY