Dinh dưỡng hôm nay

Nguyên tắc dinh dưỡng bắt buộc dành cho người bệnh SUY THẬN

Người bệnh suy thận cần có một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để bệnh không ngày một nặng thêm. Theo các chuyên gia, nếu người bệnh suy thận được chăm sóc đúng cách sẽ giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Chế độ ăn uống không lành mạnh và khoa học cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh suy thận. Bởi vậy, khi bị suy thận người bệnh nên ăn gì và không nên ăn gì rất quan trọng để có thể điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ mách bạn những nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh suy thận ai cũng nên biết:

Người suy thận nên ăn nhạt, giảm bớt muối

Bệnh nhân suy thận nên ăn nhạt, giảm bớt muối trong các món ăn hàng ngày (2-3g/ngày - tương đương nửa muỗng cà phê) để cải thiện và kiểm soát huyết áp, tránh tình trạng giữ nước dẫn đến phù nề.

Đặc biệt, người suy thận tuyệt đối không ăn mỳ chính, không nên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp như: pho mát, các loại thịt đóng hộp, thịt hun khói vì chúng thường có lượng natri cao có hại cho thận.

Hạn chế ăn thức ăn giàu kali đối với người bệnh suy thận

Ở người suy thận, nếu không kiểm soát lượng kali ăn vào thì dễ xảy ra hiện tượng kali trong máu tăng cao, dễ gây biến chứng, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong do loạn nhịp tim.

Khi kali máu >5mmol/lít, bệnh nhân cần có một chế độ ăn giảm kali để làm chậm quá trình tích tụ của chất thải trong máu.

Trong trường hợp đi tiểu ít và vô niệu thì nên bỏ hẳn rau và quả để phòng tăng kali máu. Những thực phẩm nhiều kali nên tránh như đậu nành, đậu xanh, cá ngừ, cá thu, rau giền đỏ, rau ngót, khoai sọ, chuối, na, đu đủ, hồng...

Thay vào đó, người suy thận nên ăn những thực phẩm sau: cam, bưởi, bí đao, mướp, su su, bắp cải...

Thức ăn chứa nhiều phốt pho không tốt cho người bệnh suy thận

Thức ăn chứa nhiều phốt pho làm tăng lượng phốt pho trong máu ở người suy thận giai đoạn cuối, lúc này thận đã mất khả năng đào thải phốt pho nên người bệnh sẽ gặp phải những biến chứng do phốt pho trong máu cao.

Khi lượng phốt pho tăng cao sẽ làm xương mất canxi và gây loãng xương. Các thức ăn chứa nhiều phốt pho bao gồm đậu, ngũ cốc nguyên hạt (ngũ cốc chưa xay giã kỹ như gạo lứt), coca cola, bia…

Kiểm soát nước nạp vào cơ thể nếu đang bị suy thận

Nếu bệnh nhân suy thận uống nhiều nước một ngày và không kiểm soát, sẽ dẫn tơi lượng nước dư thừa, một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng huyết áp, phù phổi cấp, gây chứng khó thở, tràn dịch màng phổi, khoang màng bụng, , màng ngoài tim...

Để kiểm soát lượng nước vào cơ thể, bệnh nhân có thể tính lượng nước uống mỗi ngày bằng cách đo lượng nước tiểu trong 24 giờ của ngày hôm trước cộng thêm khoảng 200-500 ml (bao gồm cả nước từ thức ăn và đồ uống). Nên có bình uống nước riêng và chỉ uống lượng nước cố định đã chuẩn bị để có thể kiểm soát lượng nước nạp vào cơ thể.

Kiểm soát lượng protein tiêu thụ

Bệnh nhân suy thận mạn nếu chưa lọc máu thì chế độ ăn cần giảm protein, vì protein dư thừa sẽ chuyển hóa thành ure và creatinin, gây tình trạng ure máu tăng. Lượng đạm mỗi ngày khoảng 0,6-0,8g/kg tùy vào tình trạng và giai đoạn của bệnh và theo sự tư vấn của bác sĩ và chuyên gia đinh dưỡng.

Ngược lại, đối với bệnh nhân suy thận mạn có điều trì bằng lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng, chế độ ăn cần tăng protein để bù đắp lượng protein mất đi sau mỗi lần lọc máu. Người bình thường cần 1g/kg/ngày thì người bệnh thận có lọc máu cần ở mức cao hơn: 1,2-1,4g/kg/ngày.

Hạn chế ăn thực phẩm nhiều protein như thịt nạc, trứng, tôm… nếu không muốn gặp phải những triệu chứng do ure máu cao như đau đầu, nôn mửa và xuất huyết dạ dày.

Bổ sung thực phẩm giàu năng lượng, đủ vitamin và yếu tố vi lượng

Để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, tăng cường sức đề kháng và “chống chọi” lại với bệnh tật, bệnh nhân suy thận vẫn cần được cung cấp đủ năng lượng với các nhóm chất dinh dưỡng: đạm, béo, bột đường nhưng dưới sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng và chế độ.

Bên cạnh đó, chế độ ăn của người bệnh cũng cần lưu ý bổ sung đầy đủ vitamin và các yếu tố vi lượng như sắt, vitamin B12, axit folic, vitamin B6 là phức hợp chống thiếu máu; vitamin B, C, A, E cần cho chuyển hóa các chất và chống gốc tự do.

Thu Hương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/nguyen-tac-dinh-duong-bat-buoc-danh-cho-nguoi-benh-suy-than-26016/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY